Thị trường

EVN tự nhận yếu kém

Kết thúc năm 2011, EVN đưa ra con số thua lỗ 3.500 tỉ đồng. Đây là con số thấp hơn nhiều so với con số dự báo của chính EVN là khoảng 11.000 tỉ đồng. Lãnh đạo EVN cho rằng để xảy ra thua lỗ là yếu kém của EVN, nhưng cũng là do... chính sách.

 

Bên cạnh đó, EVN cũng tự nhận là đã hoàn thành nhiệm vụ cung cấp đủ điện cho nền kinh tế và đời sống nhân dân. Đồng thời tiếp tục kiến nghị Chính phủ cho thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường.

 

 


Lỗ thấp hơn dự kiến


Năm 2011, với tổng sản lượng điện sản xuất và mua ngoài ngành 106,33 tỉ kWh, EVN cho biết đã hoàn thành nhiệm vụ cung cấp đủ điện cho nền kinh tế và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, dù hoàn thành nhiệm vụ, nhưng EVN lại thua lỗ. Mức thua lỗ theo tính toán của ông Phạm Lê Thanh - TGĐ EVN - đưa ra chỉ là hơn 3.500 tỉ đồng - giảm khoảng 2/3 so với mức dự kiến thua lỗ đầu năm lên tới 11.000 tỉ đồng.


Với mức thua lỗ này, ngành điện 2 năm liên tiếp thua lỗ ở mức cao (năm 2010, mức thua lỗ EVN đã được Kiểm toán Nhà nước xác nhận là 8.040 tỉ đồng). Theo nhìn nhận của ông Phạm Lê Thanh thì để thua lỗ là một yếu kém, thiếu sót của EVN. Tuy nhiên theo ông Thanh, thua lỗ này là do chính sách.

Cụ thể EVN phải thực hiện nhiệm vụ chính trị cùng Chính phủ kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội nên giá điện chưa thể tăng được. Riêng việc giữ nguyên không tăng giá đối với trên 3,8 triệu hộ nghèo dùng điện từ 50kWh trở xuống, EVN đã phải bù lỗ gần 440 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, ông Thanh cũng thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém, tồn tại trong điều hành sản xuất kinh doanh điện. Đó là khâu quyết toán vốn đầu tư chậm. Hiện có tới 10 dự án thuộc danh mục nhóm A đã phát điện nhưng chưa thể nghiệm thu, bàn giao do chưa khắc phục các khiếm khuyết, tồn tại. Đặc biệt, kinh doanh viễn thông là “nỗi đau” của ngành mà Chính phủ vừa có động thái “cứu” EVN Telecom khi cho phép đơn vị này sáp nhập với Viettel.


Điệp khúc “tăng giá điện để bớt khó khăn”


EVN cho rằng tình hình tài chính của EVN đã đặc biệt khó khăn. Với tình hình này, nhiều DN ngành điện cho rằng không biết sẽ phải xoay xở ra sao trong năm 2012.

Ông Nguyễn Phúc Vinh - TGĐ TCty Điện lực Miền Bắc (NPC) - cho biết: Sau khi tiếp nhận hơn 3.500 xã, số lượng khách hàng NPC bán điện trực tiếp tăng gấp 3 lần so với trước đây, khoảng 6,5 triệu hộ, trong đó 2,5 triệu hộ dân có mức sử dụng điện dưới 50kWh: "Năm 2011, NPC được EVN phân bổ khoản lỗ 1.022 tỉ đồng, nhưng chỉ giảm lỗ được hơn 100 tỉ đồng. Chúng tôi không làm gì sai, vấn đề lỗ là do chính sách - ông Vinh cho biết - Có lẽ chúng ta phải quyết tâm minh bạch ngay trong nội bộ ngành?".


Ông Nguyễn Mạnh Hùng - TGĐ TCty Truyền tải điện quốc gia (NPT) - kiến nghị, cần coi truyền tải là ngành hạ tầng cơ sở để có đầu tư thích đáng. Hiện lưới điện liên tục quá tải, nhưng hàng loạt công trình một mình NPT không thể lo đủ vốn. Ông Hùng kiến nghị năm 2012, không có sự giúp sức của EVN thì NPT không thể hoàn thành 6 dự án lưới điện trọng điểm, truyền tải điện từ các nguồn điện sẽ đi vào hoạt động, dẫn đến nguy cơ thiếu điện từ sau năm 2013 ở khu vực phía nam.

Giải pháp cho vấn đề này, theo ông Hùng là cần tăng giá truyền tải điện từ 77đ/kWh hiện nay lên 127đ/kWh. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đồng tình và cho hay: Chính phủ yêu cầu kiên định mục tiêu thực hiện giá điện theo giá thị trường. Tuy nhiên, thời điểm và mức độ tăng giá điện phải tính tới sức chịu đựng của nền kinh tế, mục tiêu kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội.

 

Sự cố tải ngược điện sang phía Trung Quốc vẫn tiếp diễn

Ông Nguyễn Phúc Vinh - TGĐ TCty Điện lực Miền Bắc - cho biết, hiện riêng khu vực các tỉnh phía bắc có 91 nhà máy thủy điện nhỏ của tư nhân đi vào hoạt động, với tổng công suất đặt 500MW, hiện đã phát điện 460MW, sản lượng năm 2011 đạt 1,5 tỉ kWh. Các thủy điện này đang cung cấp điện tại chỗ cho 12 tỉnh, thành phía bắc, hiện đang mua điện từ lưới 220kV của phía Trung Quốc. Do bất cập trong quy định tính chi phí tránh được với thủy điện nhỏ của Bộ Công Thương, dẫn đến việc tất cả các thủy điện nhỏ có khả năng điều tiết theo ngày, đều dành phát điện vào cao điểm tối để được giá. Tuy nhiên, vào thời gian này, do nhu cầu sử dụng điện thấp trong khi năng lực cung ứng tăng cao, dẫn đến lưới điện bị tải ngược sang phía Trung Quốc. “Riêng quý II và III/2011 đã có đến 127 lần lưới điện bị đẩy ngược sang phía Trung Quốc. Chúng ta vừa mất tiền trả tiền mua điện Trung Quốc, trong khi sản lượng bị đẩy sang không có doanh thu” - ông Vinh nói. Nếu không xử lý về giá chi phí tránh được, thì  năm nay sẽ có thêm khoảng 300MW thủy điện nhỏ đi vào hoạt động ở khu vực này sẽ dẫn đến rối loạn trong điều hành.

H.Q

Theo LĐ

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo