Quốc tế

G20 chưa tìm đồng thuận về giải quyết bất đồng thương mại

G20 vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về việc giải quyết các xung đột thương mại liên quan đến chính sách thuế của Mỹ.

Kết thúc hai ngày nhóm họp tại Buenos Aires, Argentina, ngày 22/7, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã cùng nhất trí kêu gọi thúc đẩy đối thoại nhằm ngăn chặn sự gia tăng căng thẳng thương mại và địa chính trị, đe dọa đến tăng trưởng toàn cầu, song các bên vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về việc giải quyết các xung đột thương mại liên quan đến chính sách thuế của Mỹ.

Tuy nhìn nhận ra những nguy cơ đối với kinh tế toàn cầu, song hội nghị G20 chỉ dừng lại việc bày tỏ quan ngại mà chưa tìm được tiếng nói chung về cách thức giải quyết căng thẳng thương mại liên quan đến chính sách thuế của Mỹ. Bộ trưởng Kinh tế Argentina Nicolas Dujovne cho rằng các nước G20 đã không thể xóa bỏ các cuộc tranh cãi thương mại mà theo ông cần phải giải quyết trực tiếp thông qua Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO).

 

Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G20 tại hội nghị ở Buenos Aires, Argentina ngày 21/7. Ảnh: EFE-EPA/TTXVN

Trong khi đó, Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế và tài chính Pierre Moscovici cho biết bất đồng quan điểm về căng thẳng thương mại vẫn tồn tại sau hội G20, nhưng các nước đã lắng nghe ý kiến của nhau. Ông nhận định căng thẳng thương mại toàn cầu đang ở mức cao và có nguy cơ leo thang hơn nữa, tạo ra sức ép đáng kể cho hệ thống đa phương. Theo quan chức châu Âu, chủ nghĩa bảo hộ sẽ chỉ gây ra những mất mát chứ không mang lại chiến thắng hay lợi ích cho bất kỳ nước nào. Tuy nhiên, ông Moscovici cũng cho rằng những ảnh hưởng về kinh tế cho tới nay đã được hạn chế.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nêu điều kiện các cuộc đối thoại thương mại giữa Mỹ và EU sẽ chỉ bất đầu một khi Washington dỡ bỏ các mức thuế đối với các sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu và từ bỏ kế hoạch áp thuế đối với ô tô của khối này.

Trước chỉ trích của các nước thành viên G20 về chính sách thuế, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin  cho biết lập trường thương mại của Tổng thống Donald Trump không phải là chính sách bảo hộ, song ông chủ Nhà Trắng muốn một nền thương mại tự do và công bằng cho Mỹ.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Mnuchin nêu rõ Mỹ ủng hộ ý kiến về tầm quan trọng của thương mại đối với nền kinh tế toàn cầu, nhưng sự giao thương phải diễn ra "công bằng và có đi có lại". Liên quan đến bất đồng thương mại EU, Bộ trưởng Mnuchin khẳng định Washington muốn giải quyết căng thẳng với các đồng minh EU và hai bên có thể nhất trí về thương mại không thuế quan, rào cản và trợ giá.

Cùng quan điểm phản đối các biện pháp thuế trả đũa, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde cho rằng xung đột thương mại có thể giải quyết thông quan hợp tác quốc tế mà không cần đến bất kỳ biện pháp đặc biệt nào. Mới đây, IMF đã cảnh báo trong trường hợp xấu nhất, tới năm 2020, thế giới có thể thiệt hại 0,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, tương đương 430 tỷ USD.
Cùng ngày, tại cuộc gặp bên lề, Bộ Tà
i chính Hàn Quốc cho biết nước này và Trung Quốc đã nhất trí thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế theo cách có lợi cho cả hai nước.

 

Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Kim Dong-yeon và người đồng cấp Trung Quốc Lưu Khôn cũng đã nhất trí hỗ trợ doanh nghiệp hai nước thành lập liên doanh để các doanh nghiệp này có thể vào các nước thứ ba. Bên cạnh đó, hai bên cũng nhất trí nỗ lực đẩy nhanh các cuộc đàm phán tiếp theo về dịch vụ và đầu tư theo thỏa thuận mậu dịch tự do song phương.

Nên đọc
Theo TTXVN/Báo Tin tức
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo