Văn hóa

 Độc đáo lễ cưới dân tộc thiểu số Chăm H’Roi

Trai gái dân tộc thiểu số Chăm H’Roi ở làng Suối Mây (thị trấn Vân Canh, Vân Canh, Bình Định), trước khi trở thành vợ cũng được hợp thức hóa bằng một lễ cưới đậm bản sắc văn hóa cổ truyền. Tuy nhiên, điều thú vị nằm ở chỗ sau đám cưới, đến ngày thứ tư cô dâu và chú rể mới được… “động phòng hoa chúc”.

Người Chăm H'Roi là một nhánh của dân tộc Chăm, sống tập trung chủ yếu ở hai tỉnh Bình Định và Phú Yên, nhiều nhất là làng Suối Mây, với nhiều phong tục độc đáo, trong đó có tục cưới. Người Chăm H’Roi là dân tộc theo chế độ mẫu hệ. Vì thế, người con gái được phép bắt chồng. Họ gọi đây là nghi thức cúng Pơ Sốp (cúng cưới). 

Theo đó, thanh niên nhà trai tổ chức giấu chú rể ở một nhà nào đó trong vùng để thanh niên nhà gái đi tìm. Sau khi nhà gái tìm được chú rể, người em vợ cầm tay dắt anh rể lên nhà sàn làm lễ Pơ Sốp. Nghi thức này do những người mai mối nhà trai đảm nhiệm. Sau đó, bên nhà trai phải dẫn đủ chín người, còn nhà gái thì dẫn đủ bảy người đến nhà sàn. Khi đoàn nhà gái tới, nhà trai phải đứng chờ sẵn với những cồng chiêng, múa xoang dưới sân để chúc mừng lễ cưới. 

Tại nhà sàn, cô dâu và chú rể ngồi bên nhau, có một ông No (người mai mối) ngồi giữa ngăn cách. Một ông No khác của nhà trai đến cầm tay hai vợ chồng áp vào nhau, tròng vào tay cô dâu chiếc vòng sính lễ cầu hôn của chú rể và mang vào tay chú rể chiếc vòng đáp lễ ưng thuận của cô dâu. Sau đó, gia đình nhà trai sẽ tiến hành các nghi lễ cúng mừng báo cho ông bà, thần linh là con về nhà vợ, mừng cô dâu sang đón chồng. 

Nam nữ Chăm H’Roi múa xoang, múa trống, đánh cồng chiêng mừng tiệc cưới tại sân nhà sàn.

Trong không gian sinh hoạt chung của nhà sàn truyền thống, gia đình nhà gái sẽ phải chuẩn bị rượu cần, làm thịt heo, đánh cồng chiêng lên mời bà con lối xóm đến để gia đình nhà gái thưa chuyện bắt chồng. Tiếp đó, thanh niên nam nữ hai họ múa trống, đánh cồng chiêng, rồi cùng với gia đình, lối xóm vui chơi thâu đêm, kéo dài đến chiều hôm sau. Đến xẩm tối, em của cô dâu sẽ lấy khăn cột vào tay anh rể và dắt đi. Trước khi được dẫn về nhà gái, chú rể sẽ được dắt ra chạm vào nồi cơm của cha mẹ ruột 3 lần. Khi về đến nhà, người nhà của cô dâu phải dắt chú rể đi trong nhà, sao cho đoạn đường hơn 100m mới được tháo khăn ra.

Sau đó, gia đình nhà gái sẽ dọn lên một mâm cơm để đôi vợ chồng mới dùng. Xung quanh đó, ngoài các mâm lễ vật, còn có những lá bùa của người Chăm H’Roi. Những người thân trong nhà sẽ vào tặng quà cho cô dâu, chú rể. Khi nhận quà, cô dâu, chú rễ sẽ rót rượu mừng cho những người thân trong nhà. Trong khi đó, họ nhà trai không phải trao quà cho đôi vợ chồng trẻ. Sau đó, nhà gái mở tiệc tại nhà để mừng con gái đã bắt được chồng. 

Tiệc ăn uống trong đám cưới của người Chăm H’Roi tại nhà gái

Khi đã hoàn tất nghi lễ cúng cưới, cô dâu và chú rể sẽ không được “động phòng hoa chúc” ngay trong đêm tân hôn, mà phải chờ đến đêm thứ tư mới thực hiện. Theo những người Chăm H’Roi lớn tuổi nơi đây, sở dĩ có phong tục này là bởi ngày xưa, cha mẹ là người quyết định hôn nhân. Nhiều cặp đôi thậm chí chưa từng nói chuyện, quen biết nhau nên còn e dè, ngại ngùng cho nên thời gian ấy để họ quen biết và thân mật với nhau hơn. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cũng cho biết phải nghỉ ngơi 3 ngày để giữ gìn sức khỏe, bởi lẽ, nhiều nghi thức khiến cô dâu chú rể mệt mỏi, khoảng thời gian nghỉ ngơi này giúp họ thư thái tận hưởng đêm tân hôn.

Theo tìm hiểu, đến ngày thứ tư, cô dâu chú rể sẽ được người mai mối đến làm lễ động phòng. Lễ này cũng khá đặc biệt, mâm lễ gồm có 4 miếng trầu têm, 4 ly rượu. Sau khi khấn vái xong, người mai mối sẽ gỡ tất cả các bùa phép đã yểm trước đó. Tiếp đến, người mai mối trải chiếu cho đúng chiều rồi mọi người uống ly rượu mừng cho cô dâu chú rể. Trước khi ra về, người mai mối sẽ dặn dò đôi vợ chồng mới những kiến thức trước khi động phòng.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Xuân Nhân (ở TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) cho biết: “Trước đây, phong tục cưới của đồng bào dân tộc Chăm H’Roi có một vài nghi lễ cầu kỳ, quy định khắt khe. Tuy nhiên, qua thời gian đã được gạn đục khơi trong để phù hợp với đời sống hiện đại. Phong tục cưới ở đây vừa nghiêm trang, linh thiêng vừa nhân văn, thể hiện quyền tự do yêu đương, tự quyết hôn nhân của đôi lứa hòa hợp trong vai trò của cha mẹ, cộng đồng”.

 

Nên đọc
Theo Phuongnamplus
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo