Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh lạc quan về triển vọng phục hồi năm 2022

Sau khi trải qua một năm khó khăn vì COVID-19, các doanh nghiệp lạc quan vào tình hình kinh doanh năm 2022, khi sản xuất tốt hơn, số lượng đơn hàng mới tăng lên.

Doanh nghiệp không còn lúng túng khi có F0 / Người giàu nhất thế giới đang sở hữu bao nhiêu tỷ USD?

Theo số liệu do Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh vừa công bố, gần 70% doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh nhận định, hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý 4/2021 đã tốt lên và giữ ổn định.

Chuỗi cung ứng, chuỗi vận chuyển được khơi thông, Công ty thuốc Thú y Ánh Việt đã trở lại hoạt động với 100% công suất và tăng tốc ngay những ngày đầu năm. Năm 2021, tuy chỉ đạt 80% kế hoạch, nhưng doanh nghiệp đã có thêm nhiều đơn hàng và bạn hàng mới nhờ linh hoạt, thích ứng với dịch bệnh.

"Mình sẽ tìm những đối tác mới và củng cố những khách hàng cũ để tăng doanh số, đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 20% so với năm đại dịch", bà Đỗ Thị Thúy, Tổng Giám đốc Công ty thuốc Thú y Ánh Việt, cho biết.

Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh lạc quan về triển vọng phục hồi năm 2022 - Ảnh 1.

Gần 70% doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh nhận định, hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý 4/2021 đã tốt lên và giữ ổn định. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Các doanh nghiệp FDI cũng có cái nhìn lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế trong năm mới, khi Nghị quyết 128 của Chính phủ được triển khai đồng bộ. Các doanh nghiệp có nhiều sáng tạo để thích ứng với đại dịch như: lập khu chăm sóc, điều trị cho công nhân; ứng dụng số hóa trong quản trị, sản xuất, kinh doanh… Dòng vốn FDI cũng được điều chỉnh tăng vốn.

"Năm 2022, chúng tôi kỳ vọng nhà máy tiếp tục sản xuất mở rộng. Đội ngũ lao động được đào tạo bài bản hơn về mặt công nghệ, cho phép chuyên gia nước ngoài được vào Việt Nam, cũng như người Việt Nam được ra nước ngoài đào tạo", bà Hồ Uyên, Giám đốc đối ngoại, Công ty TNHH Intel Việt Nam và Malaysia, chia sẻ.

Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh nhận định, số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên là nhân tố quan trọng dẫn đến khối lượng sản xuất của các doanh nghiệp tăng trở lại. Năm 2022 sẽ vừa là năm bản lề, cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp. Bởi sau đại dịch, những bất cập trong quá trình phát triển như chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, nguồn lao động, năng lực tài chính… sẽ được các doanh nghiệp củng cố.

"Doanh nghiệp mong muốn cần có sự thống nhất về chính sách, sự vào cuộc đồng bộ từ trung ương đến địa phương, thực hiện hiệu quả liên kết vùng để các tỉnh, các địa phương có sự thống nhất để hỗ trợ doanh nghiệp một cách đồng bộ", ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh, cho hay.

Nhiều chuyên gia cũng kỳ vọng, các gói hỗ trợ đủ sâu, đặc thù của từng ngành sẽ sớm triển khai ngay trong đầu năm 2022, nhằm tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá, tận dụng được cơ hội mang lại từ Nghị quyết 128.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm