Hỗ trợ doanh nghiệp

Dòng vốn đầu tư quốc tế đang hướng vào Việt Nam

Sự có mặt của chuyên gia tài chính hàng đầu thế giới - TS. Marc Faber cùng 300 lãnh đạo các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư lớn từ Nhật Bản, Mỹ và châu Âu… tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2014 (VIF) khai mạc sáng mai (19/6) tại TP.HCM cho thấy, cộng đồng các nhà đầu tư quốc tế đang đặc biệt quan tâm đến Việt Nam.

Cộng đồng các nhà đầu tư quốc tế đang đặc biệt quan tâm đến Việt Nam với tư cách là một thị trường mới nổi

Thực tế cho thấy, những năm gần đây, thị trường mới nổi đã trở thành động lực tăng trưởng mới của kinh tế toàn cầu và ngày càng chứng tỏ được sức hấp dẫn. Đầu tư vào các thị trường này có tỷ suất sinh lợi kỳ vọng cao hơn, do tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo cao hơn gấp 2-3 lần so với các nước phát triển.

Không chỉ là thị trường mới nổi, Việt Nam còn trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các dòng vốn quốc tế nhờ yếu tố kinh tế vĩ mô ổn định, tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong 2 năm tới đang mở ra những cơ hội mới đối với các nhà đầu tư.
 
Chính bởi vậy, bất chấp những căng thẳng trên Biển Đông, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì chiến lược đầu tư lâu dài tại Việt Nam và ngày càng có nhiều nhà đầu tư mới tìm đến Việt Nam. Tại VIF ngày mai, nhiều tên tuổi lớn trên các thị trường tài chính thế giới như Carlyle Group, Eric Kraus và Sniper Capital… sẽ chính thức có mặt để tìm hiểu Việt Nam với tư cách là một địa bàn đầu tư.
 
Có nhiều lý do để dự báo rằng, dòng vốn đầu tư quốc tế đang hướng vào Việt Nam.
 
Thứ nhất, tuy TTCK Việt Nam còn nhỏ so với khu vực, song lại có tốc độ tăng trưởng khá cao. Nếu năm 2005, quy mô huy động vốn chỉ đạt gần 5.400 tỷ đồng thì đến nay đã tăng gấp hàng trăm lần. Giá trị giao dịch cũng tăng mạnh, từ 27.200 tỷ đồng (năm 2005) lên mức 344.000 tỷ đồng vào năm 2013. 
 
Thứ hai, giá tài sản đầu tư, giá cổ phiếu tại Việt Nam, theo nhận xét của TS. Marc Faber - đang rẻ một cách khó tin. Tuy TTCK khó tăng mạnh ngay lập tức, nhưng với mức giá hiện nay, rõ ràng rất dễ kiếm tiền khi đầu tư cổ phiếu tại Việt Nam.
 
Thứ ba, Chính phủ Việt Nam đã, đang hành động mạnh mẽ nhằm tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài, cam kết tiến hành mọi giải pháp để bảo vệ nhà đầu tư.  Việt Nam cũng đang quyết tâm cải cách nền kinh tế một cách mạnh mẽ với 3 trụ cột chính là tái cơ cấu đầu tư, DNNN và hệ thống ngân hàng. Trong đó, quyết tâm cổ phần hóa 432 DNNN trong giai đoạn 2014 - 2015 là cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư tại Việt Nam.
 
Thứ tư, Việt Nam đang tích cực, chủ động hội nhập quốc tế thông qua việc ký kết hàng chục hiệp định thương mại tự do với 55 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới đến năm 2015.  Nỗ lực này không chỉ giúp thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam rộng mở, mà còn thu hút cả dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài.
 
Là thị trường mới nổi đầy tiềm năng trong mắt các nhà đầu tư, khi nguy cơ bong bóng tại nhiều nền kinh tế phát triển ngày càng lớn, thì sức hút đầu tư của Việt Nam ngày càng tăng. Song để thu hút ngày càng nhiều và giữ nguồn vốn này ở lại lâu dài, nhà đầu tư kỳ vọng, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa tính minh bạch trên TTCK, tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, đồng thời quyết liệt hơn trong xử lý nợ xấu và cổ phần hóa DNNN…
Theo Báo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo