Doanh nghiệp - Doanh nhân

Khát vọng nâng tầm cá tra Việt vươn xa của doanh nghiệp trẻ

DNVN - Sau gần 8 năm khởi nghiệp, với khát vọng vươn lên làm giàu từ con cá tra quê nhà, Dương Minh Trí, chủ doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản Cá Việt Nam, TP Cần Thơ ngày càng khẳng định được chỗ đứng trên thị trường thế giới, hiện anh là chủ nhà máy trị giá gần 5 triệu USD, xuất khẩu khoảng 10 ngàn tấn cá tra thương phẩm mỗi năm.

Doanh nghiệp Việt Nam chậm nắm bắt các ưu đãi trong CPTPP / Cần Thơ: Ra mắt Công ty CP đầu tư Go Global và công bố các dự án phục vụ cộng đồng

Gian nan con đường khởi nghiệp

Dù công việc kinh doanh rất bận rộn, sau vài cuộc hẹn, ông chủ DN nghiệp trẻ Dương Minh Trí cũng dành cho tôi cuộc trao đổi khá thú vị về chuyện đời, chuyện nghề, chuyện thành lập công ty, khởi nghiệp của mình và cơ duyên đến với con cá tra, loài thủy sản đặc hữu của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Chỉ lần đầu tiếp xúc, thế nhưng tôi cảm thấy một sự gần gũi, chân thành, tinh thần cầu tiến, nhiệt huyết lan tỏa từ thanh niên sinh năm 1984 này. Vì thế câu chuyện khởi nghiệp làm giàu của anh đã cuốn hút tôi lúc nào không hay.

Khoảng 15 năm trước, sau khi tốt nghiệp ra trường với tấm bằng kỹ sư công nghệ thông tin, Trí làm nhân viên IT (quản lý mạng máy tính) cho một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu phần mềm lớn ở TP. Hồ Chí Minh. Làm nhân viên IT nhưng lại có “máu” kinh doanh của người làm kinh tế, nên câu chuyện khởi nghiệp và làm giàu từ con cá tra, một sản phẩm đặc thù thiên nhiên ban tặng cho bà con vùng ĐBSCL cứ lớn dần lên trong suy nghĩ và thôi thúc anh thực hiện, trước hết là làm giàu cho bản thân, sau đó là giúp người nông dân xứ mình nâng cao thu nhập, gắn bó với quê hương.

Sinh ra và lớn lên tại tỉnh đầu nguồn An Giang, cũng là xứ sở đầu tiên làm nổi danh con cá tra trên thị trường thế giới, khi đó, trên thị trường đã xuất hiện nhiều DN chế biến xuất khẩu cá tra ăn nên làm ra, khẳng định được tên tuổi. Thế nhưng, dù là người đến sau, Dương Minh Trí vẫn quyết tâm khởi nghiệp từ con cá này.

“Cá tra ở miền Tây mình đặc biệt lắm, nhiều nước khác muốn mà không có được, cho dù họ có lấy con giống của mình về nuôi đi nữa và cũng đã thử nghiệm rất nhiều lần nhưng chất lượng, hiệu quả mang lại không được như mong muốn … nên họ đành bỏ cuộc. Trong khi, cá tra Việt Nam khá dễ nuôi, chất lượng và được thế giới ưa chuộng, nguồn nguyên liệu dồi dào, dòng đời con cá tra thương phẩm lại khá ngắn, chỉ 5,6 tháng là đủ kích cỡ để có thể xuất bán…”, chủ DN này chia sẻ.

Nhà máy chế biến thủy sản cá Việt Nam trị giá 5 triệu USD, với các dây chuyền sản xuất hiện đại đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu.

Nhà máy chế biến thủy sản cá Việt Nam trị giá 5 triệu USD, với các dây chuyền sản xuất hiện đại đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu.

Cũng như nhiều thanh niên khác, lúc đầu khởi nghiệp, Trí gặp vô vàn khó khăn từ kinh nghiệm, vốn, thị trường tiêu thụ nhưng với khát vọng vươn lên làm giàu thì Trí nghĩ chuyện gì cũng sẽ vượt qua. Sau thời gian làm IT, Trí chuyển sang làm cho một DN xuất khẩu cá tra của người dượng bà con, hỗ trợ quản lý khâu xuất khẩu cá tra. Chính thời gian này, anh tích lũy ít nhiều kiến thức kinh nghiệm, nguyên tắc thị trường cũng như tâm lý khách hàng.

Được người này khuyến khích hỗ trợ, giới thiệu đối tác, khách hàng, cộng với số vốn ban đầu từ các phần hùn của những người bạn khoảng 1 tỷ đồng, Trí cất công đi xuống tận nơi trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc với những nông dân chủ ao nuôi cá ở miền Tây, lựa chọn nguồn nguyên liệu cá bảo đảm chất lượng, thuê nhà xưởng, mặt bằng sản xuất cá tra phi lê xuất khẩu theo đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài, chủ yếu là thị trường Châu Âu.

Lúc đầu, vừa kinh doanh, vừa thăm dò xem sản phẩm mình có được thị trường chấp nhận, nên người thanh niên khởi nghiệp này suy tính rất thận trọng bởi sơ suất để thất bại, bị trả lại hàng thì coi như lỗ hết vốn, vì vậy, anh lựa chọn những hợp đồng phù hợp với khả năng mình có thể đáp ứng được, dù có lời ít nhưng lấy được chữ tín ngay từ đầu.

“Không thể vội vàng nôn nóng vì lúc đầu mình vốn ít, không có tài sản thế chấp nên khó vay vốn, ngân hàng cũng chưa tin tưởng, do đó, mình phải kiên trì, tích tiểu thành đại, tạo dần chữ tín sau đó, nâng dần sản lượng xuất khẩu để mang lại nhiều lợi nhuận bền vững”. Dương Minh Trí chia sẻ.

 

Với mức thu nhập từ 8 – 15 triệu/tháng, hầu hết công nhân đều có nguyện vọng gắn bó lâu dài với Nhà máy.

Với mức thu nhập từ 8 – 15 triệu đồng/tháng, hầu hết công nhân đều có nguyện vọng gắn bó lâu dài với Nhà máy.

Năm 2019, anh Trí mạnh dạn thuê đất ở KCN Thốt Nốt, đầu tư nhà máy chế biến thủy sản để chủ động trong khâu sản xuất và ổn định bán hàng. Với nguồn vốn tự có và vốn vay từ ngân hàng. Đầu năm 2021, sau thời gian xây dựng, Nhà máy chế biến thủy sản cá Việt Nam ra đời với tổng vốn đầu tư hơn 5 triệu USD. Ngay từ đầu, nhà máy đã thu hút hàng trăm công nhân.

Bí quyết thành công

 

“Nghề nuôi cá tra, xuất khẩu cá tra cũng lắm thăng trầm, người nông dân, DN giàu lên nhờ con cá nhưng cũng không ít người thất bại, bị thị trường thanh loại”, anh Trí chia sẻ.

Cũng theo DN này, để tránh những rủi ro, nắm chắc hơn cơ hội thành công, giảm thiểu thất bại, DN xuất khẩu cá tra cần có kế hoạch, phương án sản xuất theo từng thời điểm, tiết kiệm không để phát sinh chi phí, theo dõi, dự báo sát diễn biến, tình hình thị trường, chủ động, linh hoạt ứng phó duy trì sản xuất trong mọi tình huống, tôn trọng và giữ chữ tín với khách hàng, đảm bảo chất lượng hàng hóa, đảm bảo hài hòa lợi ích của DN và người nông dân, tức là lúc cá lên giá thì DN mua lên, còn lúc cá xuống giá thì DN không mua ép giá, cùng chia sẻ lợi nhuận với người nông dân, để họ gắn bó với DN, giúp cho DN luôn bảo đảm được nguồn hàng, sẵn sàng đáp ứng khi thị trường sôi động trở lại.

Dịch COVID-19 bùng phát, nhà máy của anh Trí gặp rất nhiều khó khăn, lúc đầu, nhà máy còn cầm cự vì còn xuất hàng được dù số lượng không nhiều. Sang năm 2021, dịch bùng phát dữ dội, Chỉ thị 15, 16 ban hành thì nhà máy bị “thấm đòn”. Để xoay xở vừa có tiền trả lương công nhân, vừa tiêu thụ được cá, giảm thiệt hại cho người nông dân, lúc này, nhà máy chuyển hướng từ sản xuất xuất khẩu sang tiêu thụ nội địa.

“Lúc xây dựng nhà máy, mình có dự phòng phương án chống chọi cầm cự ít nhất 6 tháng do tác động mà nhà máy phải ngừng sản xuất, không có nguồn thu, vì thế lúc xảy ra dịch mình không quá lo lắng mà bình tĩnh ứng phó, kiên nhẫn chờ đến khi hết dịch sẽ phục hồi đẩy mạnh sản xuất”. Anh Trí cho biết thêm

Đó là những khó khăn lúc dịch, hiện tại, tình hình sản xuất, tiêu thụ cá tra trong 6 tháng đầu năm 2022 đang phục hồi mạnh mẽ, người dân và DN xuất khẩu cá tra cũng rất phấn khởi vì giá cá tra đang tăng, dao động ở mức 27.500 - 28.500 đồng/kg cho cá size 0,8 - 1 kg.

 

Với đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ, Nhà máy chế biến thủy sản Cá Việt Nam  phấn đấu đến cuối năm sẽ đạt sản lượng 10 ngàn tấn cá tra xuất khẩu, tổng doanh thu hàng trăm tỷ đồng.

Với đà phục hồi kinh tế mạnh mẽ, Nhà máy chế biến thủy sản Cá Việt Nam phấn đấu đến cuối năm sẽ đạt sản lượng 10 ngàn tấn cá tra xuất khẩu, tổng doanh thu hàng trăm tỷ đồng.

Anh Trí cho biết ngành chế biến xuất khẩu cá tra gặp nhiều thuận lợi do được nhà nước hỗ trợ với nhiều chính sách khuyến khích, được hưởng thuế suất 0% theo hiệp định CPTPP, hiện nhà máy đã có giao dịch với 20 đối tác, khách hàng ở các thị trường truyền thống như Châu Âu, Nam Mỹ… DN đang mở rộng thêm các đối tác mới ở thị trường Trung Đông, Châu Phi, Đông Nam Á … Mỗi thị trường có sản phẩm chủ lực riêng, như thị trường Châu Âu thường chuộng cá phi lê đông lạnh, trong khi thị trường Nam Mỹ thì tiêu thụ mạnh ở sản phẩm cá phi lê, cá tra cắt khúc, cắt nhỏ…

Nếu đà tăng trưởng thuận lợi như trong 6 tháng đầu năm thì hy vọng đến cuối năm nay, nhà máy của anh sẽ đạt sản lượng 10 ngàn tấn cá tra xuất khẩu, doanh thu hàng trăm tỷ đồng, lợi nhuận đạt từ 2 đến 5% trên tổng doanh thu.

 

Người chủ DN trẻ thông tin thêm hiện nhà máy luôn bảo đảm số lượng 500 công nhân với mức lương ổn định từ 8 đến khoảng 15 triệu đồng/người/tháng, hưởng theo năng suất, sản lượng, làm nhiều hưởng nhiều. Để khuyến khích người lao động, DN có chế độ lương thưởng, tặng quà dịp Tết, hỗ trợ tiền xăng, xe đi lại… nên hầu hết công nhân đều muốn gắn bó lâu dài với DN.

Tuy nhiên, với chủ DN này, dù việc kinh doanh chế biến cá tra đang trên đà thuận lợi, phát triển nhưng diễn biến thị trường cũng rất khó lường, chi phí đầu vào, giá thức ăn tăng cao, nguồn nhân lực thiếu ổn định. Đặc biệt là vùng nuôi cá tra thương phẩm sẽ bị ảnh hưởng, thu hẹp do tác động biến đổi khí hậu, mực nước sông Mekong xuống thấp, xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền, nguồn nước bị ô nhiễm, cá giống bị thoái hóa … Cùng với đó, là sự liên kết chưa chặt giữa các DN trong ngành, khó khăn trong tìm kiếm thị trường xuất khẩu của những DN vừa và nhỏ, tiềm lực hạn chế…

Nắm chắc diễn biến thị trường cùng những thuận lợi khó khăn của ngành xuất khẩu cá tra là điều rất cần thiết đối với những DN trẻ như anh Trí, trên cơ sở đó để DN này định ra cho mình mục tiêu, hướng phát triển phù hợp trong thời gian xứng với khả năng tiềm lực của mình.

Mong muốn lớn nhất của DN chế biến cá tra xuất khẩu này đó là tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về chính sách, thuế suất của nhà nước đối với DN xuất khẩu chế biến thủy sản, cá tra, cá basa, nhà máy của anh ngày càng được mở rộng quy mô sản xuất, có thêm nhiều đối tác mới, trong điều kiện môi trường cạnh tranh lành mạnh, với chiến lược sản xuất bền vững là luôn lấy chữ tín, chất lượng sản phẩm đặt lên hàng đầu, để con cá tra Việt Nam ngày càng vươn xa trên thị trường thế giới, góp phần làm giàu cho DN, làm giàu cho người nông dân vùng ĐBSCL.



Hòa Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm