Khám phá

Chuyện lạ trong ngôi chùa độc nhất miền Tây

Phước Kiển Tự (chùa Phước Kiển, hay còn gọi là chùa Lá Sen), nhiều năm qua được du khách trong và ngoài nước thường xuyên thăm viếng bởi những câu chuyện lạ... Tết này, bạn có thể đến đấy để khám phá.

Chùa Vĩnh Tràng - di tích lịch sử độc đáo ở Nam bộ / Về chùa Bối Khê chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh khiết của hoa sen đất

Nguồn gốc loài sen khổng lồ

Sư thầy Thích Huệ Từ, Trụ trì chùa Phước Kiển (tại xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) năm nay đã 80 tuổi nhưng sức khỏe vẫn còn tốt, trí óc vẫn còn minh mẫn. Theo vị Trụ trì này, Phước Kiển Tự có lịch sử hơn 100 năm. Năm 1954, vị Trụ trì đầu tiên viên tịch, lúc này thầy Thích Huệ Từ mới 17 tuổi đã nhận ni bát, kế thừa ngôi chùa theo di nguyện và trở thành Trụ trì đời tiếp theo của chùa cho đến nay.

“Đến khi giải phóng đất nước, những hố bom năm xưa trở thành những ao, đìa, tôi mới đem trồng hoa súng, hoa sen các loại. Năm 1992, trong 1 lần thu hoạch bông súng, tôi ngỡ ngàng phát hiện loài hoa sen lạ trong đìa. Loài sen này khác lạ so với những loài sen thường gặp ở chỗ, lá dày, có nhiều gai nhọn xung quanh tán lá. Cuống hoa xuất hiện những chiếc gai sắc nhọn, mà lạ lùng, những chiếc lá sen mỗi ngày một “lớn như thổi”, những chiếc lá to bằng chiếc nia. Rồi sen bắt đầu nở hoa, bông sen cũng to lớn lạ thường”, vị trụ trì kể.

Trụ trì Thích Huệ Từ kể chuyện về ngôi chùa - Ảnh: Việt Nguyên

Vẻ ngoài những búp sen có màu đỏ thắm, bên trong màu trắng tuyết, hoa nở quanh năm, mỗi bông sen nở bền trong 3 ngày. Đặc biệt, loại hoa sen quýnày có màu sắc thay đổi theo từng thời điểm trong ngày. Theo Trụ trì, khoảng 18 giờ tối, hoa bắt đầu nở với màu trắng tinh khôi, hương thơm ngát tỏa suốt đêm.

“Đến 6 giờ sáng hôm sau, sen nở bung cánh tới 12 giờ trưa thì cánh hoa chuyển màu hồng và những cánh sen lạicúp vào trong như để trốn nắng. Đến 15 giờ chiều, hoa lại nở lần thứ 2, rồi dần chuyển màu tím nhạt, đêm xuống hoa chuyển sang màu hồng, và tiếp tục đến ngày thứ 3, hoa chuyển sang màu tím than rồi tàn” - sư ông nói.

Hàng năm, vào khoảng tháng 9 âm lịch, sen vào mùa nước nổi, phát triển rất nhanh, những chiếc lá to như chiếc nia, đường kính có lá lên tới 2,5 mét. Người hiếu kỳ trong vùng ùn ùn tới xem, rồi có người bảo Trụ trì chùa đứng thử. Chiều ý mọi người, ông lót ván mỏng trong lòng lá rồi đứng lên. Kỳ lạ, chiếc lá không hề bị rách mà vành lá chỉ cong, oằn một chút. Biết tin, dân trong vùng ùn ùn kéo tới lần lượt đứng thử.

Sư ông cho biết, có người nặng đến 105 kg đứng lên mà chiếc lá vẫn “vững chắc” bềnh bồng như 1 chiếc thuyền thúng chở người. Và kỷ lục cho đến nay là người đàn ông nặng 140 kg ở Tịnh Biên (An Giang) đứng lên 2 lá sen chồng lên nhau mà vẫn không hề hấn gì.

Hiện hàng ngày vẫn có những đoàn khách thập phương ghé đến viếng chùa và tham quan ao sen có một không hai ở miền Tây này. Du khách rất thích thú khi tự trải nghiệm cảm giác đứng bồng bềnh trên lá sen để chụp ảnh. Người dân trong vùng thường gọi giống sen này là sen vua, súng nia, nong tầm… mà ít ai biết được nguồn gốc của loài sen này.

 

Những lá sen khổng lồ trong chùa Phước Kiển - Ảnh: Việt Nguyên

Loài sen này có nguồn gốc từ vùng nước nông của sông Amazon, tên khoa học là Victoria Regia hoặc Victoria Amazonica. Hiện nay, giống sen này được trồng ở một số nước như Newzealand, Trung Quốc, một số nước Châu Phi. Ở nước ta, giống sen này chỉ mới xuất hiện gần đây và được trồng một số nơi như Thảo Cầm Viên, Khu Du lịch Đại Nam.

Tuy nhiên, Trụ trì chùa Phước Kiển cho biết, ở những nơi khác trong nước trồng được giống sen này, nhưng kích thước lá không khủng như ở chùa. Những phật tử thường xuyên làm công quả ở chùa cho biết, lá sen từ lúc hình thành chỉ mất khoảng 3 tháng để đạt đường kính hơn 2 m. Mỗi lá sen sẽ sống được khoảng 3 tháng nữa rồi sẽ bắt đầu lụi dần.

Du khách phương xa đến vãn cảnh chùa, ngồi lên lá sen để chụp hình, còn được đàn cá hàng trăm con trong ao sen chào đón. Trong ao sen hơn 200 m2 này được nhà chùa thả hàng trăm con cá vàng, cá tai tượng để nuôi. Khi thấy khách bước xuống lá sen chụp hình, hàng trăm con cá bơi vòng tròn trước mặt khách như đang chào đón.

 

2 cụ rùa ăn chay, “ghiền” nghe kinh Phật

Ngoài giống sen quý trên, chùa Phước Kiển còn sở hữu nhiều “bảo vật” khác. Trong đó là cặp rùa được vị Trụ trì tôn là “nhị vị sư huynh” vì tuổi của cặp rùa này đã ngoài 100 tuổi và ở trong chùa trước khi vị Trụ trì đến. Cặp rùa này được vị Trụ trì yêu quý muôn vàn. Hàng ngày, rùa được cho ăn chay, chiều đến được thả vào trong bể nước để tắm táp, uống nước. Sáng ra được cho đi vệ sinh, tắm rửa thêm một lần cho sạch rồi thả 2 “cụ rùa” chạy tự do quanh chùa chơi.

Trụ trì Thích Huệ Tứ cho biết, ông tự nhận mình là hậu bối trước 2 “cụ rùa” vì 1 cụ vừa tròn 100 tuổi, cụ lớn hơn thì đã 105 tuổi. Cả 2 cụ này là “bảo vật” truyền lại từ thời Trụ trì trước. Thời chiến tranh loạn lạc, 2 ông rùa cũng có số phận truân chuyên kỳ lạ. Số là hết lần này đến lần khác 2 ông lưu lạc vì bị người bắt trộm.

Nhưng thường chỉ được một thời gian, người trộm rùa lại tự mình mang rùa đến chùa để nhận tội với Trụ trì. Họ nói, từ ngày trộm “ngài về” thì trong nhà gặp đau ốm liên miên nên hoảng sợ đem trả về chùa… Cũng vì thế, đôi rùa làm bạn với trụ trì ở chùa cho đến ngày nay.

Theo lời Trụ trì, rùa 100 tuổi nặng tới 13 kg, còn con rùa lớn 105 tuổi tuổi nặng hơn 15 kg. Điều đặc biệt, cả 2 ông rùa đều ăn chay tức là chỉ ăn rau muống. Mỗi một đêm, 1 ông có thể ăn hết 1 kg rau muống. Và thật lạ, nếu ai đó đùa nghịch, thử cho rùa ăn thịt cá, thì 2 ông không bao giờ ăn, mà quay mặt bò cho nhanh. Điều đặc biệt, mỗi khi sư ông tụng kinh, 2 cụ rùa dù đang ở đâu cũng bò về nằm phục, như chăm chú lắng nghe tiếng kinh Phật.

 

2 cụ rùa hơn 100 tuổi chỉ thích chay ở chùa Phước Kiển - Ảnh: Việt Nguyên

Cũng vì tuổi đời cả trăm năm, thân hình dễ thương lại biết “tu hành” nên 2 cụ rùa này được khách thập phương đến thăm chùa vô cùng yêu mến. Nhiều người già, con trẻ chắp tay vái lạy đôi rùa, để cầu mong những đều tốt đẹp, may mắn. Nhiều du khách rất thích đến bồng bế 2 cụ rùa hiền lành để chụp hình. Khi xong, họ thường để lại trên lưng rùa một số tiền coi như đóng góp cho nhà chùa mua rau muống cho 2 cụ rùa ăn.

Nói về “nhị vị sư huynh” của mình, Trụ trì Thích Huệ Từ hoan hỉ nói: “Tôi mỗi ngày một già, còn 2 ông sư huynh của tôi mỗi ngày một khỏe. Cứ bảo là chậm như rùa, nhưng loáng một cái là chạy đâu mất tiêu, tìm toát mồ hôi hột. Hàng ngày, 2 ổng bò quanh chùa hoài, đi theo 2 ổng không cũng đã hụt hơi”.

Hiện nay, chùa Phước Kiển được xây gạch, lợp tôn rất khang trang, sạch sẽ. Phần lớn thành quả này là công sức do Trụ trì cần mẫn trồng cây, gây vườn tích cóp huê lợi. Cùng đó là nhờ sự hảo tâm của Phật tử trong vùng phát tâm xây dựng ngôi chùa khang trang như hiện tại.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm