Pháp luật

Dùng Bitcoin để thanh toán có thể phải ngồi tù tới 3 năm

Theo Bộ Luật Hình sự 2015 có hiệu lực ngày 1/1/2018 quy định "Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" có thể bị phạt tù đến 3 năm. Như vậy với việc cơ quan chức năng không coi Bitcoin là tiền tệ và nếu dùng loại 'tiền ảo' này làm phương tiện thanh toán sẽ vi phạm luật.

Theo đó, Khoản 1 Điều 206 BLHS năm 2015 về Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng nêu rõ “Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Cấp tín dụng cho trường hợp không được cấp tín dụng, trừ trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng; Phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp; làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán; sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả;…”

Theo luật sư Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Cty Luật ICC, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nêu quan điểm không coi Bitcoin là một phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Như vậy, Bitcoin chỉ có thể coi là một loại tài sản. Nhà đầu tư có thể mua bán, trao đổi Bitcoin với nhau chứ không thể dùng để thanh toán cho các giao dịch. Chính vì pháp luật điều chỉnh đối với Bitcoin nói riêng và các loại tài sản ảo, tiền ảo chưa rõ ràng như trên nên việc tham gia đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro, các đối tượng xấu có thể lợi dụng để thực hiện các hành vi trục lợi.

“Ngoài ra, tại Khoản 6 Điều 6 Nghị định 80/2016/NĐ-CP cũng nêu rõ các hành vi bị cấm như “Phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp”. Do vậy, nếu sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm và sẽ bị xử lý theo pháp luật” – luật sư Tùng nói.

Từ 1/1/2018 nếu sử dụng Bitcoin làm phương tiện thanh toán có thể phải ngồi tù đến 3 năm. Ảnh: Internet.

Cũng theo luật sư Tùng, hiện tại, hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng chưa có được các quy định đầy đủ, chặt chẽ và rõ ràng nhằm quản lý đối với loại tiền này. Đứng trước yêu cầu quản lý, ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phải đã ký ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Mặc dù cơ quan chức năng đã đưa ra khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự. Tuy nhiên, do tính hấp dẫn của Bitcoin nên hoạt động tìm hiểu, đầu tư vẫn diễn ra.

Ngoài ra, Bitcoin là một loại tiền tệ kỹ thuật số hay còn được gọi bằng nhiều tên khác như tiền điện tử, tiền ảo. Tại Việt Nam, Bitcoin là một vấn đề mới gây xôn xao trong giới đầu tư và cũng đang có nhiều luồng quan điểm khác nhau về vấn đề này. Ví dụ như Bitcoin được coi là một loại tài sản hay là một loại phương tiện thanh toán.

Trước một số vụ lừa đảo tiền Bitcoin bị phát hiện và cơ quan chức năng đã khởi tố, luật sư Tùng  cho biết, các đối tượng có hành vi dụ dỗ, lôi kéo người tham gia bằng cách đưa ra các thông tin biết rõ là sai sự thật, hứa hẹn những việc không thể thực hiện như được hưởng lãi suất cao, được nhận lại tiền gốc đã đầu tư qua đó tạo sự tin tưởng và chiếm đoạt tài sản số lượng lớn. Như vậy, việc Cơ quan An ninh Điều tra khởi tố vụ án, khởi tố các đối tượng để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hoàn toàn có căn cứ.

Nên đọc
Theo Tiền Phong
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo