Đời sống

Đồng Tháp: Bán cả ngàn tấn cá ao, vẫn dụ 10 tấn cá sông về nuôi chơi

Quyết tâm theo nghề gia đình từ ngày xưa, ông Phạm Quang Tuyến ở xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) gầy dựng mô hình nuôi cá thác lác cườm và cá lóc theo hướng công nghiệp. Bên cạnh đó, từ năm 2009 tới nay, ông Phạm Quang Tuyến cũng dành tiền mua thức ăn để nuôi dưỡng đàn cá từ sông Tiền nhằm bảo tồn nguồn lợi thủy sản thiên nhiên.

Hà Tĩnh: 9X thôi lang thang về làng nuôi bạt ngàn gà trên cát, lãi 25 triệu/tháng / Ninh Thuận: Chuyển từ hồ vuông sang hồ tròn, nuôi tôm thu tiền tỷ ngay

“Mỗi ngày, nhìn đàn cá đầy ắp về bơi lội xung quanh nhà, tôi thấy trong lòng vui khó tả” - ông Phạm Quang Tuyến (SN 1960) - chủ Khu du lịch sinh thái Đại Tiền Nam thuộc ấp Hưng Hòa, xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò mở đầu câu chuyện ý nghĩa về cuộc đời ông.

Từ mạnh dạn thay đổi cơ cấu vật nuôi...

Đến thăm Khu du lịch Đại Tiền Nam và khu nuôi cá nằm cạnh sông Tiền mới thấy được sự tỉ mỉ của ông Phạm Quang Tuyến trong quá trình gầy dựng cơ ngơi.

ban ca ngan tan ca ao, van du 10 tan ca song ve nuoi choi hinh anh 1

Ông Tuyến thường xuyên đi kiểm tra tình trạng cá sôngvào ra mỗi ngày

Sau vài năm làm việc tại Tổng Công ty Lương thực miền Bắc, ông Tuyến xin nghỉ hưu về làm kinh tế. Vào năm 2001, ông Phạm Quang Tuyến mua 8.000m2 đất tại xã Tân Khánh Trung mở trang trại nuôi ba ba, sau đó đào ao chuyển sang nuôi cá tra. Sau thời gian nuôi, ông Tuyến nhận thấy, việc nuôi theo kiểu truyền thống đã không còn mang lại hiệu quả, vì vậy ông quyết định chuyển giao công nghệ để nâng cao hiệu quả việc nuôi cá.

Ông Tuyến dành thời gian đi khắp nơi nghiên cứu nhiều giống cá và quyết định chọn cá thác lác cườm, cá lóc về với khu nuôi cá của mình. Theo ông, ưu điểm của 2 loài cá này là ít mỡ, thịt dai và thơm, đồng thời là loài cá ăn tạp, dễ nuôi nên người nông dân có thể tận dụng những phụ phẩm nông nghiệp trong quá trình nuôi dưỡng nhằm giảm bớt chi phí.

Ông Tuyến cũng nghiên cứu việc nuôi cá thác lác cườm và cá lóc theo hướng sử dụng thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên, thời điểm đầu, việc nuôi cá gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện tự nhiên và kỹ thuật không đảm bảo. Ông Tuyến học hỏi thêm và đã tự hoàn chỉnh quy trình, dần thành công với mô hình nuôi cá thác lác cườm, cá lóc.

Để nhân rộng, ông Tuyến tiếp tục mở rộng diện tích nuôi cá lóc và cá thác lác cườm lên 10ha. Việc thay đổi lớn này đã mang lại tổng sản lượng cá từ 800 - 1.500 tấn/năm, trong đó cá thác cườm từ 300 - 400 tấn.

Ông Tuyến tâm sự: “Việc chuyển đổi từ thức ăn tươi sống sang thức ăn công nghiệp trong nuôi trồng thủy sản góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm thiệt hại nguồn lợi thủy sản tự nhiên, đồng thời đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn xuất khẩu...".

 

"Tôi mong sao bà con nông dân mạnh dạn chuyển dịch vật nuôi để tạo ra nguồn thủy sản mới, kịp thời thay thế cho những giống cá hay gặp dịch bệnh, dội chợ và thiếu bền vững... Đồng thời, đây cũng là cách góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nông dân trong tỉnh đang gặp khó trong nuôi thủy sản”, ông Tuyến khẳng định.

ban ca ngan tan ca ao, van du 10 tan ca song ve nuoi choi hinh anh 2

Ông Phạm Quang Tuyến xem việc cho cá ăn là thú vui hàng ngày

...Đến việc bảo tồn nguồn lợi thủy sản thiên nhiên

Sau nhiều năm xây dựng công trình nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, đồng thời chuyển từ thức ăn tự nhiên sang thức ăn công nghiệp thành công. Ông Tuyến đã có cho mình cơ ngơi khá vững chắc với Khu du lịch Đại Tiền Nam và khu nuôi cá, tổng diện tích hơn 25.000m2.

 

Ông Tuyến tâm sự: “Nguồn cá thiên nhiên ở đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu đang ngày càng cạn kiệt do đánh bắt quá công suất, hơn nữa là do biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường...”.

Vì vậy, từ khoảng năm 2009 đến nay, mỗi ngày, ông Tuyến tự bỏ tiền ra mua 1 bao thức ăn cho cá loại 25kg để dụ và cho đàn cá trên sông Tiền đoạn gần nhà ăn. Ban đầu chỉ vài con, đến nay đàn cá đã lên đến 10 tấn, bao gồm: cá tra, cá điêu hồng, cá lóc...

Theo ông Tuyến, chỉ cần nguồn nước bị ô nhiễm hay đánh bắt quá mức thì cá tra sẽ là đối tượng đầu tiên đối diện với nguy cơ tuyệt chủng, kế đến là cá ba sa và nhiều loại cá đồng khác như: cá lóc, cá rô, cá trê, cá điêu hồng...

Ông Tuyến bộc bạch: “Những việc tôi làm chỉ mong sao nguồn lợi thủy sản trên sông Tiền được phần nào khôi phục. Cá tự nhiên nhiều cũng là góp phần tạo nguồn thu nhập cho người nghèo sống bằng nghề đánh bắt thủy sản ở vùng sông nước. Chúng ta đã thừa hưởng những món quà của tự nhiên thì nay cũng phải biết giữ gìn, bảo tồn những sản vật quý giá của tự nhiên. Đó là quy luật mà cũng là đạo lý”.

Theo quan sát, toàn bộ đống chà dụ cá, để cho cá sông ởcủa ông Tuyến được phủ kín bởi đám lục bình rất rộng và xung quanh bao bọc bởi hàng rào tre, sắt nhưng vẫn đảm bảo cho cá ra vào bình thường. Khu vực nhà mát của ông Tuyến có khu nhà ở, bàn ghế để du khách có thể đến nghỉ ngơi, thư giãn và cho cá ăn, tham quan cảnh quan sông nước.

 

“Khi nào đàn cá bỏ đi hết thì tôi mới nghỉ không nuôi nữa. Chứ bây giờ, nếu còn sức khỏe là tôi sẽ vẫn làm kiếm tiền để nuôi dưỡng chúng” - ông Tuyến tâm sự. Những năm tới, dự kiến ông Tuyến sẽ mở rộng khu du lịch, lợi nhuận có được ông cũng dành phần nào tiếp tục mua thức ăn cho đàn cá cưng của mình với mục đích bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Bà Trần Thị Kiều Hoa - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò cho biết: “Từ lâu, mô hình nuôi cá thác lác cườm và cá lóc bằng thức ăn công nghiệp của ông Phạm Quang Tuyến đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Không dừng lại ở việc làm kinh tế, ông Tuyến còn được biết đến với tinh thần thiện nguyện qua việc nuôi cá thiên nhiên, góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản khu vực cồn Ông thuộc sông Tiền là điều đáng quý”.

1
Theo Báo Đồng Tháp
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm