Góc nhìn

Đừng để doanh nghiệp thành nạn nhân của “cơn bão bất thường”

Những ngày qua, sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại- Dịch vụ Tân Hiệp Phát (THP) liên tiếp bị khách hàng tố là có vấn đề về chất lượng. Cùng với đó, trên mạng xã hội, nhiều trang mạng, diễn đàn ồ ạt xuất hiện với nhiều hình thức kêu gọi tẩy chay sản phẩm của công ty này.

 

Từ những diễn biến khác thường đó, có thể khẳng định rằng, THP đang là nạn nhân của một một “chiến dịch” cạnh tranh không lành mạnh. Theo nhiều nhà quan sát, doanh nghiệp đã, đang tạo dựng giá trị, thương hiệu Việt này đang thực sự… cô đơn trong tâm của một “cơn bão bất thường”.

 
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Đoàn Thu Nga, Luật sư điều hành Công ty Luật Lawpro để làm rõ nguyên do thực sự đã đẩy THP vào vòng xoáy khủng hoảng và “liều thuốc” có để đẩy lùi “bệnh lạ” đang đeo bám dai dẳng doanh nghiệp này…
 

Hồi chuông báo động
 
PV: Thời gian qua, hàng loạt những trang mạng xã hội đã xuất hiện với một mục đích rõ ràng là tẩy chay sản phẩm đồ uống của THP. Những trang mạng này đã phát đi những thông tin không đúng, thậm chí bóp méo, xuyên tạc sự thật. Có trang mạng còn dùng cả kỹ xảo để bôi nhọ, làm xấu đi hình ảnh của sản phẩm cũng như thương hiệu của THP, luật sư đánh giá thế nào về những hành vi này?
 
Bà Đoàn Thu Nga: Theo Luật Cạnh tranh năm 2004, rồi Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự và mới nhất là Nghị định 71 (2014) cũng đã có những quy định rất rõ ràng về việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực cạnh tranh. Theo đó, với các doanh nghiệp bị các đối thủ cạnh tranh đưa ra các kênh thông tin để thông tin sai lệch nhằm làm mất uy tín, gây tổn hại về kinh tế… là hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Có thể nói rõ thêm, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh có hành vi gièm pha doanh nghiệp, hình thức có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp. Ở đây, rõ ràng chuyện đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hướng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì đã thỏa mãn hành vi cạnh tranh không lành mạnh rồi.
 
Luật Công nghệ thông tin năm 2006 cũng đã chỉ rõ, hành vi giả mạo các trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác hay tạo đường dẫn trái phép đối với tên miền của tổ chức cá nhân… cũng được xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
 
PV: Việc THP bị nhiều trang mạng xã hội tấn công có chủ đích bằng những thông tin xuyên tạc, bôi xấu thì ai cũng rõ đó là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nhưng để chứng minh được điều này có khó không thưa bà?
 
Bà Đoàn Thu Nga: Bất cứ sự việc gì muốn làm sáng tỏ chúng ta đều cần đến cơ quan chức năng. Phải thẳng thắn nhìn nhận đây là vi phạm rồi. Tuy nhiên, nếu là dân sự thì nghĩa vụ chứng minh phải là phía cá nhân, tổ chức có yêu cầu. Ở trường hợp này, THP phải chứng minh được là người kia, tổ chức kia đang làm hại mình, ảnh hưởng đến mình. Thế nhưng cái này khó vì mình chưa có tổ chức điều tra kinh tế độc lập, chưa có dịch vụ điều tra riêng hợp pháp nên việc này phải tìm hành vi có dấu hiệu hình sự để nhờ công an. Nếu giả sử cơ quan chức năng, công an, an ninh kinh tế không vào cuộc thì doanh nghiệp như chết kẹt ở giữa. Kể cả doanh nghiệp đủ tiềm lực, thừa nghiệp vụ, phương pháp điều tra nhưng việc điều tra thu thập cũng không được pháp luật cho phép. Ở đây, tôi thấy THP là một nạn nhân, và trường hợp này đã gióng lên hồi chuông báo động cho tình trạng doanh nghiệp phải chịu thiệt thòi, bất lực trong xử lý những chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh. 
 
Cần phải nói thêm rằng, bây giờ doanh nghiệp Việt rất khổ. Họ vừa phải chiến đấu lo giữ thị trường trên sân nhà trước các ông lớn nước ngoài, những doanh nghiệp nước có nguồn lực tài chính lớn, có mạng lưới phân phối toàn cầu vừa phải lo đối phó với niềm tin đang lung lay của người tiêu dùng (NTD). Thực tế bây giờ, niềm tin ấy rất dễ bị “đốn hạ” bởi sự thật giả lẫn lộn, bởi đạo đức kinh doanh xuống cấp. Nhiều khi doanh nghiệp chân chính bị vạ lây bởi các doanh nghiệp làm ăn theo kiểu chộp giật, kiếm lợi nhuận bằng mọi giá. 
 
Thêm nữa, cũng có một bộ phận không nhỏ NTD không đủ tỉnh táo, thông thái để phân định, nhìn nhận đâu là đúng, là sai, đâu là đơn vị kinh doanh đường hoàng. Do vậy, doanh nghiệp làm ăn chân chính đôi khi lại gặp khó, nhưng chỉ là thời điểm nhất định. Cụ thể, đó là thời điểm NTD cả tin, bị mắc lừa bởi một âm mưu nào đó. Cái này cũng dễ hiểu, bây giờ cuộc sống tất bật, ít người có thời gian nghiên cứu, nhìn nhận đánh giá được tổng thể vấn đề, họ chỉ thấy hiện tượng chứ không nhìn thấy bản chất nên có xu hướng a dua theo cái bề nổi mà mình tức thời trông thấy.
 
 
 Cô đơn trong “tâm bão”
 
PV: Liên tiếp bị “tố” là sản phẩm có vấn đề về chất lượng, thậm chí có cả những trường hợp vô lý như chai nước có lông, ruồi, rong rêu… Tuy nhiên, tới thời điểm này, chưa có cơ quan hữu trách nào đưa ra kết luận những sản phẩm đó có phải do THP sản xuất hay là hàng giả, hàng nhái hoặc bị tác động từ bên ngoài. Cụ thể như vụ việc ở Cam Ranh, (Khánh Hòa), khi bị khách hàng khiếu nại về 6 chai nước có dị vật là được cho là ruồi, lông, rong rêu, kiểm tra thông số kỹ thuật trên những sản phẩm này, phía THP cho rằng những chai nước không thể do công ty sản xuất. Cho rằng sự xuất hiện của những chai nước mang dị vật khác thường là sản phẩm của hành vi phá hoại, THP đã gửi đơn yêu cầu cơ quan chức năng, đặc biệt là Công an Khánh Hòa vào cuộc điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, sau đó, bởi không thấy có dấu hiệu hình sự, Công an Khánh Hòa cũng đã “lắc đầu” từ chối. Không có cơ quan nào xác định đúng, sai và như vậy là doanh nghiệp phải chấp nhận “khoác vào người” tiếng xấu, bà có đánh giá thế nào về việc này?
 
Bà Đoàn Thu Nga: Ở đây tôi thấy có hai vấn đề, thứ nhất là cơ quan chức năng phải làm rõ những sản phẩm này có phải của doanh nghiệp đó hay không? Phải giúp cho doanh nghiệp xác định đúng nguồn gốc bởi đôi khi nhãn mác, vỏ, nắp chai theo kiểu dáng, nhãn mác của doanh nghiệp nhưng đã bị tác động của khâu trung gian. Các này, các quan chức năng phải đưa các phương pháp khoa học để chứng minh và chứng minh cái này cũng không phải là khó. 
 
Cái thứ hai, đây chính là vấn đề quan trọng, cơ quan ngôn luận, truyền thông phải có phản ứng phù hợp với những sự việc mà cơ quan chức năng chưa có kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, không chỉ riêng vụ việc này của THP mà nhiều trường hợp khác, cơ quan truyền thông đã đưa thông tin như đó là một hiện tượng hiển nhiên. Phải vô cùng thận trọng nếu là thông tin còn chưa được điều tra, chưa có kết luận chính xác, rõ ràng. 
 
Nếu không thận trọng thì đương nhiên sẽ gây hậu quả xấu, gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp. Phải nêu rõ tình trạng thực tế của sự việc, không được để những câu hỏi gây hoài nghi, hoang mang cho NTD. Ở đây, cũng có thể là một số cơ quan ngôn luận vô tình nhưng thực sự thì việc đó đã tiếp tay cho hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Một xã hội văn minh phát triển là xã hội có cả doanh nghiệp chân chính và truyền thông chân chính. 

PV: Theo như đánh giá của luật sư thì đôi khi truyền thông đã vô tình tiếp tay cho hành vi xấu, vậy sự vô tình đó đến từ đâu? Phải chăng bởi không có cơ quan hữu trách nào đứng ra kết luận vụ việc nên truyền thông cũng bị động, chỉ nêu sự việc mà chưa có kết thúc? Và cùng với đó là “nỗi oan” nếu có của doanh nghiệp cũng không thể gột rửa?
 
Bà Đoàn Thu Nga: Cái này thì phải nhìn nhận thực tế rằng, bây giờ công nghệ làm hàng giả, hàng nhái đã hết sức tinh vi. Có những sản phẩm vỏ và nắp chai là của hãng vì những thứ này rất dễ mua nhưng cái lõi, cái cốt có phải do so với vỏ, nắp chai có cùng là một không thì cần phải làm rõ, phải có cơ quan chức năng xác định. Nếu xác minh được cái này thì phải tính tiếp cái thời điểm xảy ra những hiện tượng trên là hợp lý hay vô lý. 
 
Ở đây, nếu đã có nghi ngờ này mà không có cơ quan chức năng nào vào cuộc thì thực sự thiệt thòi cho doanh nghiệp bởi họ không thể tự ý tuyên bố về việc đó. Có thể mời các cơ quan chức năng tham gia, ở đây là các cơ quan giám định, đặc biệt là cơ quan công an, cùng lắm là ra tòa án. Phải chứng minh là có phải sản phẩm đó có phải là của THP hay không chứ bỏ lửng sẽ gây hoang mang, xáo trộn cho NTD. Và đương nhiên, chẳng cần phải nói thì thiệt hại cho doanh nghiệp là đã nhìn thấy rõ.
 
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
 
Theo Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo