Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nghiệp logistics mạnh phải biết phát huy sở trường

Một doanh nghiệp logistics mạnh là phát huy được sở trường và thế mạnh của mình và có thể tính tới câu chuyện hợp tác liên doanh liên kết nếu có quy mô nhỏ, ít lợi thế.

Viettel đóng góp 230.000 tỷ đồng vào ngân sách trong 5 năm / Chủ tịch VST vinh dự nhận giải "Ngôi sao sáng chế IPSTAR 2021"

Số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho thấy, hiện cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp (DN) tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ logistics, trong số đó có khoảng 30 DN logistics đa quốc gia, các DN logistics trong nước mới chỉ nắm giữ khoảng 30% thị phần. Điều này chứng tỏ năng lực của các DN logistics Việt Nam vẫn còn rất hạn chế; từ quy mô, tiềm lực tài chính đến nhân lực, công nghệ thông tin. Việc xây dựng các DN logistics mạnh, trở thành nòng cốt của nền kinh tế đất nước đang trở thành một đòi hỏi cấp thiết.

Ông Đỗ Xuân Minh, Giám đốc Trung tâm dịch vụ, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn nhận xét, các DN logistics của Việt Nam hiện nay đa phần có quy mô vừa và nhỏ với thị trường phân mảnh, thiếu sự liên kết sâu rộng và chưa có tính chuyên môn hóa cao, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ nối tiếp còn thấp. Trong khi đó, thị trường dịch vụ logistics trong nước chủ yếu tập trung vào các mảng dịch vụ kho bãi, vận tải đường bộ có tính cạnh tranh gay gắt vì những yếu tố khách quan khác khiến chi phí tăng cao. Các hoạt động logistics đầu – cuối của DN trong nước hầu như không theo kịp được với các DN nước ngoài vốn đã có nhiều kinh nghiệm trong quản lý chuỗi logistics.

“Các DN logistics Việt Nam đã có những thay đổi tích cực, chủ động nhằm nắm bắt xu hướng mới và đạt được một số thành công nhất định và dần khẳng định được vị trí của mình. Tuy nhiên, trong hoạt động đa phương thức với mức tự động hóa cao vẫn chưa được phát triển, nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế về quy mô, thiếu tính liên kết và cơ sở hạ tầng chưa được đồng bộ”, ông Minh nhận xét.

Thị trường dịch vụ logistics vẫn chủ yếu tập trung vào các mảng dịch vụ kho bãi, vận tải đường bộ.
Thị trường dịch vụ logistics vẫn chủ yếu tập trung vào các mảng dịch vụ kho bãi, vận tải đường bộ.

Để có được những DN logistics mạnh, theo ông Minh là ngoài việc chú trọng vào việc cung cấp vụ logistics với chất lượng và tiêu chuẩn cao nhất, các DN cần nỗ lực trong việc xây dựng hệ thống có thể thích ứng linh hoạt với những biến động thị trường. Đặc biệt, cần đề cao quá trình chuyển đổi số trong quản lý logistics thông qua những ứng dụng cảng điện tử, giám sát tự động ứng dụng công nghệ điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động hỗ trợ và chăm sóc khách hàng, đồng thời phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Tân Cảng Sài Gòn đã và đang phát triển hệ sinh thái số, trong đó kết nối các thành phần của chuỗi cung ứng nhằm đơn giản hóa chuẩn hóa và tăng tốc trao đổi thông tin, tăng hiệu quả kết nối với các cơ quan quản lý như hải quan, cảng vụ. Từ đó tăng cường kiểm soát tối ưu hóa hoạt động góp phần làm giảm chi phí để trở thành 1 DN mạnh trong ngành logistics đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng trong và ngoài nước, đồng thời hỗ trợ các DN cùng phát triển”, ông Minh cho biết.

Doanh nghiệp logistics phải có hệ sinh thái dịch vụ đa dạng

Theo quan điểm hình thành 1 DN logistics mạnh của ông Cao Hồng Phong, Tổng Giám đốc cảng Nam Hải Đình Vũ - Tập đoàn Gemadept là phạm vi và hệ sinh thái dịch vụ mà trong đó hệ sinh thái dịch vụ phải đa dạng. Cùng với đó, hệ thống khách hàng và mạng lưới hoạt động rộng sẽ tạo nên quy mô của một DN logistics mạnh.

“Một DN logistics mạnh là phát huy được sở trường và thế mạnh của mình. Đối với các DN logistics nhỏ có thể tính tới câu chuyện hợp tác liên doanh liên kết. Đơn cử như ở Gemadept, với sở trường là cảng biển nên đang hợp tác với các tập đoàn lớn của Nhật Bản và Hàn Quốc cùng khai thác hạ tầng cảng biển, thông qua kết nối đó tiếp cận với khách hàng Hàn Quốc, Nhật Bản. Cùng với đó, Gemadept còn hợp tác với các hãng tàu container lớn trên thế giới và khi có hệ thống cảng biển bao phủ cùng sự hợp tác liên kết trong vận tải thủy sẽ khắc phục yếu điểm, đưa DN phát huy đúng sở trường thế mạnh của mình”, ông Phong chia sẻ.

 

Khẳng định DN logistics mạnh phải là những đơn vị vừa thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường, vừa có tốc độ tăng trưởng, mức độ số hóa và tự động hóa cao; nắm giữ thị phần top trong lĩnh vực, Thiếu tá Nguyễn Hoàng Long, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) nhìn nhận, sự đồng hành, kết nối thành một mạng lưới của các DN logistics mạnh chính là tiền đề phát triển vững chắc cho nền logistics quốc gia, đồng thời là đôi bàn tay đáng tin cậy nâng đỡ, hỗ trợ cho các DN vừa và nhỏ giữa thị trường nhiều biến động.

Hệ sinh thái dịch vụ đa dạng cùng hệ thống khách hàng và mạng lưới hoạt động rộng sẽ tạo nên quy mô của một DN logistics mạnh.
Hệ sinh thái dịch vụ đa dạng cùng hệ thống khách hàng và mạng lưới hoạt động rộng sẽ tạo nên quy mô của một DN logistics mạnh.

Theo Thiếu tá Nguyễn Hoàng Long, DN logistics mạnh phải là đại diện cho phần lớn các DN logistics Việt Nam nên cần được hỗ trợ đào tạo, hướng nghiệp để có nguồn nhân lực logistics chất lượng cao. Các DN logistics quốc nội cần học hỏi, vận dụng từ các đơn vị nước ngoài đã đi trước, ứng dụng một cách phù hợp với thực tế hiện tại, hướng tới một nền logistics quốc gia phát triển mạnh mẽ và bền vững.

“Những DN trụ cột trong lĩnh vực logistics cần chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ và nguồn lực đang có với các DN nhỏ hơn để giúp nhau cùng mở rộng cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, tối ưu chi phí, tạo nền tảng bền vững cho nền logistics trong kỷ nguyên mới. Đó vừa là trách nhiệm, vừa là sứ mệnh của các DN đối với nền logistics quốc gia”, Thiếu tá Nguyễn Hoàng Long kì vọng.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm