Chân dung

Đột phá, hội nhập và phát triển toàn diện

(DNHN) - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công ty lần thứ IX, chiến lược phát triển Lasuco đến năm 2015 và Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên. Năm 2011 mặc dù tình hình nền kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề lạm phát, lãi vay, giá cả vật, tư nguyên, nhiên liệu tăng cao. Nhưng với nguồn lực sẵn có đã được tích tụ và ý chí của ban lãnh đạo, Lasuco vẫn có những bước tiến và tiến vững chắc.

Xác định sản phẩm chính của Lasuco là mía đường, cồn, điện, nhiên liệu sinh học. Diện tích mía nguyên liệu ổn định từ 17.000 – 18.000 ha, trong đó phấn đấu 30-35% diện tích được thâm canh năng suất cao, hàng năm sản lượng mía nguyên liệu sẽ có từ 1,2 - 1,5 triệu tấn. Với công suất hiện tại 6.500 tấn mía/ngày vụ ép sẽ kéo dài từ 190 đến 240 ngày. Thời gian sản xuất kéo dài, hiệu quả không cao, hơn nữa còn ảnh hưởng đến sản xuất của nông dân.

 

Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2010 đã biểu quyết một số hạng mục đầu tư nhằm nâng cao năng lực, phát triển của Công ty trong đó việc nâng công suất nhà máy đường số 2 từ 4.000 tấn mía/ngày lên 7.500 tấn mía/ngày là hạng mục quan trọng. Ngay trong vụ ép 2010-2011, dự án đã được triển khai. Toàn bộ hệ thống ép mía đã được đổi mới công nghệ theo phương pháp trích ly khuyếch tán với thiết bị hiện đại của Ấn Độ, Pháp, Nhật, Bỉ, đi vào sản xuất tháng 1/2012.

 

Cùng với đầu tư, ứng dụng đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, mở rộng quy mô phát triển bền vững vùng nguyên liệu cho sản xuất đường, điện, cồn và các sản phẩm, ngành nghề mới góp phần phát triển kinh tế xã hội miền tây Thanh Hóa và xây dựng nông thôn mới. Được sự quan tâm, giúp đỡ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa và các huyện trong vùng mía. Đến nay Lasuco đã thành lập mới và đi vào hoạt động 2 công ty tại 2 huyện miền núi huyện Bá Thước, huyện Như Xuân. Công ty cổ phần đầu tư phát triển Lam Sơn – Bá Thước, trụ sở tại thị trấn Cành Nàng huyện Bá Thước, vốn điều lệ 18 tỉ đồng với 63 ngành nghề sản xuất kinh doanh, hiện nay Công ty Lam Sơn – Bá Thước đã triển khai trồng mía gần 1.000 ha, đang triển khai dự án xây dựng nhà máy gạch tuynen và cùng với các ngành trong huyện quy hoạch lại sản xuất, dân cư phát triển nơi đây khoảng từ 4.000 – 4.500 ha trồng mía, trồng rau sạch và tiến tới sản xuất kết hợp với thương mại, du lịch sinh thái Pù Luông – Son Bá Mười.  

 

Công ty cổ phần đầu tư phát triển Lam Sơn - Như Xuân được thành lập ngày 21/7/2011, trụ sở tại xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân, vốn điều lệ 45 tỉ đồng, với trên 60 ngành nghề. Đây là vùng đất có nhiều tiền năng về phát triển nguyên liệu mía, cây công nghiệp và chế biến lâm sản, du lịch. Hiện nay đang được quy hoạch với trên 3.000 ha trồng mía và 6.000 ha rừng tái sinh trồng cao su, sắn và gần 20.000 ha rừng có trữ lượng tre, nứa lớn nhất tỉnh. Định hướng những năm 2011 đến 2015, Công ty tập trung vào sản xuất mía, xây dựng các một số nhà máy, xưởng chế biến nông lâm sản, quy hoạch các khu dân cư tập trung xây dựng theo tiêu chí nông thôn mới với phương châm sử dụng lao động tại chỗ “ ly nông nhưng không ly hương”.

 

Cùng với các công ty cấp huyện, Lasuco đã thành lập 3 xí nghiệp công – nông nghiệp, dịch vụ thương mại cấp xã tại: Xuân Phú huyện Thọ Xuân, xã kiên Thọ, xã Nguyệt Ấn huyện Ngọc Lặc. Đây là mô hình xí nghiệp gắn liền trực tiếp địa phương, với nông dân về mọi lĩnh vực từ quy hoạch đất đai, xây dựng cơ cấu kinh tế địa phương, cơ sở hạ tầng, tiêu thụ sản phẩm và mở mạng các ngành nghề chế biến, dịch vụ, thương mại. Mục tiêu là cùng với các cấp ủy chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới.

 

Hình ảnh Công ty cổ phần mía đường Lam Sơn, Thanh Hoá

 

Vấn đề cốt lõi ở đây là cùng với các địa phương vận động nhân dân tích tụ đất đai, tạo thành những vùng, thửa lớn rộng để đưa cơ giới hóa vào sản xuất và thâm canh mía, các loại cây trồng phù hợp với từng địa bàn. Công ty thuê đất lâu dài của nông dân, thanh toán tiền cho người dân và giao lại đất đó cho nông dân trồng mía trên cơ sở xác định cơ cấu giống mía xóa bỏ tình trạng trên cùng 1 ruộng có nhiều loại giống. Lấy cây mía làm chủ đạo phát triển các ngành nghề, sản phẩm có lợi thế của địa phương và mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí của Chính phủ.  

 

     

 

Với định hướng “ Hợp tác, phát triển bền vững, vì cộng đồng”, gắn liền với phát triển sản xuất kinh doanh, chiến lược xây dựng phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí đặc biệt là con em nông dân trồng mía được quan tâm, năm 2010 Công ty đã xây dựng Quỹ khuyến học mía đường Lam Sơn nhằm khuyến khích cán bộ, công nhân và con em họ cùng con em người trồng mía trong vùng Lam Sơn thi đua học tập.

 

Trước thềm năm học mới 2011 – 2012, Quỹ đã trao thưởng cho 6.622 học sinh phổ thông các cấp, trong đó có 97 học sinh đạt giải cao kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và cấp tỉnh. Việc làm trên đang tạo ra một luồng sinh khí mới thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất mía và chăm lo cho sự nghiệp giáo dục trồng người.

 

Đồng thời với đó, các xã trong vùng có diện tích từ trên 100 ha mía trở lên được Công ty tuyển dụng đào tạo cán bộ quản lý vùng nguyên liệu. Hiện nay 220 học viên khóa đầu tiên là con gia đình trồng mía của 40 xã đang học tập tại Trường cao đẳng nghề Lam Kinh, đây là lực lượng được đào tạo cơ bản về kỹ thuật, quản lý có trình độ cao đẳng và liên thông lên đại học sẽ gắn bó quản lý phát triển vùng nguyên liệu và kinh tế xã hội tại địa phương, là nòng cốt cho đội ngũ chủ chốt cấp xã sau này.  

 

    

 

Năm 2011 đang chuyển dần về cuối, một mùa Xuân mới lại bắt đầu, và khó khăn vẫn rất nhiều nhưng Lasuco đã hoàn thành mục tiêu kế hoạch của năm 2011và đang quyết tâm hoàn thành xuất sắc những chiến lược phát triển mới cho năm 2012, cùng các năm tiếp theo.



Trịnh Tuấn – Tâm Khanh

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo