Hỗ trợ doanh nghiệp

Dự án thép Cà Ná vào quy hoạch ngành thép nhưng chưa có chủ đầu tư

(DNVN) - Trong danh mục các dự án trong quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035, Bộ Công Thương đã không đưa tên chủ đầu tư đi kèm với các dự án, trong đó có cả dự án thép Cà Ná - Ninh Thuận.

Ngày 11/12, Bộ Công Thương tiếp tục đưa dự thảo lần hai về “Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035” nhằm lấy ý kiến đóng góp trước khi ban hành.

Đáng chú ý, so với dự thảo quy hoạch lần một, điểm nổi bật nhất là chủ đầu tư của 19 dự án nằm trong danh mục giai đoạn 2025, định hướng đến năm 2035 đều không được nhắc tới.

Trong đó, ngoài việc vẫn được đưa vào quy hoạch bất chấp dư luận xôn xao, dự án khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná - Ninh Thuận dù tên chủ đầu tư là Công ty CP tập đoàn Hoa Sen đã không được nêu nhưng các giai đoạn thực hiện dự án đã được rút gọn lại thành 3, thay vì 5 giai đoạn như dự thảo lần 1. Công suất giai đoạn 1 và 2 của dự án thép Cà Ná đều là 9 triệu tấn một năm. Riêng giai đoạn 3 thực hiện trước 2031 sẽ có công suất lớn nhất, 14 triệu tấn một năm.

Phối ảnh dự án thép Cà Ná - Ninh Thuận.

Bộ Công Thương cũng cho biết Bộ loại khỏi quy hoạch 12 dự án thép do đề nghị từ các địa phương, dự án chưa có chủ đầu tư hoặc năng lực chủ đầu tư kém, nguồn nguyên liệu không đảm bảo... 

Cụ thể, Nhà máy phôi thép Lào Cai do Công ty cổ phần Gang thép Lào Cai làm chủ đầu tư, được đặt tại Lào Cai, công suất thiết kế dự kiến là 200 tấn phôi vuông/năm; Nhà máy sản xuất gang Thiên Thanh do Công ty cổ phần xây dựng và thương mại Thiên Thanh làm chủ đầu tư, đặt tại Lào Cai, công suất thiết kế dự kiến 700 tấn gang, sắt xốp/năm; Dự án đầu tư khu liên hợp gang thép Khoáng sản Việt do Công ty Cổ phần khai thác Khoáng sản Việt làm chủ đầu tư, đặt tại Cao Bằng, công suất thiết kế dự kiến là 500 tấn phôi vuông/năm.

Nhà máy luyện thép Hà Giang, đặt tại Hà Giang, công suất thiết kế dự kiến là 500 tấn phôi vuông/năm; Nhà máy luyện gang và phôi thép Sơn La, đặt tại Sơn La, công suất thiết kế dự kiến 700 tấn gang, sắt xốp/ năm và 500 tấn phôi vuông/năm; Nhà máy sắt xốp và gang thép Bắc Kạn giai đoạn 2 do Công ty CP VT&TN Toàn Bộ làm chủ đầu tư, đặt tại Bắc Kạn, công suất thiết kế dự kiến 500 tấn gang, sắt xốp/năm và 500 tấn phôi vuông/năm.

Nhà máy luyện cán thép chất lượng cao do Công ty TNHH thép Kyoei Việt Nam làm chủ đầu tư, được đặt tại Ninh Bình, công suất thiết kế dự kiến là 1000 tấn phôi vuông/năm; Nhà máy thép Việt Ý giai đoạn 2 do Công ty cổ phần thép Việt Ý làm chủ đầu tư, được đặt tại Hưng Yên, công suất thiết kế dự kiến là 500 tấn phôi vuông/năm; Nhà máy luyện gang thép Quảng Bình do Công ty TNHH Anh Trang làm chủ đầu tư, được đặt tại Quảng Bình, ông suất thiết kế dự kiến 700 tấn gang, sắt xốp/ năm và 500 tấn phôi vuông/năm; Nhà máy thép HK và thép CLC 2 giai đoạn do Công ty thép Thủ Đức, thép Biên Hòa làm chủ đầu tư, với công suất thiết kế dự kiến là 1000 tấn phôi vuông/năm...

Theo Bộ Công Thương, tổng công suất thiết kế dự kiến của 12 dự án trên là 1.350 tấn gang, sắt xốp và 6.520 tấn phôi vuông/năm.

 

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo