Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nghiệp thuỷ sản “cầu cứu” vì giá cước vận tải biển và thiếu container hàng

DNVN - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết các doanh nghiệp hội viên đang rất “sốt ruột” vì vấn đề giá cước vận tải biển tăng cao. Các hãng tàu đã thông báo tăng giá cước từ 2-10 lần, trong khi doanh nghiệp vẫn rất khó hoặc không thể đặt được container, chỗ trên tàu cho nhiều chặng quan trọng, gây ra tình trạng ùn ứ hàng hóa.

BIDV Chi nhánh Tây Đô luôn đồng hành cùng khách hàng và doanh nghiệp / SCTV xét nghiệm sàng lọc và tiêm Vaccine Covid-19 cho người lao động

Cước tăng theo cấp số nhân

Ghi nhận từ các doanh nghiệp thủy sản trong thời gian qua, các hãng tàu đã thông báo tăng giá cước từ 2-10 lần (tùy chặng, tùy hãng), trong khi doanh nghiệp vẫn rất khó hoặc không thể đặt được container, chỗ trên tàu cho nhiều chặng quan trọng. Điều này gây ra tình trạng ùn ứ hàng hóa và chi phí đội lên rất cao cho ngành xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nói riêng và các ngành xuất khẩu nói chung.

Cụ thể, từ cuối tháng 11/2020, phí thuê container đi từ Việt Nam cho cả hàng khô và hàng lạnh đã tăng đột biến. Ở một số cảng, giá tháng sau đã tăng gấp đôi so với tháng trước và gần gấp 6 lần so với giá đầu năm 2020.

Giá vận chuyển container lạnh từ Việt Nam đi cảng Southampton (Anh) đầu năm 2020 là 1.600 USD/container (khoảng 36,8 triệu đồng) đến tháng 12/2020 là 5.000 USD/container (115 triệu đồng) nhưng đến tháng 5/2021 tăng lên 9.100 USD/container (khoảng 210 triệu đồng).

Cước vận tải tăng chóng mặt khiến doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản ngày càng khó khăn.

Cước vận tải tăng chóng mặt khiến doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản ngày càng khó khăn.

Trong khi đó, giá vận chuyển container lạnh từ Việt Nam đi cảng Los Angeles (Mỹ) đầu năm 2020 là 1.800 USD/container (khoảng 41 triệu đồng) đến tháng 12/2020 là 4.000 USD/container (92 triệu đồng) đến tháng 5/2021 là 8.000 USD/container (khoảng 184 triệu đồng).

Giá vận chuyển container hàng khô từ Việt Nam đi Israel tháng 10/2020 chỉ 2.300 USD/container 20 feet (khoảng 53 triệu đồng), tháng 3/2021 đã lên 6.300- 7000 USD/container 20 feet (khoảng 145- 166 triệu đồng), thậm chí có hãng tàu còn báo cước phí lên đến 11.000 USD/container 20 feet (250 triệu đồng).

Bên cạnh đó, từ cuối tháng 10/2020, nhiều hãng tàu vận tải container đã đồng loạt gửi thông báo đến các khách hàng yêu cầu tăng phụ phí đối với hàng container xuất khẩu từ Việt Nam đi các thị trường châu Á.

Mức tăng từ 50-200 USD/container (1,2 triệu đồng - 4,6 triệu đồng) và bắt đầu áp dụng từ 1/11/2020, tức là chỉ vài ngày sau ngày gửi thông báo tới các khách hàng.

“Đấu giá” để thuê container

Các doanh nghiệp cũng cho rằng, việc đẩy giá thuê container lên cao cộng thêm các loại phụ phí trong thời gian dài là rất vô lý trong bối cảnh giá dầu (chi phí lớn nhất trong cơ cấu chi phí hoạt động của các hãng tàu) thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước đây; các hàng tàu cũng đã có thời gian dài từ quý 4/2020 để bổ sung số lượng tàu và container còn thiếu hụt.

Trong khi đó, mức phạt đối với các hành vi không niêm yết giá vận chuyển bằng đường biển, phụ thu, giá dịch vụ tại cảng biển trên trang thông tin điện tử hoặc tại trụ sở của doanh nghiệp không đúng theo quy định hiện tại chỉ khoảng 500.000-1.000.000 đồng/vi phạm. Số tiền phạt này chỉ một phần rất nhỏ số tiền các hãng tàu, công ty dịch vụ vận tải thu được từ việc tăng phí, tăng cước cho thuê container.

Cụ thể, doanh nghiệp xuất khẩu phải chật vật để đặt được container do thường xuyên được báo là thiếu container tại các cảng, các tuyến. Doanh nghiệp muốn thuê container phải đặt trước một tháng mà nhiều trường hợp vẫn không thuê được. Các doanh nghiệp gần như đang phải tranh nhau chỗ để đặt thuê container.

“Ngay cả khi doanh nghiệp đã đăng ký được container đóng hàng đưa ra cảng để lên tàu xuất khẩu rồi, nhưng vì thiếu hụt lượng container dẫn đến các hãng tàu liên tục hoãn chuyến. Có nhiều tàu phải hoãn chuyến 4-5 lần, gây nên việc chậm trễ đơn hàng xuất khẩu. Nhất là các đơn hàng phải giao để kịp hạn mức nhưng tàu hoãn dẫn đến buộc phải hủy giao hàng, chi phí lưu container ở cảng cũng tăng lên nhiều lần,” một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản nêu thực trạng.

Doanh nghiệp muốn thuê container phải đặt trước một tháng mà nhiều trường hợp vẫn không thuê được

Doanh nghiệp muốn thuê container phải đặt trước một tháng mà nhiều trường hợp vẫn không thuê được.

Theo nhiều doanh nghiệp, trên thị trường container rỗng hiện nay, doanh nghiệp nào trả cước cao hơn thì hãng tàu sẽ cấp container. Thậm chí các doanh nghiệp đã đăng ký được container, nhưng do cước phí tăng lên hàng ngày nên các hãng tàu sẵn sàng hủy đăng ký của doanh nghiệp đó để chuyển cho doanh nghiệp khác trả cước cao hơn.

Thêm vào đó, nếu doanh nghiệp đặt chỗ qua các đại lý cũng dễ dàng hơn so với đặt trực tiếp với các hãng tàu. Như vậy phải chăng có tình trạng “găm” container và chỗ trên tàu từ phía các hãng tàu để đẩy giá thuê container lên cao.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam phân tích, có nhiều yếu tố đã đẩy chi phí logistics tăng cao, tác động không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường thế giới. Rất nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp đã bị hủy, chậm giao hàng, chậm thanh toán và, không ký tiếp được đơn hàng mới dẫn đến rất nhiều khó khăn.

Không chỉ vậy, dịch Covid-19 đã làm các doanh nghiệp rất khó khăn mới ký được các đơn hàng nhưng ngay cả khi có đơn hàng doanh nghiệp lại đối mặt với việc cước phí thuê container tăng quá cao và không thuê được container để đóng hàng. Tình trạng trên kéo dài hơn nửa năm khiến nhiều doanh nghiệp đang đứng trước tình trạng thua lỗ trầm trọng và đình trệ sản xuất do giá thành sản xuất tăng cao và không xuất khẩu được hàng hóa.

Hơn nữa, việc thiếu hụt container cho xuất nhập khẩu hàng hóa đã và đang dẫn đến ách tắc cả cho đầu ra (các lô hàng xuất khẩu) lẫn đầu vào (các lô nguyên liệu nhập khẩu) của doanh nghiệp, đồng thời làm gia tăng chi phí thuê container tại tất cả các cảng biển, gây ra nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng của nhiều ngành hàng.

Ông Trương Đình Hòe cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hội viên trong giai đoạn hiện nay, Hiệp hội đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và các chỉ đạo giải quyết tháo gỡ vấn đề thiếu container đi các tuyến và giảm giá cước vận chuyển tàu biển trở lại như trước tháng 11/2020.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm