Góc nhìn

Giá điện tăng: Thêm cơ hội để thu hút đầu tư sản xuất điện

Bên cạnh giá điện, những vấn đề liên quan đến khung pháp lý, các chính sách hỗ trợ cũng ảnh hưởng đến việc kêu gọi thu hút đầu tư vào sản xuất điện ở Việt Nam. Đây là ý kiến của TS. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam trong cuộc trao đổi với Báo Hải quan về vấn đề này.

TS. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam.

 

Ông có thể đánh giá khái quát tình hình sản xuất, tiêu thụ điện ở Việt Nam như thế nào?

 

Trong vòng vài chục năm gần đây nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam tăng nhanh, tốc độ tăng nhanh nhất trong khu vực, kể cả so với thế giới. Thời kỳ tăng trưởng mạnh nhất, mỗi năm Việt Nam tăng 14-15% tổng sản lượng điện. Hiện nay do tình hình kinh tế đang chững lại, con số này rơi vào khoảng 12-13%. Tốc độ này được đánh giá là vẫn cao so với các nước trong khu vực.
 
Theo tính toán của các tổ chức năng lượng thế giới cũng như Ngân hàng thế giới, nhu cầu đầu tư cho ngành điện Việt Nam trong giai đoạn hiện nay từ 4-6 tỷ USD/năm. Nếu đà tăng trưởng này không giảm thì số vốn đầu tư, đặc biệt là ngoại tệ cho ngành điện ngày càng cao.
 
Vậy thu hút đầu tư sản xuất điện có đáp ứng được nhu cầu này không, thưa ông?
 
Trước nhu cầu đó, bản thân ngành điện và Chính phủ không thể đủ sức đáp ứng được, do đó lối thoát là phải thu hút đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau như nguồn đầu tư từ các DN tư nhân và các tổ chức trong nước, nguồn đầu tư từ nước ngoài.
 
Thời gian vừa qua ngành điện cũng thu hút được khá nhiều nguồn vốn đầu tư trong nước. Ví dụ như bằng việc thành lập Tổng công ty Điện lực Dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã mở ra hướng đầu tư kinh doanh về điện năng và đã có sự đầu tư khá mạnh. Hiện nay thị phần của họ khá tốt với khoảng 14-15%, trong tương lai hướng phấn đấu của PVN là đạt khoảng 20-25%, chiếm một lượng rất đáng kể trong sản xuất điện ở Việt Nam. Hoặc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng đầu tư khá nhiều dự án nhiệt điện than, thủy điện... Một số nhà sản xuất tư nhân, thủy điện vừa và nhỏ những năm qua đã đóng góp khá tích cực cho sản xuất điện năng.
 
Tuy nhiên, thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất điện còn hạn chế. Chưa thấy thông tin nào tích cực về ý định của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành điện. Trước đây có vài công trình, nhưng đầu tư vào thời kỳ đó, các chủ đầu tư mong muốn giá điện sẽ tăng nhanh, kịp với khu vực và thế giới nhưng 20 năm qua giá điện Việt Nam có tăng nhưng chậm. Khoảng 2-3 năm gần đây giá điện liên tục tăng. Đến thời điểm này mình đã gần bắt kịp với mức giá trung bình của khu vực.
 
Hiện nay giá điện đã tăng lên 9,5%, cùng với đó là lộ trình xây dựng thị trường điện cạnh tranh đang được được quan tâm phát triển. Vậy đây có phải là cơ hội để sản xuất điện của Việt Nam kêu gọi được nhiều nhà đầu tư hay không?
 
Muốn thu hút được đầu tư vào các dự án điện thì vấn đề đầu tiên là giá điện. Đầu tư cho ngành điện cũng như cho bất cứ ngành nào cũng thế, chủ đầu tư phải cảm thấy họ có cái lợi chắc chắn thì họ mới làm.
 
Thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất điện của Việt Nam còn hạn chế cơ bản là do giá điện thấp, dẫn đến lợi nhuận không đảm bảo yêu cầu của nhà đầu tư, chưa kể những rủi ro khác dẫn đến thua lỗ. Chẳng hạn, đầu tư thủy điện phụ thuộc thời tiết, nhiệt điện phụ thuộc giá nhiên liệu đầu vào, nếu giá nhiên liệu tăng nhanh mà giá điện tăng không kịp thì nhà đầu tư sẽ bị thiệt. Chính những câu chuyện này dẫn đến nhà đầu tư phân vân không biết có nên đầu tư vào ngành điện hay không.
 
Theo lộ trình, giá điện tăng sẽ tạo cơ hội để kêu gọi đầu tư sản xuất điện, nhưng có thực sự hấp dẫn hay không thì chưa rõ. Với thị trường điện cạnh tranh, Chính phủ đang đôn đốc đẩy nhanh tiến độ nhưng lực cản còn lớn. Tình trạng độc quyền đã từng bước được giảm dần, nhưng tốc độ thị trường hóa vẫn chậm. Thị trường phát điện cạnh tranh vẫn chưa thực chất.
 
Hiện nay thủy điện gần như Việt Nam đã hết tiềm năng, loại hình nhiệt điện khí thường do những nhà đầu tư khai thác mỏ khí đề xuất xây dựng nhà máy điện chạy khí trên bờ và dẫn khí từ mỏ vào, loại hình năng lượng tái tạo hiện đang để mở, nhưng muốn có lãi thì Nhà nước phải bù giá nhiều mới đảm bảo lợi ích, dự án điện hạt nhân do Nhà nước nắm. Như vậy, để đầu tư chủ yếu còn lại các dự án nhiệt điện.
 
Theo ông, để thu hút được các nhà đầu tư tham gia vào các dự án sản xuất điện, cần lưu ý những vấn đề gì?
 
Để tăng trưởng khả năng đầu tư cho ngành điện, chúng ta phải có giá điện hợp lý, đảm bảo cho nhà đầu tư có lợi nhuận chắc chắn, ngang bằng với lợi nhuận khi đầu tư vào các ngành khác. Ngoài giá điện, để kêu gọi thu hút đầu tư vào ngành điện còn nhiều vấn đề: hệ thống chính sách, khung pháp lý phải đảm bảo, chính sách thuế đối với nhà đầu tư nước ngoài, quy định về XNK thiết bị trong giai đoạn đầu tư lắp ráp, vấn đề chuyển đổi ngoại tệ khi thanh toán, tạo điều kiện thuận lợi trong giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà máy, chế độ cho lực lượng lao động làm việc trong nhà máy... Nói tóm lại, ngoài giá điện còn phải giải quyết vấn đề khung pháp lý, cũng như các chính sách liên quan đến đầu tư nước ngoài.
 
Đơn cử, thời gian qua nhà đầu tư quan ngại việc chuyển đổi giữa đồng tiền Việt Nam và ngoại tệ. Khi ký hợp đồng bán điện cho Việt Nam thì ký bằng tiền đồng, nhưng chuyển tiền về nước thì nhà đầu tư phải chuyển đổi sang ngoại tệ, đã có một số khó khăn vướng mắc liên quan đến việc chuyển đổi này khiến nhà đầu tư e ngại.
 
Xin cảm ơn ông!
 
Theo Hải Quan
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo