Thị trường

Giá lợn hơi chạm đáy, kêu gọi doanh nghiệp chia sẻ với nông dân

Trước thực trạng giá lợn hơi thấp nhất thế giới, Bộ trưởng NNPTNT kêu gọi doanh nghiệp chia sẻ với nông dân để nuôi dưỡng thị trường lâu dài.

Trước tình hình nguy cấp của ngành chăn nuôi, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường kêu gọi các doanh nghiệp chăn nuôi phải có trách nhiệm chia sẻ cùng bà con, thậm chí trong thời điểm này bán hàng không cần lấy lãi, theo tin tức trên báo Infonet. 

Sáng 24/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp nhằm tìm giải pháp ổn định, phát triển ngành chăn nuôi.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc họp. Ảnh Infonet.

Cục Chăn nuôi cho biết, giá thịt lợn hơi loại tốt (khối lượng trung bình từ 100-110kg/con) đã xuống thấp dưới 28.000 đồng/kg, có nơi xuống dưới 25.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại, nhất là trong những tháng mùa hè sắp tới. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, có hai nguyên nhân chính khiến giá lợn giảm sâu.

Thứ nhất là do cung lớn hơn cầu. Trong 15 năm qua, chăn nuôi trong nước đạt mức tăng trưởng cao. Như sữa tăng trưởng 15 lần, đạt 800.000 tấn; thịt các loại tăng hơn 3 lần, từ 1,8 triệu tấn lên 5,4 triệu tấn; nuôi trồng thủy sản tăng 4,3 lần, từ 0,8 triệu tấn lên 3,6 triệu tấn…
Nhờ mức tăng trưởng này đã thỏa mãn nhu cầu trong nước, nhưng cũng làm thay đổi cơ cấu thực phẩm trong bữa ăn.

“20 năm trước, trong mâm cơm chủ yếu thịt lợn thì nay đã khác, thêm trứng, sữa, thịt gà, bò…làm đè nặng, áp lực hơn sức cầu thịt lợn”, Bộ trưởng cho hay.

Thứ hai là nguyên nhân tổ chức ngành hàng chưa tốt. Cụ thể, trong tổ chức sản xuất, quy mô trang trại vừa và lớn chỉ chiếm 45%, còn 55% là quy mô hộ nhỏ lẻ.

“Chúng ta có xấp xỉ 3 triệu hộ chăn nuôi lợn dẫn đến giá thành cao, rất khó kiểm soát chuỗi. Hầu hết sản xuất nhỏ nên tách rời các khâu: nuôi, chế biến, phân phối… khi thị trường có sự cố rủi ro như bây giờ rất thiệt thòi cho người chăn nuôi”, Bộ trưởng cho hay.

 

Tại cuộc họp, đại diện Công ty CP Việt Nam cho biết, để giải toả được khối lượng thịt càng nhiều càng tốt, công ty này đã tăng cường bán thịt theo miếng, chế biến thành xúc xích, thuê kho cấp đông, tăng cường chế biến sâu. Công ty CP cũng hứa sẽ giảm đàn lợn và giá thức ăn để giúp người nông dân, báo Vnmedia đưa tin.

Tuy nhiên, theo Công ty, một số nông dân đang cố gắng vay mượn để giữ đàn lợn, mong rằng bán được ra nước ngoài. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách rõ ràng, để người nông dân có hướng chăn nuôi.

Còn theo đại diện Công ty Dabaco, đơn vị này đã giảm giá thức ăn 5-7% từ tuần trước, giảm giá bán con giống, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho người chăn nuôi, không để dịch bệnh xảy ra. Không tiếp tục tăng đàn, nhưng áp dụng kỹ thuật để nâng cao năng suất lợn nái. Dabaco đang tính toán xây nhà máy giết mổ lợn, sẽ triển khai trong năm 2017.

Ông Võ Việt Dũng Tổng giám đốc Công ty chế biến thực phẩm Nam Hà Nội cho biết, hiện giá lợn xuống quá thấp. Tại thủ phủ chăn nuôi của miền Bắc là tỉnh Hà Nam, phần lớn là lợn quá lứa, trọng lượng từ 1,4 tạ/con, giá chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/con nhưng người chăn nuôi vẫn không bán được. Công ty sẽ cố gắng tăng lượng thu mua để cấp đông để đẩy mạnh tiêu thụ lượng lớn lợn quá lứa trong dân.

“Chúng tôi cũng sẽ giảm giá bán thịt từ ngày mai, giảm giá bán thịt cho các trường học, cho nhóm công nhân để họ được ăn thịt sạch với giá bình dân”, ông Dũng cho cho biết.

 

Có một nghịch lý đang diễn ra, đó là hiện nay dù giá lợn đang giảm thê thảm nhưng tại các chợ hay siêu thị, giá thịt lợn lại chỉ giảm không đáng kể. Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cho rằng, Bộ Công Thương phải thể hiện vai trò của mình trong vấn đề này.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đưa ra các giải pháp khẩn cấp. Theo đó, giải pháp căn cơ là phải tái cơ cấu ngành chăn nuôi lợn, giảm quy mô đàn. Đồng thời, tập trung tổ chức lại ngành hàng, đặc biệt là quy mô nông hộ, giảm tình trạng nuôi nhỏ lẻ như hiện nay. 

“Nếu cứ để tồn tại 3 triệu nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như hiện nay thì sẽ còn rủi ro, tình trạng thừa thịt lợn sẽ còn xảy ra. Bộ NN&PTNT sẽ thúc đẩy thành lập Hiệp hội thịt lợn để tăng tính liên kết.” Bộ trưởng nói.

Theo ông Cường, cần phải tăng cường chế biến sâu, đa dạng sản phẩm cho thị trường; mở rộng xuất khẩu theo đường chính ngạch, xúc tiến xuất khẩu thịt lợn tại một số nước Asean và một số thị trường khác…

Nên đọc
Diệu Tâm (Tổng hợp theo báo Infonet, Vnmedia)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo