Xã hội

Du thuyền ở Hồ Tây: "Xử lý vi phạm sẽ không bồi thường"

Xung quanh vụ việc các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên Hồ Tây vẫn chưa tháo dỡ và di chuyển yêu cầu bồi thường, lãnh đạo phường Thụy Khuê khẳng định đây là xử lý vi phạm và không có chuyện bồi thường.

Tại cuộc họp giữa UBND phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ với các doanh nghiệp du thuyền Hồ Tây vào sáng 16/2, ông Vũ Bá Đông, Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê đề nghị các doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc dừng hoạt động kinh doanh, tự động tháo dỡ cầu dẫn, sàn cứng xong trước ngày 20/2.

Quá thời hạn này mà các doanh nghiệp không tháo dỡ, phường sẽ có báo cáo quận Tây Hồ để có phương án xử lý bằng hình thức cưỡng chế.

Tại cuộc họp, đại diện nhiều doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ trên Hồ Tây cho biết, sẵn sàng chấp hành chủ trương của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng mong muốn được hỗ trợ phần nào. Vì tất cả các doanh nghiệp hoạt động đều có ký hợp đồng sử dụng mặt nước.

Trước những ý kiến này, UBND phường Thụy Khuê khẳng định, đây là việc chính quyền xử lý vi phạm, không phải giải phóng mặt bằng nên sẽ không có bồi thường để doanh nghiệp tiến hành di dời, tờ Viettimes đưa tin.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh trên Hồ Tây lên tiếng về việc di dời, tháo dỡ mà không được đền bù thỏa đáng. Ảnh: CAND

Không được hài lòng về ý kiến của UBND phường Thụy Khuê, ông Nguyễn Ngọc Vượng, Giám đốc Công ty Potomac, cho biết, công ty được thành phố cho phép hoạt động 30 năm nên đã đầu tư số tiền lớn vào đóng du thuyền với đầy đủ đăng ký, đăng kiểm; hiện công ty tạo việc làm cho hơn 50 lao động, hàng năm đóng đầy đủ các loại thuế, phí. Vì vậy nếu thành phố không cho hoạt động thì nên có chính sách hợp lý đền bù thiệt hại cho các doanh nghiệp.

Ông  Đỗ Việt Anh – Phó Giám đốc Công ty TNHH Nhuận Mai cũng khẳng định rằng tất cả các doanh nghiệp kinh doanh trên mặt nước Hồ Tây đều được cấp phép đầy đủ. Công ty Nhuận Mai đã hoạt động tại khu vực này 25 năm và đều đóng đầy đủ các loại thuế phí, bao gồm cả phí sử dụng mặt nước, vệ sinh môi trường; giấy phép hoạt động giờ vẫn còn hạn; tàu cũng đang còn hạn đăng kiểm. Nay thành phố có chủ trương di dời, doanh nghiệp sẵn sàng ủng hộ.

“Tuy nhiên, thành phố cần định giá và bồi thường cho các doanh nghiệp chứ như thế này chúng tôi chắc chắn không thoát khỏi tình trạng phá sản bởi đến thời điểm này, chúng tôi đã đầu tư vào đây gần 100 tỷ đồng, giờ chỉ mong thành phố hỗ trợ 40- 50%”, ông Việt Anh cho hay.

Trong ngày 16/2, phóng viên Báo CAND đã liên hệ với lãnh đạo UBND quận Tây Hồ đặt vấn đề về đề xuất hỗ trợ kinh phí của các doanh nghiệp, đại diện đơn vị này cho biết quận không được giao nhiệm vụ này; quận chỉ thực hiện nhiệm vụ đúng theo chỉ đạo của thành phố.

Nên đọc
Nguyễn Hà (tổng hợp theo báo CAND, Viettimes)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo