Doanh nghiệp

Facebook tìm cách “thống trị” toàn cầu

Việc thâu tóm ứng dụng tin nhắn WhatsApp liệu có giúp Facebook thực hiện tham vọng chiếm lĩnh thị trường toàn cầu khi mà các ứng dụng nhắn tin khác vẫn đang thống lĩnh một số thị trường khu vực?

Việc Facebook hào phóng chi 19 tỷ USD hiện đang là chủ đề thảo luận sôi nổi trên các diễn đàn hiện nay. Ảnh: Bloomberg.

Thị trường Bắc Mỹ bão hòa buộc Facebook phải tìm kiếm cơ hội tăng trưởng tại các thị trường khác. Việc Facebook sở hữu WhatsApp trong thương vụ trị giá 19 tỷ USD đã mang lại cơ hội cho mạng xã hội này tiếp cận một phân khúc rất lớn trong thị trường tin nhắn toàn cầu.

WhatsApp là một ứng dụng tin nhắn được thành lập năm 2009 tại Mountain View, California bởi hai cựu nhân viên của Yahoo!, Brian Acton và Jan Koum. Song thành công thực sự mà hãng đạt được lại ở bên ngoài Thung lũng Silicon.

Ứng dụng này hiện đang có 450 triệu người sử dụng mỗi tháng và tăng lên khoảng 1 triệu người dùng mỗi ngày. Mark Zuckerberg, Giám đốc điều hành Facebook, tin rằng số lượng người dùng WhatsApp sẽ tăng lên khoảng 1 tỷ người trong vài năm tới. 

Zuckerberg cho biết: “Dịch vụ này chưa thu hút được sự quan tâm của người dùng tại Mỹ. Cộng đồng sử dụng nó nhiều nhất là tại châu Âu, Ấn Độ và Mỹ Latinh. Tới thời điển này, WhatsApp là ứng dụng duy nhất được sử dụng rộng rãi mà chúng tôi biết đến và có số lượng người dùng đang tăng lên hàng ngày với tốc độ nhanh hơn cả Facebook”.

Brian Blau, một nhà phân tích truyền thông xã hội của hãng Gartner, cũng nhận định rằng: “WhatsApp sẽ trở thành một ứng dụng phổ biến trên thế giới và thu hút được người dùng tại những thị trường mà Facebook chưa thể đạt đến”. 

Dựa theo một nghiên cứu của hãng Onavo kéo dài trong vòng một năm, WhatsApp hiện là ứng dụng phổ biến nhất tại châu Âu.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, thương vụ này chỉ mở đường cho Facebook thâm nhập vào thị trường châu Âu cũng như Ấn Độ, còn các thị trường khác tại châu Á vẫn là một bài toán khó cho Facebook khi các công ty bản địa hiện vẫn là người thống trị.

Người Hàn Quốc rất thích sử dụng Kakao Talk. Ứng dụng này hiện đang được cài đặt trên 93% điện thoại thông minh tại nước này, theo số liệu của Nielsen.

Còn ở Trung Quốc, WeChat là ứng dụng tin nhắn phổ biến nhất, thuộc sở hữu của người khổng lồ Tencent, công ty công nghệ có giá trị vốn hóa thị trường lên tới 140 tỷ USD. Ứng dụng này hiện đang có khoảng 230 triệu người dùng hàng tháng.

Trong khi đó, Line là ứng dụng được sử dụng phổ biến nhất ở Nhật Bản và thu về hàng triệu đô la doanh thu cho hãng khi lượng người dùng hàng tháng tăng lên 300 triệu người.

Rakuten, một hãng bán lẻ của Nhật Bản, cũng vừa đồng ý chi 900 triệu USD mua Viber, một ứng dụng nhắn tin phổ biến tại Trung Đông.

Các nước trong khu vực Đông Âu thì thường xuyên sử dụng Telegram, ứng dụng tin nhắn được thành lập năm 2013 bởi Pavel Duorov, nhà sáng lập mạng xã hội VKontakte của Nga.

Facebook không thể mua tất cả những ứng dụng này để thống trị thị trường thế giới. Điều quan trọng mà mạng xã hội này cần phải làm là xây dựng đủ cơ sở trên toàn cầu đủ lớn để cạnh tranh được với các đối thủ trong khu vực. 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo