Văn hóa

Độc đáo lễ hội ăn trâu huê của người Cor ở Quảng Nam

Lễ ăn trâu huê của người Cor (Quảng Nam) được tổ chức để cúng và cầu thần linh, ma tốt (Ka-mút-láep), ông bà, tổ tiên phù hộ dân làng, cộng đồng luôn được khỏe mạnh, đoàn kết, mùa màng tươi tốt…

Lễ hội ăn trâu huê của người Cor thường diễn ra vào tháng 3-4 Âm lịch. Thời gian chính thức diễn ra lễ ăn trâu, ngoài sự chuẩn bị của gia đình, của cộng đồng còn tùy thuộc vào quẻ bói của người chủ lễ. Lễ hội thường được tổ chức tại nhà làng và tại nhà riêng (nếu gia đình giàu có muốn làm). Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình mà tổ chức lễ lớn hay nhỏ và thời gian diễn ra lễ hội từ 3 đến 5 ngày.

Lễ ăn trâu huê diễn ra như sau:

Vào buổi chiều ngày thứ nhất, người ta làm lễ cúng thần Mo Huýt - thần cai quản nương rẫy và giữ hạt giống bằng một con heo lớn và một ché rượu to, bên hố cây nêu mới đào. Sau khi chủ tế hoặc già làng khấn mời thần linh về dự lễ,  thì diễn ra nghi thức đuổi ma xấu, đây là lễ thức không thể thiếu, vì người Cor quan niệm trước ngày hiến tế trâu cho thần linh thì phải đuổi hết ma xấu ở trong làng.

Bước vào ngày thứ hai, ngay từ sáng sớm mọi người bắt đầu làm lễ dựng nêu. Sau khi chủ tế làm lễ xin dựng nêu xong, mọi người bắt đầu dựng cây nêu. Lúc cây nêu được dựng xong thì chủ tế và những thành viên trong gia đình lại tiếp tục thực hiện nghi lễ cúng thần cây nêu và nghi lễ vào trâu.

Mọi người chuẩn bị làm lễ dựng nêu trong lễ ăn trâu huê. Ảnh: Internet.

Vào ngày thứ ba, chủ tế và các thành viên trong gia đình tiến hành nghi lễ cúng trong nhà để mời gọi các thần linh và tổ tiên về chứng kiến lễ ăn trâu của gia đình. Đoàn người đi từ trong nhà ra sân rồi vòng quanh con trâu và cây nêu, xong lại vòng vào trong nhà. Cứ thế đến 9 lần. Cùng đi vòng với tốp người là đội chiêng, trống. Khi đã xong lần thứ 9, họ bắt đầu làm lễ bên con trâu.

Sau khi đâm trâu xong chủ tế sẽ tung một nắm lá đót lên trời, người nào trong đám đông dân làng chụp được nhiều lá thì sẽ được mỗ thịt và chia phần, việc đầu tiên là cắt lấy những bộ phận của trâu, mỗi thứ một ít, để vào rổ cúng và chủ tế cùng các thành viên trong gia đình bắt đầu tiếp tục thực hiện các nghi lễ cúng máng nước, cúng trong nhà, cúng ngã ba đường bằng các con vật hiến sinh khác là heo, gà.

Trong lúc chủ tế và các thành viên trong gia đình thực hiện các nghi lễ cúng thần, những người khác bắt đầu xẻ thịt trâu. Đầu trâu và 4 chân trâu để dành trên đàn cúng ở cây nêu, các phần còn lại được đem chia phần, trước khi chia phần và đem thịt đi chế biến. Hàng vài chục mâm thịt trâu, thịt heo cùng cơm lúa rẫy, rượu cần, rượu đế, bánh lá đót sẽ được dùng chiêu đãi họ hàng, khách khứa. Khi đã ăn uống no say, mọi người lại bắt đầu chơi chiêng, trống, các loại nhạc cụ truyền thống, múa hát, kể chuyện... Buổi ăn trâu thường bắt đầu khoảng giữa trưa, và kết thúc vào tận nửa đêm, và cùng với nó là những sinh hoạt văn nghệ dân gian.

Sang ngày thứ tư là lễ ăn đầu trâu, các nghi lễ và sinh hoạt văn nghệ cũng tương tự như ngày các ngày trước, nhưng số người tham gia ít hơn những ngày chính lễ, vì chỉ có bà con trong dòng họ và các thành viên trong gia đình tham dự.

Ngày thứ năm, gia đình và đại diện các gia đình dự ăn trâu tham gia đi phát rẫy phép, 4 chân trâu phơi ở cây nêu được đem vào nấu một nồi cháo to, khi mọi người phát rẫy phép trở về sẽ cùng ăn, chủ nhà lấy móng trâu chôn làm phép kết thúc lễ hội, 3 năm sau gia đình đó mới được cúng trâu khác.

 

Nên đọc
Theo Dân tộc Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo