Tin tức - Sự kiện

Đường dây cầm cố thẻ lương công nhân: Phận người mang lương đi cầm

"Thẻ chủ nợ giữ, mã pin chủ nợ nắm, tiền trong tài khoản chủ nợ biết, mình chỉ biết đi làm và đi làm. Tới tháng thấy chị em hớn hở rút tiền, mình giả như không thấy để đỡ tủi thân” - chị Hương (công nhân Cty điện tử F, KCN VSIP, tỉnh Bình Dương) vội giấu những giọt nước mắt, quay đi khi thấy bạn bè í ới rủ nhau đi rút tiền khi kỳ lương vừa tới.

Ba năm không thấy “mặt” lương

3 năm trước, Hương và chồng của Hương bây giờ chuẩn bị làm đám cưới vì “bỗng dưng có bầu”. Hương mới vào Cty được một năm, vừa đi làm vừa nuôi em ăn học, tháng nào vừa đủ cũng đã được gọi là “hên”, vậy mà đùng một cái phải ngược xuôi lo tiền đám cưới.

Chồng Hương, vì người Nghệ An, rất khó xin việc vào các công ty do bị kỳ thị vùng miền nên phải làm ngoài, thường xuyên “bữa đực bữa cái”. Bụng lớn dần, đang loay hoay không biết xoay ở đâu ra tiền thì Hương được mách nước đi vay cầm thẻ ATM. “Lúc đó em cần 10 triệu để lo một số việc ban đầu và mua vé xe về quê. Còn tiền lo đám cưới ở quê thì bố mẹ vay, tiền mừng cưới sẽ dùng trả nợ”.

10 triệu cho một đám cưới không phải là nhiều, nhưng đối với người công nhân thì đó là cả một gia tài, bằng hai, ba tháng lương cộng lại. Không biết mượn ai, xung quanh chẳng có người nào thật sự thân quen để có thể mượn số tiền lớn, hơn nữa bạn bè em cũng là công nhân cả, làm sao có trong tay tiền mặt để cho mình mượn được? Nghĩ vậy, Hương đánh liều đi vay cầm cố thẻ ATM.

Theo lời Hương, vay cầm thẻ ATM rất dễ vì người cho vay cũng là người trong Cty, vì “mình làm việc ra sao, lương bao nhiêu người ta đều nắm rõ”. Sau khi trình bày, chiều hôm đó, sau giờ làm, Hương được hẹn ra một quán nước gần khu công nghiệp, Hương giao thẻ ATM, mã pin, số tài khoản, chứng minh nhân dân cho chủ nợ. Mọi thông tin được người đó ghi lại cẩn thận.

Vì vay số tiền lớn nên Hương phải cùng người đó ra trụ ATM gần nhất để kiểm tra mã pin cho chính xác. Lãi suất lúc đó là vay 1 triệu trả lãi 140.000 đồng/tháng, nhưng Hương vay số tiền lớn nên chủ giảm lãi, với 10 triệu, mỗi tháng Hương chỉ phải đóng lãi 1,3 triệu đồng. “Sau đám cưới, tiền mừng không đủ trả nợ ngoài quê, hai vợ chồng phải chạy vạy vay nóng, vay nguội lo cho xong, vào lại Sài Gòn thì không còn đồng nào trong túi” - Hương thở dài.

“Tháng đầu tiên vì nghỉ phép dài ngày lo đám cưới nên lương của mình chẳng còn được bao nhiêu. Ngày mồng 5 hằng tháng, Cty trả lương, chủ nợ đi rút được gần 4 triệu đồng. Mình phải ra năn nỉ với chủ nợ chỉ cho trừ nợ 2 triệu, còn lại thì cho vợ chồng mình mượn lại. Sau tháng đầu tiên, cả tiền gốc và lãi của mình còn nợ là 9,3 triệu đồng. Cứ như vậy, rồi mình sinh con, lại vay, đến nay đã 3 năm, mình chưa cầm cái thẻ ATM này được 1 tháng” - Hương kể.

Linh - công nhân Cty EQ (Bình Dương), cũng từng vay cầm thẻ ATM - cho biết: “Tôi chỉ vay 1 triệu đồng, lãi suất tính 15.000 đồng/ngày nhưng cũng phải cầm thẻ ATM. Vay bao nhiêu cũng phải giao thẻ ATM, chứng minh nhân dân, mã pin cho chủ nợ. Quy định là vậy rồi, mình trả hết gốc tiền nhưng chỉ còn thiếu lãi 100.000 đồng cũng phải để thẻ cho chủ nợ cầm”. Nhiều công nhân vay nợ cầm thẻ ATM như Linh, khi được hỏi đều có chung tâm trạng “giao thẻ ATM cho chủ nợ khiến mình ngày đêm nơm nớp lo sợ”.

Theo lời những công nhân từng dính tới việc vay nợ cầm thẻ ATM, tới tháng, công ty chuyển lương vào tài khoản nếu chủ nợ mà rút sạch tiền, hoặc rút hơn số tiền mình vay, mình biết cũng chẳng dám làm gì. “Vì người ta làm ăn là có đường dây, có bảo kê, mình ho he là coi chừng tiêu. Nhưng mấy lần vay nợ cầm thẻ trước của mình, chủ nợ sòng phẳng, gốc lãi bao nhiêu họ rút bấy nhiêu, không rút hơn. Họ cũng phải làm ăn uy tín để nhiều người còn vay chứ” - Linh lý giải.

“Cắm được một lần là sẽ có lần thứ hai. Cái nòi cắm thẻ nó như có bùa mê vậy, nhiều người dính vào rồi dứt ra không được”. Theo lời của Linh, việc khó dứt ấy nguyên nhân cũng bởi vì công nhân chưa bao giờ sống đủ bằng lương, cứ phải vay mượn. Mà công nhân ở các tỉnh thì có thể vay được ai, ngoài các chủ nợ.

Chiêu bài của các “ông trùm cầm thẻ”

Tại Cty điện tử FT (Thuận An, Bình Dương) có hai “trùm” cho vay cầm thẻ, cả hai đều là công nhân trong Cty. “Công nhân đối với họ chỉ là nghề phụ thôi, lương vài triệu đối với các ông trùm, bà trùm này đáng xá gì mà kể” - Vân - công nhân của Cty FT - nói. Theo lời Vân, ông “trùm” thứ nhất là nhân viên bảo trì máy, người Bình Dương, tuổi độ gần 40; “trùm” thứ hai là một nữ trưởng chuyền, cũng người Bình Dương.

“Hai ông bà “trùm” này ít khi lộ diện trực tiếp, công nhân cũng hiếm khi vay được trực tiếp từ người này, mà hầu hết đều thông qua “chân rết”. Cty FT có hơn 16.000 công nhân, mình họ kham sao nổi. Thế nên ông, bà ấy có nhiều “chân rết” cắm ở các chuyền, do chuyền trưởng hoặc người có uy tín đứng ra làm cầu nối, ăn chia hoa hồng” - Vân cho biết.

Đời sống công nhân khó khăn là nguyên nhân dẫn đến việc công nhân phải bất chấp “lệnh cấm” để vay nợ .

Theo Vân, các “chân rết” này đóng vai trò quan trọng trong việc móc nối, tìm kiếm “con mồi”. Hơn nữa, đây cũng chính là kênh thẩm định thu nhập của người vay tốt nhất. Một “chân rết” tên Phương bật mí: “Mình gần gũi hằng ngày với công nhân, có động tĩnh gì là mình biết ngay. Cộng tác thêm để có thêm thu nhập, được chia hoa hồng. Có người làm tốt thì thu nhập còn cao hơn cả lương công nhân”.

Theo lời “chân rết” này thì anh ta cũng từng là công nhân đi vay cầm thẻ ATM, nhưng sau đó được ông trùm tín nhiệm, cho tham gia vào đường dây. Theo lời Phương, nhiều người làm “chân rết” một thời gian rồi tách ra làm ăn riêng, có ít vốn đứng ra cho công nhân vay cầm thẻ như đàn anh, đàn chị của mình. “Kiếm tiền dễ quá mà, tội gì không làm. Cho vay 1 triệu mà mỗi tháng kiếm được 100.000 đồng, bằng mình tăng ca mấy ngày trời. Như ông chủ nợ này đây, là nhân viên bảo trì máy nhưng ông ấy có nhà lầu, xe xịn” - Phương nói.

Ngoài những người làm trong công ty có điều kiện cho vay, các tiệm cầm đồ, các chủ cho vay bên ngoài còn cài cắm người của mình vào các công ty làm công nhân để móc nối đường dây mối nhợ để công nhân vay tiền. Như Hà - công nhân Cty EQ (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore), là một ví dụ. Từ Thanh Hóa vào Bình Dương làm công nhân, sau nhiều lần cầm đồ ở tiệm T.D, gần cổng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, Hà được chủ tiệm thuê làm tay chân để móc nối công nhân trong công ty có nhu cầu vay cầm thẻ thì liên hệ với tiệm.

“Mình không cho vay thì chỗ khác nó cũng cho vay. Mình làm ăn uy tín, vay bao nhiêu, rút bấy nhiêu, không phạm vào tiền của chủ thẻ. Hơn nữa phải có những người như tôi thì lãi suất ở trong các công ty mới giảm đi. Trước đây, vay 1 triệu, công nhân phải trả từ 150.000-200.000 đồng/tháng, nhưng khi có các mối khác cạnh tranh thì lãi suất cũng giảm” - Hà tiếp. Theo Hà, những người làm công việc như cô thì tùy chỗ mà được nhận thù lao, có nơi trả phần trăm theo số tiền lãi mà chủ thu được, có nơi thì trả “khoán một cục” với điều kiện mỗi tháng phải kiếm được bao nhiêu mối…

Lần theo lời Hà rằng “cuối tháng, hoặc tới kỳ lương các ngày như ngày 5, ngày 10, ngày 15 hằng tháng, muốn thấy được việc cho vay này sôi động đến cỡ nào thì chỉ cần đến các trụ ATM thì biết”. Ngày 10.9, chúng tôi có mặt ở trụ ATM Đại Nam (Thủ Dầu Một, Bình Dương) thấy có người cầm một túi xách đầy thẻ ATM.

Thẻ ATM nằm giữa, kẹp hai bên là chứng minh nhân dân, thông tin chủ thẻ, họ lần lượt nhìn mã pin rồi rút tiền nhét vào. Chúng tôi hỏi: “Anh rút một lần nhiều thẻ vậy không sợ nhầm?”, người đàn ông chừng 45 tuổi giả lả trả lời: “Thẻ của các cháu, con, họ hàng, không biết xài ATM nên nhờ tôi rút hộ, có đánh số thứ tự nên chẳng thể nào nhầm”.

Bên cạnh những chủ nợ “canh” khi người khác gặp khó khăn để cho vay, thì cũng có những người cố tình đưa người vay vào thế “bắt buộc phải vay” như tổ chức cá độ, đánh bạc để cho vay và không thể nào thoát ra được.

Theo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo