Thị trường

EuroCham công bố Sách Trắng về đầu tư và thương mại của Việt Nam

(DNVN) - Sách Trắng 2016 của EuroCham đề cập đến các vấn đề then chốt về đầu tư trực tiếp nước ngoài, quản trị doanh nghiệp, năng lượng, tăng trưởng xanh, phát triển nguồn nhân lực, quyền sở hữu trí tuệ, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, đối tác công – tư, thuế, vận tải, hậu cần…

Mới đây, cuốn Sách Trắng hàng năm về thương mại và đầu tư của Việt Nam đã được Phòng Thương Mại Châu Âu EUROCHAM lần lượt công bố tại Hà Nội và TP. HCM. Đây là quyển Sách Trắng lần thứ tám nhưng là lần đầu tiên được tổ chức cùng hội thảo, có sự tham gia của nhiều bộ trưởng Việt Nam cùng đại sứ EU, trong bối cảnh Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu đã có hiệp định thương mại tự do FTA.

Nội dung Sách Trắng tập hợp và trình bày một số quan ngại cũng như kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam trên các lĩnh vực quan trọng của môi trường thương mại, đầu tư tại Việt Nam như đầu tư trực tiếp nước ngoài, vận tải-hậu cần, sở hữu trí tuệ… hay cụ thể của từng ngành như dược phẩm, công nghiệp ô tô, xe máy, nông nghiệp thực phẩm…

EuroCham công bố sách trắng về đầu tư và thương mại của Việt Nam.

Chỉ riêng năm ngoái số tiền mà 40.000 người Việt Nam chi trả để ra nước ngoài điều trị đã lên đến 1 tỷ USD, đó là con số mà Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu EuroCham vừa công bố trong buổi giới thiệu Sách Trắng tại Việt Nam, theo sau là kiến nghị về thiết bị y tế, một thị trường dự đoán sẽ lên tới 1,4 tỷ USD, mà 90% là nhập khẩu, và châu Âu là một nguồn quan trọng.

EuroCham là tổ chức bao gồm 900 doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động ở Việt Nam, và sự kiện xuất bản Sách Trắng với 1.500 ấn phẩm được gửi đến các ban ngành có liên quan và quan chức chính phủ.

Các kiến nghị của EuroCham được xếp thành bốn mục chính mà trong mục về nâng cao đời sống người dân đã đặc biệt chú ý đến tình hình y tế và an toàn thuốc men, cũng như an toàn thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ em, cũng như là nhu cầu tiêu thụ điện tăng đều mỗi năm 15%. Theo đó, nếu có khung chính sách rõ ràng thì có thể huy động được vốn đầu tư vào điện gió thay vì phải sử dụng nguồn vốn công.

Trong mục về nhu cầu phải tăng danh mục lựa chọn cho người tiêu dùng, xe hơi và rượu được nhắc đến nhiều nhất qua các quan ngại về thuế suất, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt hay thuế trước bạ.

Nổi bật nhất trong mục về khung pháp lý là hiện tượng tòa án Việt Nam gây khó khăn trong việc công nhận và thực thi phán quyết của trọng tài quốc tế, cũng như vấn đề sở hữu trí tuệ khiến cho ngành công nghệ cao khó phát triển.

 

Trong mục thứ tư về khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, thì một loạt các rào cản hiện nay như chế độ miễn thị thực, hay chất lượng giáo dục, và đặc biệt nhất là thiếu cảng biển nước sâu để tiếp nhận tàu container sẽ khiến cho sự phát triển kinh tế không được bền vững, trong bối cảnh thương mại giữa EU và Việt Nam tăng đều 20% mỗi năm.

Ngoài ra, rất nhiều vấn đề khác được mô tả chi tiết và kiến nghị tỉ mỉ hướng giải quyết cũng như là ví dụ từ các nước châu Âu trong từng ngành nghề và khu vực cụ thể, được EuroCham tổ chức thành các tiểu ban khác nhau trong cuộc hội thảo ở Hà Nội.

Ví dụ như một tham luận về thủ tục hải quan chỉ ra một loạt các rào cản mà ngành này đang gây hại cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Ví dụ như thủ tục nhũng nhiễu, không chấp nhận bản sao điện tử hay kéo dài 5 ngày khiến doanh nghiệp phải tốn kém rất nhiều, hay tranh chấp về giá trị hàng áp thuế.

Điểm cần chú ý trong Sách Trắng là đây không phải là những kiến nghị chung chung về chính sách do các nước EU đề ra, mà chính là từng vấn đề cụ thể mà các doanh nghiệp EU đang hoạt động ở Việt Nam gặp phải và kiến nghị để chính phủ Việt Nam và các ban ngành địa phương phải có câu trả lời và thực hiện theo các giải pháp cụ thể đã trình bày sẵn.

Tuy vậy, theo Sách Trắng 2016, vẫn còn một số điểm mà các doanh nghiệp châu Âu lo ngại khi làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam. Đó là tính thiếu minh bạch, trách nhiệm giải trình và thực hiện khuôn khổ pháp lý. 

 

Giáo dục đào tạo và cung ứng nguồn lao động có chuyên môn cũng là lĩnh vực mà Việt Nam còn yếu. Ngoài ra, cải cách hành chính, thuế doanh nghiệp cũng là vấn đề mà doanh nghiệp châu Âu cho rằng Việt Nam cần thúc đẩy cải cách hơn nữa.

Nên đọc
Tùng Bách
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo