Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nghiệp nông nghiệp sẵn sàng ‘hậu COVID-19’

Được coi là trụ đỡ của nền kinh tế nước nhà, ngành nông nghiệp đã chủ động phương án hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Các công ty chế biến, xuất khẩu nông sản xác định phải “sống chung với dịch COVID-19” đã chuẩn bị phương án tăng quy mô sản xuất ngay khi nới lỏng giãn cách.

Vaccine cho doanh nghiệp - Từ sống sót đến thịnh vượng / Doanh nghiệp và người lao động cần thích ứng linh hoạt với định hướng mới thời hậu COVID-19

Thích ứng an toàn với dịch bệnh
TS. Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty FIMEX Việt Nam cho biết, Sóc Trăng có thành quả cơ bản hàng đầu là ngăn chặn, đẩy lùi được dịch. Tỉnh công bố trở lại bình thường mới từ 16/9, nên đã kịp thời giải cứu thành công toàn bộ lúa hè thu, trái cây, các ao tôm... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong tỉnh không ai bị đóng cửa vì dịch bệnh. Hiện là thời điểm đưa doanh nghiệp trở lại hoạt động với 4 nội dung: Tiếp tục chia vùng theo cấp độ rủi ro, lấy xã phường làm pháo đài chống dịch; giữ vững 4 cấp chốt chặng làm phòng tuyến chống dịch; tăng cường xét nghiệm và tìm thêm vaccine.
Những tháng cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp ngành nông nghiệp vực dậy sản xuất, đáp ứng các đơn hàng. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Những tháng cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp ngành nông nghiệp vực dậy sản xuất, đáp ứng các đơn hàng. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Theo ông Võ Quan Huy - Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, trong thời gian giãn cách vừa qua cả người nuôi tôm, đại lý và doanh nghiệp chế biến đều gặp khó khăn khi vừa thiếu hụt lao động thu hoạch và chế biến, vừa không thể vận chuyển, lưu thông vật tư phục vụ nghề nuôi tôm thương phẩm khiến giá tôm có lúc giảm tới gần 50% so với trước dịch. Tuy nhiên, từ đầu tháng 9, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp của Sóc Trăng và đồng bằng sông Cửu Long đã được phục hồi đáng kể.
Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cho biết, sau khi việc đi lại, vận chuyển được tháo gỡ, doanh nghiệp bắt đầu mở rộng thu mua tôm sang các địa phương trong khu vực để đảm bảo nguyên liệu đủ cho công suất hoạt động. Đà tăng giá của nhiều nông sản gặp khó khăn trong tiêu thụ trong giai đoạn giãn cách tạo thế cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản phục hồi.
Theo Sở Công thương Đồng Tháp, tháng 9 vừa qua, đa số các ngành hàng đều tăng sản lượng so với tháng trước. Đáng mừng là chuỗi cung ứng nông thủy sản tiếp tục duy trì trong thời gian giãn cách, đang có điều kiện phục hồi nhanh chóng khi nới lỏng, nhất là việc khơi thông chuỗi sản xuất, cung ứng 5 mặt hàng chủ lực của tỉnh gồm: lúa gạo, hoa cảnh, xoài, cá tra và vịt.
Song, các doanh nghiệp cũng cho rằng, dịch bệnh còn khó lường, phải có phương án thích nghi phù hợp. Để tái sản xuất hiệu quả, nhiều doanh nghiệp kiến nghị các tỉnh cần có sự thống nhất về cách làm trong khâu lưu thông hàng hóa giữa các địa phương trong tỉnh và trong vùng; ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động tại doanh nghiệp... Đồng thời, đề xuất các tỉnh thành lập một đầu mối thống nhất để doanh nghiệp trực tiếp kiến nghị những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh.
Liên kết để khôi phục sản xuất
Chỉ đạo về công tác phối hợp trong khôi phục sản xuất, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ: Chuỗi cung ứng của doanh nghiệp không chỉ ở một tỉnh, một địa bàn. Một nhà máy, có thể bố trí nhiều xưởng ở nhiều tỉnh, nhiều địa bàn. Do đó, việc phối hợp giữa các địa phương, khu vực là rất quan trọng. Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp đều có mong muốn nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh. Lãnh đạo, cơ quan chức năng nhiều địa phương đã đưa ra giải pháp, hướng đi cần thiết.
Theo ông Phạm Văn Bình, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Phước, để công tác chỉ đạo, điều hành trong ngành nông nghiệp được thông suốt, Sở đã thành lập tổ chỉ đạo sản xuất. Thông qua đường dây nóng, tổ đã kịp thời tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, lưu thông, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu nhân dân.
Từ kinh nghiệm của địa phương, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ chia sẻ, doanh nghiệp có nhà máy đặt tại một địa phương A nhưng lại có lao động và nguồn nguyên liệu ở địa phương khác và thị trường cũng ở nơi khác. Do đó, phải có sự kết nối giữa các địa phương trong khu vực và kết nối với trung tâm khu vực là TP Hồ Chí Minh.
Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Cần Thơ Nguyễn Mỹ Thuận cũng cho biết, để mở cửa an toàn, từng địa phương cần có kịch bản và chủ động triển khai thực hiện theo yêu cầu, phù hợp diễn biến tình hình mỗi nơi, nhưng phải đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, tránh tình trạng mỗi nơi ban hành quy định riêng cản trở mục tiêu chung.
Một trong những giải pháp ưu tiên để khôi phục sản xuất ở thời điểm hiện tại là tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người lao động. Cùng với đó, tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp chống chịu, vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất trong những tháng cuối năm.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết: "Vừa qua, Chính phủ đã đưa ra những giải pháp rất trọng tâm, trọng điểm và rất hiệu quả, đặc biệt là Nghị quyết 105 nhằm hỗ trợ HTX và các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chúng tôi rất mừng và mong tinh thần chỉ đạo trong Nghị quyết của Chính phủ sẽ triển khai nhanh chóng ở các địa phương để có thể hoàn toàn vực dậy được các khu vực này”.
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm