Đời sống

Cháo lòng 'cô chảnh' 36 năm ở Sài Gòn

Quán cháo lòng ở đầu hẻm 106 Vạn Kiếp (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) còn được thực khách gọi là cháo lòng 'cô chảnh' vì chủ quán chỉ bán sau 17 giờ, nếu khách đến sớm hơn một chút vẫn phải đứng chờ.

Những món rau rừng “đỉnh nhất’, ăn là nghiện của vùng Tây Bắc / Hướng dẫn làm bánh gạo hấp trắng mịn bông xốp ăn sáng ngon xuất sắc

Bán cháo khi mới 13 tuổi

Tên gọi “cô chảnh” không khiến quán cháo ít khách đi mà ngược lại, khách đến ăn cháo rất đông. Nhiều khi không có chỗ đậu xe nên thực khách phải mua mang về thay vì ngồi ăn ở quán.

Quán cháo ở Vạn Kiếp khá nhỏ, có một quầy cháo, bếp than, nồi nấu, tủ kính đựng gia vị... và vài bộ bàn ghế inox đặt xung quanh. Tính đến nay, quán cháo lòng ở Vạn Kiếp đã 36 tuổi.

Cháo lòng 'cô chảnh' 36 năm ở Sài Gòn - ảnh 1
Bánh giò cháo quẩy và đồ ăn kèm không thể thiếu khi ăn cháo ở quán của bà Ngà.
Cháo lòng 'cô chảnh' 36 năm ở Sài Gòn - ảnh 2
Tô cháo hấp dẫn với đầy đủ thịt, huyết và hành, ngò, tiêu, hành phi.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngà (49 tuổi, chủ quán cháo) chia sẻ: “Gia đình tôi là người gốc Bắc, di cư vô Sài Gòn từ năm 1975. Hồi đó khó khăn quá nên tôi đã tự lập từ năm 13 tuổi và mở quán cháo này. Hồi xưa có bán buổi sáng nhưng sau này vì sức khỏe không đảm bảo nên quán chuyển qua bán từ buổi chiều”.
“Giờ cao điểm của quán là từ khoảng 18 giờ 30 đến tầm 22 giờ, khách chủ yếu là công nhân và người làm văn phòng tan làm về. Khách đông quá, tối nào cũng bán không nghỉ tay.
Thường thì, thứ hai là ngày mà quán đông khách hơn so với những ngày cuối tuần. Những ngày khách đông, quán bán được 300 tô cháo là chuyện bình thường”, bà Ngà chia sẻ thêm.
Cháo lòng 'cô chảnh' 36 năm ở Sài Gòn - ảnh 3
Cháo lòng 'cô chảnh' 36 năm ở Sài Gòn - ảnh 4
Quán cháo luôn hút khách. Những ngày cao điểm, bà chủ bán được 300 tô/ngày.
“Tôi ăn cháo ở đây từ khi con Ngà còn bé xíu, lâu lắm rồi, ba mươi mấy năm rồi. Cháo thì ngon số 1 nghen mà con nhỏ này nó... chảnh, chưa đúng giờ là nó dứt khoát không bán. Nó bảo khách ngồi chơi đi không thì đi đâu lát quay lại”, ông hàng xóm lớn tuổi của chủ quán vừa cười vừa nói khi thấy tôi phải đứng chờ vì lỡ đến sớm hơn giờ bán cháo.
Chủ gốc Bắc nấu cháo đậm vị miền Nam

Điều đặc biệt, tuy là người gốc Bắc nhưng bà Ngà nấu món cháo lòng đậm hương vị miền Nam. Để nguyên liệu được tươi ngon thì mỗi ngày bà đều lấy hàng ở chợ Bà Chiểu. Nồi cháo sẽ được bắc lên bếp từ 12 giờ trưa, gạo sẽ được hầm nhừ suốt buổi chiều sẵn sàng phục vụ cho thực khách. Giá đỗ và hành lá thì thường buổi chiều mới có người giao lại, sau đó được ngâm với nước để giữ được độ tươi ngon.

Gia vị không thể thiếu khi ăn cháo lòng Vạn Kiếp là chanh, ớt tươi, gừng thái sợi, giá đỗ, nước mắm và đặc biệt là bánh giò cháo quẩy ăn kèm để khi ăn không bị ngán. Ngoài ra thực khách có thể gọi thêm huyết tùy theo khẩu vị của từng người, một dĩa huyết thêm có giá 10.000 đồng.

Cháo lòng của người miền Nam khác với cháo lòng của người miền Bắc ở cách chế biến huyết và dồi. Người miền Bắc khi nấu cháo lòng thường sẽ nấu cháo kèm huyết sống, huyết sống sẽ được cho trực tiếp vào nồi cháo khi đang nấu ở trên bếp. Ở miền Nam thì lại khác, huyết không nấu chung với cháo mà sẽ được luộc riêng. Tương tự, nếu dồi ở miền Bắc thường được nhồi bằng huyết thì ở miền Nam thường được nhồi bằng thịt.

Với quán cháo lòng Vạn Kiếp, khi khách vào quán ăn thì huyết sẽ không được soạn ra cùng cháo mà chỉ được bưng ra khi nào khách yêu cầu. Một phần cháo lòng chưa có huyết giá 23.000 đồng. Với một số vị khách lần đầu ghé quán mua mang về, ăn xong mới chợt nhận ra là mình quên gọi thêm huyết thế là... tiếc hùi hụi.

Khi được hỏi tại sao lại không thuê người làm trong khi sức khỏe không được tốt thì bà Ngà nói: “Tôi đâu dám mướn người đâu, người ta nấu không vừa ý mình, lại vừa không ngon nên cứ tự làm thôi”.

Anh Thịnh, một khách quen của quán thoải mái chia sẻ với tôi trong lúc ngồi chờ chủ quán gói cháo để mang về: “Mình ăn cháo lòng ở đây cũng được 5 năm rồi. Cháo ở đây rất vừa ăn, gạo nấu rất vừa, nguyên liệu rất tươi, nói chung là đáp ứng nhu cầu của thực khách”.

Ngoài cháo lòng là món chính của quán, thực khách có thể ăn thêm trứng vịt lộn trong lúc chờ tô cháo nóng hổi bưng ra. Vì là quán vỉa hè, ở gần chợ lại dễ tìm nên trung bình mỗi tối quán bán được khoảng 100 trứng vịt lộn, thu nhập của quán cũng vì thế mà được cải thiện hơn trước rất nhiều.
Theo thanhnien.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm