Hỗ trợ doanh nghiệp

Facebook, Google đối mặt nguy cơ "dính đòn" từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang lan dần tới Thung lũng Silicon với những gã khổng lồ công nghệ như Facebook, Google sắp "dính đòn".

Chính quyền Trump đang cân nhắc áp thuế lên các thiết bị mạng từ Trung Quốc. Động thái này có thể khiến các công ty cần thiết bị Trung Quốc trong hoạt động điện toán đám mây toàn cầu của họ như Google, Facebook và Amazon, gặp rắc rối, theo giới phân tích.

Các nhà sản xuất chip như Intel cũng đối mặt thuế với chip máy tính. Những công ty Mỹ thường gửi các chip gần hoàn thành sang Trung Quốc để lắp ghép, thử nghiệm và đóng gói. Họ có thể phải trả một khoản phạt khi chúng được đưa trở lại về Mỹ.

Hiện nay, các hãng khổng lồ công nghệ Mỹ vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, lời đe dọa áp thuế lên sản phẩm công nghệ từ Trung Quốc của ông Trump khiến giới lãnh đạo tại Thung lũng Silicon phải lên tiếng bày tỏ lo ngại của họ.

“Mọi người có thể thấy những loại sản phẩm nào đang bị nhắm đến, tôi nghĩ mọi thứ sẽ trở nên thực tế hơn với các công ty công nghệ”, Daniel Ives, chiến lược gia trưởng và đứng đầu nghiên cứu công nghệ tại GBH Insights, nói.

Modem và router xuất hiện trong danh sách 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc có thể chịu thuế 10% khi nhập khẩu vào Mỹ từ sau ngày 30/8 mà chính quyền Trump công bố hôm 10/7. Đánh thuế lên nhóm sản phẩm này gây tổn thương ngành công nghiệp công nghệ, vốn sử dụng các mạng lưới công nghệ thông tin (IT) lớn để vận chuyển sản phẩm cùng dịch vụ trên thế giới.

Trung Quốc chiếm gần một nửa trong số 23 tỷ USD thiết bị mạng lưới IT mà Mỹ nhập khẩu trong 12 tháng, tính đến tháng 4, theo Panjiva, công ty nghiên cứu thương mại toàn cầu của S&P Global Market Intelligence.

Các công ty sẽ cần tìm nhà cung cấp thay thế ngoài Trung Quốc hoặc đối phó với giá cao hơn, theo Chris Rogers, nhà nghiên cứu, phân tích tại Panjiva. Một số nhà cung cấp có thể chuyển địa điểm từ Trung Quốc sang Việt Nam hay Malaysia.

Amazon, Facebook và Google có thể chấp nhận những mức tăng chi phí nhỏ, tạm thời, Ives nhận định. Lo ngại lớn hơn là thuế sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng của họ, gây trì hoãn hoặc làm chậm quá trình xuất sản phẩm.

Hội đồng Công nghiệp Công nghệ thông tin, đại diện cho các hãng IT lớn như Google, Facebook và Microsoft, lên tiếng báo động.

Quyết định của tổng thống trong áp thêm thuế “mà không có mục tiêu rõ ràng hoặc thời điểm kết thúc” sẽ đe dọa cả việc làm và đầu tư Mỹ, hội đồng cho biết.

“Chúng tôi kêu gọi Tổng thống Trump hoãn sự leo thang không cần thiết trước khi có thêm người tiêu dùng và người lao động bị ảnh hưởng”, Dean Garfield, chủ tịch hội đồng, nói.

Các nhà sản xuất chip ở Mỹ cũng lo ngại. Thuế 25% với gần 3 tỷ USD mặt hàng bán dẫn, được đề xuất trong tháng 6, vẫn đang được cân nhắc. Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn, đại diện cho các nhà sản xuất chip của Mỹ như Intel và Qualcomm, gọi kế hoạch đánh thuế là “phản tác dụng”.

“Những thứ đang được nhập khẩu từ Trung Quốc là chip do các công ty Mỹ sản xuất đi qua chuỗi cung ứng Trung Quốc”, Jimmy Goodrich, phó chủ tịch về chính sách toàn cầu của hội đồng, nói. Trong báo cáo ngày 12/7, Fitch Ratings xếp Intel và Texas Instruments vào nhóm dễ bị tổn thương bởi thuế.

“Chất bán dẫn hiện không nằm trong danh sách hàng chịu thuế mà Trung Quốc đưa ra nhưng chúng có thể được đưa vào nếu Bắc Kinh cứng rắn hơn trong nhập khẩu công nghệ”, theo Fitch. “Intel còn đối mặt với chi phí cao hơn khi Mỹ áp thuế với mặt hàng công nghệ”.

Intel, Google, Facebook và Amazon chưa có bình luận.

Các lãnh đạo ở Thung lũng Silicon từng chỉ trích những chính sách của ông Trump về nhập cư và môi trường nhưng họ lại im lặng khi đề cập đến thương mại.

Nổi bật nhất là CEO Apple Tim Cook. Ông từng tới gặp Trump để thảo luận về thương mại trong tháng 4. Cook nói với CNN hồi cuối tháng 6 rằng ông “rất lạc quan” Mỹ sẽ không leo thang trong chiến tranh thương mại với nước khác.

“Đó sẽ là trường hợp đôi bên cùng thất bại. Với một thực tế rõ ràng như vậy, tôi tin cả hai bên đều nhìn thấy”, ông cho biết.

Tuy nhiên, các hành vi thương mại của Trung Quốc vẫn là một vấn đề nhạy cảm trong lĩnh vực công nghệ. Nhiều bên tại Thung lũng Silicon ủng hộ những nỗ lực của chính quyền Washington trong việc ngăn nạn đánh cắp tài sản trí tuệ và tăng khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc cho các công ty Mỹ, ngay cả khi họ còn bất đồng trong việc thuế có phải cách tốt nhất hay không.

Khả năng thuế sẽ áp lên lĩnh vực công nghệ có thể khiến có thêm các giám đốc điều hành buộc phải lên tiếng.

“Nếu chiến tranh thương mại tiếp tục nóng lên với lĩnh vực sản phẩm và dịch vụ công nghệ, tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy có nhiều giám đốc điều hành nối gót Cook”, làm việc với chính quyền Washington, Ives nhận định.

Nên đọc
Theo Người đồng hành
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo