Văn hóa

Độc đáo tục thờ cúng Thổ công của người Nùng

Tục thờ cúng Thổ công là nét sinh hoạt tín ngưỡng của người Nùng. Thổ công là vị thần đất cai quản mảnh đất mà dân bản sinh sống. Khi đến một khu đất mới để lập bản, việc trước tiên của đồng bào Nùng là lập Miếu thờ Thổ công. Việc thờ cúng Thổ công còn mang ý nghĩa tưởng nhớ những người đầu tiên đã có công khai làng, lập bản.

Miếu thờ thần Thổ công thường được dựng ngay sau khi chọn đất lập bản. Mảnh đất thiêng làm miếu thờ Thổ công đã được thầy địa lý xem xét, thầy cúng làm lễ và cả làng nhất trí lựa chọn. Nơi được chọn làm miếu thờ Thổ công phải là nơi vắng vẻ, yên tĩnh và thoáng mát ở đầu bản hoặc cuối bản. Miếu thờ to hay nhỏ là do ý nguyện của dân trong bản. Miếu thờ Thổ công thường được làm khung gỗ, quây bằng phên, lợp bằng ngói hay tôn.

Thổ công được coi là vị thần chung của cả bản. Dân bản tổ chức cúng Thổ công để cầu bình an, mùa màng tươi tốt. Ông Vương Văn Dương, ở xã Thạch Đạn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Người Nùng rất coi trọng lễ cúng thổ công, dù sống ở đâu cũng phải lập miếu để thờ thổ công. Hiện nay, 12 hộ dân tộc Nùng ở xung quanh nhà tôi đều lập chung ngôi miếu để thờ thổ công. Đây không chỉ là một buổi lễ sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng đơn thuần mà qua buổi lễ mọi người còn được giao lưu gặp gỡ, hỏi thăm nhau, trao đổi kinh nghiệm trong cuộc sống…"

Đồng bào Nùng ở một số nơi quan niệm, miếu nào càng đơn sơ thì càng uy linh. Xưa kia chỉ có đàn ông trong bản mới được ra cúng miếu Thổ công, nhưng những năm gần đây phụ nữ cũng được tham gia. Khu vực dựng miếu thờ Thổ công được dân bản bảo vệ nghiêm ngặt. Ở các bản Nùng còn có quy ước không ai được phép chặt củi, trồng cây hay sản xuất ở khu vực miều thờ Thổ công. 

Lễ cúng Thổ công của người Nùng.

Lễ cúng Thổ công được tổ chức lớn nhất vào ngày mồng 2 Tết Nguyên đán. Từng dòng họ vào cúng theo trật tự nhất định. Đầu tiên là dòng họ lớn hoặc có uy tín trong bản, sau mới đến các dòng họ khác. Lễ vật không thiếu con gà sống thiến, đôi bánh chưng, mâm bánh khảo, rượu, gạo nếp trắng, bánh kẹo...

Trong các lễ vật, con gà cúng của dòng họ nào béo, vàng thịt, đẹp mắt nhất, thì được cho là dòng họ đó làm ăn tấn tới. Ở một số nơi, đồng bào ngầm coi đây là một cuộc thi xem dòng họ, gia đình nhà nào mát tay, làm ăn khấm khá trong năm thông qua mâm lễ vật. Ngoài dịp tết Nguyên đán, Tết Thanh minh mồng 2 tháng 3 âm lịch, Tết Đoan ngọ 5 tháng 5 âm lịch hay Tết mừng cơm mới mồng 10 tháng 10 âm lịch... đồng bào Nùng cũng làm lễ cúng Thổ công, nhưng cách thức có phần khác so với lễ cúng Thổ công trong dịp Tết Nguyên đán, đồng bào chỉ cử một nhóm người. Ông Lộc Khang, nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hoá dân gian ở tỉnh Lạng Sơn, cho biết: "Ngôi miếu và khoảng đất linh thiêng ấy là nơi sinh hoạt tâm linh cho cả xóm. Mỗi khi gia đình có việc như xây, sửa nhà, lấy vợ, gả chồng, ma chay… cũng thường mang lễ vật như đĩa xôi, con gà luộc đến miếu thắp hương xin phép Thổ công. Nhưng thiêng liêng nhất và đông vui nhất là lễ cúng thổ công vào dịp  Tết hằng năm".

Sau lễ cúng, mọi người thụ lộc tại miếu Thổ công, rót rượu chúc tụng nhau vui vẻ. Còn riêng gà, bánh chưng và xôi vàng sẽ đem về. Chén rượu đã rót ra cúng thổ công sẽ được đổ xung quanh bát hương và quanh miếu. Kết thúc lễ cúng, trên đường ra về, mọi người cùng gọi gà, gọi lợn về nhà và xôi vàng được vãi ra cho gà, lợn ăn. Người Nùng quan niệm rằng làm như vậy thì sang năm mới lợn, gà đầy chuồng, chăn nuôi phát triển và may mắn.

Bà con dân tộc Nùng ngày nay, dù sinh sống ở các địa phương khác nhau, nhưng vẫn coi trọng lễ cúng thổ công. Với đồng bào đây không chỉ là một buổi lễ sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng đơn thuần, mà ẩn chứa trong đó là sự đoàn kết, gắn bó keo sơn cộng đồng nơi cư trú.

Nên đọc
Theo VOV5
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo