Xã hội

Dương Chí Dũng lĩnh án tử hình: Đại biểu Quốc hội nói gì?

"Trong suốt những năm qua, hình phạt nghiêm khắc cho tội tham nhũng không được thực thi, thậm chí có người đã cho rằng nó thách thức xã hội khi có nhiều án treo, khi có những hình phạt như đùa..."

Sau khi HĐXX TAND Hà Nội vừa kết thúc phiên tòa xét xử bị cáo Dương Chí Dũng và đồng phạm, các đại biểu Quốc hội cho rằng bản án tử hình đối với hai bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc đã thể hiện sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Ông Phạm Trường Dân (Đại biểu Quốc hội Đoàn Quảng Nam) cho rằng, bản án tử hình đối với bị cáo Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines mà HĐXX TAND TP Hà Nội tuyên tại phiên tòa sơ thẩm chiều 16/12 đã phản ánh đúng sự nghiêm minh của cơ quan pháp luật, không có sự du di cho hành vi phạm tội. Các bị cáo đã làm thiệt hại lớn tài sản của Nhà nước, của nhân dân, hai bị cáo này còn tham ô tới 10 tỷ đồng, bản án tuyên như vậy là đúng người, đúng tội, không có sự nương tay hoặc xử nhẹ tội như nhiều trường hợp mà các đại biểu Quốc hội đã phản ánh tại các kỳ họp. 
 
Ông Phạm Trường Dân (Đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Nam). Ảnh. Xuân Hải.
 
“Tôi là đồng tình với bản án đó. Mức án đó là hợp lòng dân, thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc chống tham nhũng. Tuy rằng, đây mới là phiên sơ thẩm, cũng còn nhiều vụ án khác nữa nhưng nó thể hiện sự quyết liệt của cơ quan chức năng, từ khi bắt được Dương Chí Dũng cho đến nay. Chỉ trong một thời gian ngắn như thế mà đã hoàn chỉnh hồ sơ, kết thúc điều tra vụ án, đưa ra truy tố, rồi xét xử hết sức khẩn trương, có trách nhiệm và đưa ra mức án đúng người đúng tội”, ông Dân cho hay.
 
Bà Trần Thị Quốc Khánh (ĐBQH TP Hà Nội). Ảnh. Xuân Hải.
 
Cho ý kiến ngay sau khi phiên tòa kết thúc, bà Trần Thị Quốc Khánh (Đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội) cho biết: Kết cục của vụ án đã thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, thể hiện sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cũng như các cơ quan bảo vệ pháp luật đối với những hành vi gây nguy hại cho xã hội. Vụ án tham nhũng tại Vinalines xảy ra trong bối cảnh đất nước ta đang hết sức khó khăn, điều đó không thể chấp nhận được. Đất nước đang còn quá nghèo, nhân dân thì khổ, rất nhiều người dân vùng xa khó khăn rất cần một đồng vốn nhỏ để chống chọi với cái đói, cái rét, các cháu nhỏ đang thiếu những cây cầu để đi học. 
 
Đặc biệt là chiến lược biển của Việt Nam đã được đặt ra từ lâu, chúng ta cũng đặt ra quyết tâm là phải hướng về phát triển kinh tế biển cho nên Đảng và Nhà nước rất tin tưởng, quyết tâm cao và định hướng phải có một nền công nghiệp biển, phát triển về công nghiệp đóng đàu, cũng như lĩnh vực hàng hải.  Nguyện vọng, mong muốn là rất lớn, nhưng các lãnh đạo của Vinalines trong thời gian vừa qua đã không nhận thức hết được tầm quan trọng của những định hướng đó và họ đã sử dụng đồng vốn đầu tư của Nhà nước được nhân dân đóng góp để tham ô, gây thiệt hại như vậy là không thể chấp nhận được. Điều này đã gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
 
“Rất nhiều lần chúng tôi đi tiếp xúc cử tri, ở đâu người dân cũng phản ánh và đặc biệt trong  rất nhiều kỳ họp của Quốc hội vấn đề quản lý, sử dụng tiền và tài sản của Nhà nước sai mục đích như vậy luôn là đề tài nóng gây nhiều tranh cãi. Đặc biệt, chúng ta đã có Luật phòng, chống tham nhũng, nhưng trong suốt những năm qua, hình phạt nghiêm khắc cho tội tham nhũng không được thực thi, thậm chí có người đã cho rằng nó thách thức xã hội khi có nhiều án treo, khi có những hình phạt như đùa, dẫn đến sự tin tưởng của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước bị giảm sút. Mong muốn của nhân dân là phải xử phạt nghiêm minh với tội tham nhũng”, bà Khánh cho biết.
 
Theo bà Khánh, ở các nước như Trung Quốc và Triều Tiên mới đây họ cũng đã xử những vụ tham nhũng với mức án tử hình, nhưng đối với họ đấy là những điều họ đã làm và coi đó là điều bình thường. Nhưng  còn ở nước ta để xảy ra vụ việc như thế tôi cho rằng cũng rất đau xót, nhưng với những gì các bị cáo đã gây ra, nói theo luật  nhân, quả, tự gây ra thì phải tự nhận, hứng chịu hậu quả, điều quan trọng hơn cả là sự răn đe, những người khác đang có những việc coi thường pháp luật thì hãy dừng tay.
 
“Bản án tử hình đối với hai bị cáo, tôi cho rằng đây là sự đúng đắn của các cơ quan bảo vệ pháp luật đã nghiên cứu sâu để có những phán quyết nghiêm khắc, công minh, tôi tin rằng kết quả này sẽ đem lại niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước, đặc biệt là trong công cuộc phòng chống tham nhũng’, bà Khánh nhấn mạnh.
 
Ông Đào Xuân Yên (Đại biểu Quốc hội đoàn Thanh Hóa). Ảnh. Xuân Hải.
 
Đại biểu Đào Xuân Yên (Đoàn Thanh Hóa) khẳng định đây là bản án nghiêm khắc thể hiện sự quan tâm của Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng, đây là vụ án nằm trong 10 vụ án được xác định là “đại án” tham nhũng.
 
“Tôi tin rằng bản án này đã đem lại niềm tin cho người dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng, pháp luật không loại trừ ai khi vi phạm pháp luật”, ông Yên nói.
InforNet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo