Phân tích

Dự thảo cơ cấu biểu giá điện: Người dân có thật sự được hưởng lợi?

(DNVN)-Với dự thảo về biểu giá điện đang được bộ Công thương xây dựng, giá bán lẻ điện sinh hoạt thuộc mỗi bậc thang gần như được giữ ở mức tương đương như cũ.

Theo Bộ Công thương, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện là bảng kê tỷ lệ phần trăm (%) của mức giá bán lẻ điện bình quân để tính giá bán lẻ điện cụ thể cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện.

Giá điện sinh hoạt gần như không thay đổi

Việc xây dựng Cơ cấu biểu giá điện được thực hiện dựa trên những nguyên tắc như: Giá bán lẻ điện quy định chi tiết cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện gồm: sản xuất, kinh doanh, cơ sở lưu trú du lịch, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt; giá bán lẻ điện theo các cấp điện áp dụng cho các nhóm khách hàng sản xuất, cơ sở lưu trú du lịch, kinh doanh, hành chính sự nghiệp.

Đối với các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, dự thảo đưa ra 6 bậc có mức giá tăng dần, cụ thể: Từ 0-50kWh có mức giá bằng 92% giá bán lẻ điện bình quân; từ 51-100kWh giá bằng 95% giá bán lẻ điện bình quân; từ 101-200kWh giá bằng 110% giá bán lẻ điện bình quân; từ 201-300kWh giá bằng 138% giá bán lẻ điện bình quân; từ 301-400kWh giá bằng 154% giá bán lẻ điện bình quân; và từ 401kWh trở lên có giá bằng 159% giá bán lẻ điện bình quân.

Biểu giá bán điện trong dự thảo gần như không thay đổi.

Như vậy, với giá điện bán lẻ bình quân hiện tại là 1.622,01 đồng/kWh, có thể thấy mức giá bán lẻ điện sinh hoạt thuộc mỗi bậc thang gần như được giữ ở mức tương đương như cũ, cụ thể từ 1.484-2.587 đồng/kWh.

Đối với hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, mức hỗ trợ hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành. Hộ chính sách xã hội (không thuộc hộ nghèo) sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt không quá 50 kWh cũng được hỗ trợ hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành.

Người cực nghèo mới được hưởng lợi?

Trao đổi với báo chí, TS Lê Đăng Doanh cho rằng  , tiêu dùng dưới 50 KWh tức là chỉ có 1-2 ngọn đèn sinh hoạt.

Theo TS Doanh, xã hội hiện đại thì tối thiểu cũng phải có ti vi, tủ lạnh, khi đó tiêu dùng điện vọt lên ngay lập tức. Cho nên, tốc độ lũy tiến trong biểu giá điện cần phải xem xét lại.

"Đồng ý tính đúng, tính đủ, công khai minh bạch các chi phí trong giá điện nhưng phải có mức lũy kế cho thích hợp. Nếu không, số hộ hưởng giá ưu đãi khi sử dụng dưới 50 KWh điện chẳng đáng là bao, còn phần lớn người tiêu dùng phải chịu giá điện trên 100% giá bán lẻ điện bình quân thì mức giá ưu đãi đó chỉ là nói ra cho đẹp thôi”, TS Doanh nói.

 

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, dự thảo Cơ cấu biểu giá chỉ giữ giá thấp đối với những người cực nghèo (Ảnh minh họa).

Về những thắc mắc đối với dự thảo, Bộ Công thương cho biết, việc điều chỉnh giá điện như vậy là nhằm thực hiện chính sách an sinh – xã hội của Đảng, nhà nước nhằm đảm bảo cho các hộ nghèo, hộ chính sách “không bị ảnh hưởng trong những lần điều chính giá điện”.

Cũng theo Bộ Công thương, giá bán lẻ điện sinh hoạt được xem xét, nghiên cứu theo hướng nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, dựa trên kinh nghiệm các nước trên thế giới và trong khu vực, nên Bộ tiếp tục đề xuất thiết kế giá bán điện sinh hoạt theo 6 bậc như hiện nay.

“Thực tế áp dụng trong những năm qua cho thấy việc áp dụng giá bán điện sinh hoạt theo các bậc là đơn giản trong áp dụng nhưng vẫn đạt được mục tiêu khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm” - Bộ Công thương cho biết.

Bộ Công thương cho rằng, đối tượng khách hàng chịu tác động mạnh nhất nếu dự thảo được thông qua là các "cơ sở lưu trú du lịch", bởi phát triển du lịch sẽ trở thành nghành kinh tế mũi nhọn, trong đó có việc “điều chính giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất.

Nên đọc
Cao Lâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo