Chân dung

EO Enel: Biểu tượng mới của doanh nhân Ý

Tại Ý, đất nước mà văn hóa doanh nghiệp thường gắn liền với những người đàn ông thành đạt trong bộ vest chỉn chu, thì Patrizia Grieco là người phá vỡ biểu tượng đó, khi bà là người phụ nữ đầu tiên giữ cương vị Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Enel lớn nhất Ý và lớn thứ hai châu Âu về vốn hóa thị trường.

 Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Enel - Patrizia Grieco


Ngoại trừ Malta, Ý là nền kinh tế có số lượng phụ nữ tham gia thị trường lao động thấp nhất EU. Tuy nhiên, sự thăng tiến của các nhà quản lý thế hệ trẻ và sự suy giảm của nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu đang tạo ra những thay đổi lớn lao ở “đất nước hình chiếc ủng”, cũng như buộc Ý phải áp dụng mô hình quản lý công ty hiện đại hơn theo xu hướng mở. Sự thay đổi này đã tạo tiền đề để bà Grieco giữ vai trò lớn hơn tại một trong những tập đoàn quan trọng nhất của Ý.

Bà Grieco, 62 tuổi, được Thủ tướng Ý Matteo Renzi bổ nhiệm vị trí Chủ tịch Enel năm 2014. Đánh giá về vai trò phụ nữ trong nền kinh tế Ý, bà Grieco nói: “Phụ nữ cần cố gắng là những tác nhân thay đổi. Vấn đề của Ý là vai trò của phụ nữ trong cấp độ quản lý doanh nghiệp đang bị đóng băng. Phụ nữ phải có trách nhiệm thay đổi thực trạng đó”.

Sau khi tốt nghiệp ngành luật, bà Grieco làm việc trong lĩnh vực công nghệ gần 20 năm. Trong đó, bà giữ cương vị Giám đốc điều hành (CEO) Siemens Informatica từ 2003 - 2006, CEO Italtel và sau đó là CEO kiêm Chủ tịch Olivetti từ 2008 - 2013.

Tháng 4/2014, sau khi ông Matteo Renzi trở thành Thủ tướng Italia, ông đã tiến hành công cuộc cải cách và đề cử những vị trí lãnh đạo mới trong một số tập đoàn quốc doanh chủ chốt của Italia. Trên cơ sở đó, ông đã bổ nhiệm ba vị trí lãnh đạo dành cho phụ nữ: bà Emma Marcegaglia tại Tập đoàn Năng lượng Eni, bà Luisa Todini tại Tập đoàn Bưu chính Poste Italiane và bà Patrizia Grieco tại Tập đoàn Điện lực Enel.

Mô tả về công việc trong lĩnh vực công nghệ giai đoạn mới khởi nghiệp của mình, bà Grieco cho biết, bà không chọn công việc đó, mà công việc đã lựa chọn bà và bà thực sự yêu mến nó.

“Tôi đã cố gắng tìm hiểu công việc đó có ích như thế nào và thực hiện nó ra sao. Tôi được đào tạo là một luật sư, song tôi vẫn có thể chỉ ra những gì mình có thể làm, bằng cách cho người khác thấy sự hữu ích của công nghệ và nó có thể được sử dụng ra sao. Bạn không cần phải hiểu từng chi tiết của công nghệ, nhưng cần thấu hiểu công việc cần mình biết rõ về cái gì và có thể giao tiếp về nó ra sao”.

Đó cũng chính là những kỹ năng mà bà Grieco đang áp dụng để quản lý Tập đoàn Điện lực Enel hiện nay. Khó khăn chính của Enel cũng như nhiều doanh nghiệp Ý khác là tập đoàn này đang phải đối mặt với núi nợ khổng lồ, ước tính lên tới 40 tỷ euro. Dưới sự quản lý của Chủ tịch Grieco và CEO Francesco Starace, Enel đang trải qua công cuộc tái cấu trúc và chào bán khoảng 1/5 cổ phần mà Tập đoàn đang nắm giữ trong Endesa (một doanh nghiệp Tây Ban Nha) để trang trải nợ nần.

Theo bà Grieco, các nhà đầu tư đang bị thu hút vào thị trường Ý vì họ có thể lựa chọn mua khối tài sản khá rẻ, song bà cho rằng, đó sẽ không trở thành những khoản đầu tư hiệu quả nếu họ không tin tưởng vào khả năng cải cách sâu rộng đang diễn ra ở Ý, mà Enel chính là một minh chứng.

“Có thể kỳ vọng vào sự thay đổi sau nhiều năm trì trệ đang ở mức rất cao. Chúng tôi cần sự kiên nhẫn nhiều hơn vì mọi sự thay đổi là khó khăn và điều đó phải được thực hiện một cách đồng bộ trên toàn đất nước”, bà Grieco nhấn mạnh.

 

Nhịp cầu Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo