Doanh nghiệp - Doanh nhân

Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt tiến sâu vào thị trường Đông Âu nhiều tiềm năng?

DNVN - Phát biểu tại Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam-Slovakia ngày 29/9, Đại sứ Việt Nam tại Slovakia Nguyễn Tuấn khẳng định thị trường Đông Âu đang có nhiều tiềm năng để mở rộng hợp tác, đầu tư. Để tận dụng lợi thế này, doanh nghiệp Việt cần sáng tạo tạo sản phẩm mới để thích ứng.

3 Hiệp hội doanh nghiệp đường thủy kiến nghị không thu phí với hàng tạm nhập - tái xuất / Ông Dương Tuấn Anh tái đắc cử Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế

Phát biểu tại tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Slovakia Nguyễn Tuấn khẳng định Việt Nam đã rất quan tâm tới hoạt động đầu tư hợp tác kinh doanh với nước ngoài, hoạt động này gọi là ngoại giao kinh tế.

Cuối tháng 8/2022, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TƯ của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, trong đó chỉ rõ ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ chính của ngoại giao Việt Nam, là điều kiện tiên quyết để thu hút các nguồn lực từ nước ngoài và là động lực để phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Đại sứ Việt Nam tại Slovakia Nguyễn Tuấn phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Hà Anh).

“Tôi cho rằng, Đại sứ Ngô Quang Xuân (nguyên Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp quốc, hiện là Trưởng ban Hội nhập Quốc tế, Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam – pv) và bà Luận Thùy Dương (nguyên Đại sứ Việt Nam tại Myanmar, hiện là Phó Ban Hội nhập Quốc tế, Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam - pv) đã tổ chức để phái đoàn của Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam đi qua nhiều nước châu Âu xúc tiến thương mại, gặp gỡ đối tác có ý nghĩa quan trọng”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, Việt Nam là một trong 4 nước châu Á có được hiệp định thương mại với châu Âu (cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore). Việt Nam đã có chương trình kế hoạch xúc tiến đầu tư, mở rộng hợp tác với châu Âu.

Tuy nhiên, thời gian qua, kinh tế thế giới gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19, cuộc chiến Nga -Ucraina nên tăng trưởng thương mại Việt Nam - châu Âu không phát triển theo mức cao như mong đợi.

Để có thể vượt qua khó khăn do chiến tranh, dịch bệnh gây ra, doanh nghiệp Việt Nam cần sáng tạo, đổi mới để có được kế hoạch về đầu tư thương mại tại châu Âu.

“Việt Nam đã tập trung vào 7 nước Tây Âu, nơi mà trật tự đầu tư thương mại cũng như mạng lưới kinh doanh đã được gắn kết chặt chẽ. Đây là lúc chúng ta cần điều chỉnh ra thị trường mới Trung Âu, Đông Âu và Bắc Âu. Thị trường Đông Âu có lợi thế về chi phí nhân công, chi phí thuê mặt bằng, đầu tư vào cơ sở hạ tầng thấp hơn so với các nước Tây Âu.

Chúng ta có rất nhiều tiềm năng tham gia vào thị trường Đông Âu như hợp tác về vốn, ví dụ như hợp tác với Coca - cola tại Slovakia. Đồng thời, tìm những sản mới sau khi tìm được thị trường mới như viên gỗ nén”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Sắp tới, vào mùa đông, châu Âu rất khó khăn về năng lượng, nhiên liệu. Doanh nghiệp Việt Nam đã rất nhạy bén tăng sản lượng viên gỗ nén. Hiện nay, châu Âu sử dụng 40% sản lượng viên gỗ nén để sưởi ấm trong gia đình, 36% để sản xuất ra năng lượng điện.

Bài học từ việc nhanh nhạy tăng số lượng sản phẩm viên gỗ nén xuất khẩu sang châu Âu một lần nữa đặt ra yêu cầu cho doanh nghiệp Việt cần sáng tạo tạo ra những sản phẩm mới cho thích ứng. Làm sao tạo ra sản phẩm có công dụng cao đối với nhu cầu sử dụng sản phẩm chất lượng sạch, sản xuất bền vững, đảm bảo môi trường của thị trường châu Âu.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Juraf, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Slovakia bày tỏ sự ấn tượng với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua.

Ông Juraf, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Slovakia chia sẻtại tọa đàm. (Ảnh: Hà Anh).

“Phòng Thương mại và Công nghiệp Slovakia là nơi cấp giấy phép xuất khẩu cho các doanh nghiệp. Doanh nghiệp Slovakia có nhiều tiềm năng xuất khẩu và cũng có nhu cầu tìm đối tác trên lĩnh vực năng lượng, sản xuất xe hơi. Doanh nghiệp Slovakia mong muốn thúc đẩy hơn nữa hoạt động hợp tác trên lĩnh vực giáo dục, thương mại với Việt Nam thời gian tới”, ông Juraf nói.

Đại diện cho doanh nghiệp Việt Nam đang rất thành công tại Slovakia, Giám đốc Công ty FPT Slovakia Trần Côi chia sẻ năm 2014, Tập đoàn FPT đã ký kết thỏa thuận với Tập đoàn RWE về việc mua công ty RWE IT Slovakia (công ty thành viên của Tập đoàn RWE). Theo đó, RWE IT Slovakia đã trở thành công ty 100% vốn của FPT Software tại châu Âu và được đổi tên thành FPT Slovakia. Đây là thương vụ mua bán - sáp nhập đầu tiên tại thị trường nước ngoài của FPT nói riêng và lĩnh vực công nghệ (IT) thông tin Việt Nam nói chung.

Hiện nay, FPT Slovakia đang phát triển rất nhanh, với 400 lao động, hầu hết là lao động Slovakia, chỉ có 4 người là người Việt.

Giám đốc Công ty FPT Slovakia Trần Côi chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: Hà Anh).

“Chúng tôi đã đào tạo khoa học công nghệ, kỹ năng mềm, cách quản lý cho người lao động, chăm sóc quyền lợi rất tốt cho người lao động. FPT Slovakia đã trở thành một trong những công ty top đầu trong lĩnh vực IT tại Slovakia ngay sau 4 năm thành lập.

Dù khó khăn về năng lượng tại Slovakia đang diễn ra nhưng nhu cầu về chuyển đổi số, công nghệ thông tin rất lớn nên tương lai của FPT Slovakia đầy triển vọng. FPT Slovakia sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam sang tìm hiểu, xúc tiến đầu tư thương mại tại Slovakia”, ông Côi khẳng định.

Đại sứ Ngô Quang Xuân với vai trò là Trưởng ban Hội nhập Quốc tế, Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam chia sẻ Việt Nam hiện có hơn 900 nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa trên tất cả các lĩnh vực, chiếm 97% tổng số doanh nghiệp trên cả nước.

Trong đó, có hơn 600 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Hầu hết là doanh nghiệp tư nhân – doanh nghiệp đóng vai trò trọng yếu trong nền kinh tế.

Ban Hội nhập Quốc tế, Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam thay mặt các nhà tài trợ tặng áo dài cho Đại sứ Việt Nam tại Slovakia Nguyễn Tuấn. (Ảnh: Hà Anh).

“Mục đích của đoàn Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam đi 6 nước châu Âu của chúng tôi lần này là mong muốn tìm kiếm những cơ hội được tạo ra từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới các lĩnh vực chuyển giao công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ 4.0, ứng phó biến đổi khí hậu, cải thiện đô thị, chế biến nông sản, tín dụng và các lĩnh vực tài chính. Đặc biệt là mong muốn đưa sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu”, ông Xuân nhấn mạnh.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm