Thị trường

Giá phân bón cao do độc quyền

Giá bán phân bón tới tay nông dân vẫn ở mức cao.Với vị thế độc quyền, các công ty sản xuất phân bón trong nước đang thao túng giá bán.

Sản xuất phân bón tại Nhà máy đạm Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Giá dầu giảm mạnh kéo theo giá nguyên liệu đầu vào của phân bón là khí cũng giảm theo, thế nhưng giá bán phân bón tại thị trường trong nước tới tay nông dân vẫn ở mức cao.

 

Với vị thế độc quyền, các công ty sản xuất phân bón trong nước đang thao túng giá bán.

 

Vẫn giữ giá cao

 

Trong gần sáu tháng qua, Công ty TNHH Sitto Việt Nam (trụ sở tại Biên Hòa, Đồng Nai) mua phân urê của một nhà máy sản xuất tại Việt Nam với giá khoảng 7.450 đồng/kg, chưa kể tiền vận chuyển.

 

Đây là đầu vào quan trọng trong sản xuất phân NPK và công ty này chọn mua hàng trong nước thay vì hàng nhập khẩu có giá rẻ hơn nhưng hàng về không đều. 

 

Dù biết giá xăng dầu giảm mạnh thời gian qua sẽ tác động đến giá thành sản xuất phân urê trong nước (do giá khí là đầu vào sản xuất phân đạm và giá vận chuyển) nhưng đại diện Công ty Sitto cho biết họ vẫn chưa thấy nhà sản xuất giảm giá.

 

“Giá bán ra là do các nhà sản xuất quyết định dựa trên cân đối cung cầu và mùa vụ bán ra. Chúng tôi căn cứ giá đầu vào này để tính giá thành sản xuất và giá bán phân bón NPK trên thị trường” - đại diện Sitto cho hay.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hai nhà máy sản xuất urê lớn nhất Việt Nam hiện nay là đạm Phú Mỹ và đạm Cà Mau (đều có công suất 800.000 tấn/năm), giá khí nguyên liệu chiếm 70% giá thành sản xuất.

 

Trong đó, giá khí tính theo công thức bằng 46% giá dầu nhiên liệu FO (dầu mazut) nên khi giá dầu thế giới giảm tới 45% so với thời điểm cao nhất của năm 2014, về lý thuyết giá khí sẽ giảm tương ứng. Thế nhưng giá phân bón thời gian qua không thay đổi.

 

Cụ thể, từ giữa năm 2014 đến nay giá phân bón vẫn dao động mức 7.500-7.700 đồng/kg (phân urê). Khảo sát của Tuổi Trẻ ngày 23-12, giá urê tại chợ Trần Xuân Soạn (Q.7, TP.HCM) vẫn ở mức 7.700-7.800 đồng/kg, giá bán đến tay người dân ở các tỉnh sẽ ở mức 8.300-8.400 đồng/kg.

 

Giải thích việc chưa thể giảm giá, ông Dương Trí Hội - phó tổng giám đốc phụ trách bán hàng Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí (PVFCCo) - cho biết đúng là chi phí giá khí chiếm trên 70% tổng giá thành sản xuất đạm Phú Mỹ nên khi giá dầu tăng, giá khí sẽ tăng hoặc ngược lại.

 

Vừa qua khi giá dầu giảm, PVFCCo chưa điều chỉnh giảm giá bán trực tiếp đạm Phú Mỹ do thời điểm này giá urê trên thị trường thế giới không có biến động giảm theo giá dầu.

 

Trong khi đó vụ đông xuân sắp đến, nhu cầu sử dụng phân bón sẽ tăng, nếu PVFCCo giảm giá bán sẽ có hiện tượng thương nhân gom hàng xuất khẩu, ảnh hưởng tới nguồn cung trong nước, dễ xảy ra sốt giá cục bộ.

 

Vừa qua khi giá dầu xuống dưới 80 USD/thùng, PVFCCo đã hỗ trợ chi phí vận chuyển từ nhà máy đến các kho trung chuyển cho khách hàng, việc này đã gián tiếp giảm giá bán đạm Phú Mỹ đến tay nông dân.

 

Vẫn theo ông Hội, tới thời điểm này giá phân bón các loại trong nước và quốc tế vẫn ổn định vì giá amoniac (NH3) - một nguyên liệu đầu vào chính để sản xuất urê và các loại phân bón DAP, NPK - lại tăng rất cao, lên mức trên 600 USD/tấn.

 

“Đây chính là nguyên nhân thời gian vừa qua giá dầu giảm sâu nhưng giá phân bón trên thế giới không giảm. Tuy nhiên, nếu giá dầu vẫn duy trì ở mức thấp như hiện nay, chắc chắn giá phân bón năm 2015 sẽ có lợi cho sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân” - ông Hội giải thích.

 

Độc quyền!

 

Không đồng tình với cách giải thích trên, các công ty kinh doanh phân bón và chuyên gia nông nghiệp cho rằng lý do đưa ra để giữ giá của các công ty sản xuất phân bón là không hợp lý và có dấu hiệu độc quyền.

 

Theo bà Lê Thị Phi Vân (Viện Chiến lược và chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn - IPSARD, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), giá phân bón thời gian qua bị các nhà sản xuất áp đặt do độc quyền.

 

Hiện cả nước có bốn nhà sản xuất urê chính là Nhà máy đạm Phú Mỹ (công suất 800.000 tấn/năm), Nhà máy sản xuất phân urê Cà Mau (800.000 tấn/năm), Nhà máy phân urê Ninh Bình (560.000 tấn/năm), Nhà máy đạm Hà Bắc (500.000 tấn/năm). 

 

Xét về cơ quan chủ quản, hai nhà máy đầu tiên thuộc về Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và hai nhà máy còn lại thuộc Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) nên thực chất toàn bộ nguồn cung phân đạm trong nước chỉ do hai đơn vị nói trên sản xuất và cung ứng.

 

Chỉ tính riêng PVFCCo, đơn vị này đã chiếm 40% thị phần urê toàn quốc, trong đó cao nhất là khu vực Đông Nam bộ (chiếm 75%), khu vực miền Trung - Tây nguyên (chiếm 70%), khu vực Tây Nam bộ (chiếm 35%) và miền Bắc (chiếm 25%).

 

“Một ngành phân bón urê chỉ có hai đơn vị cung cấp như vậy là độc quyền. Chính vì vậy có thể bị điều chỉnh” - bà Vân cho biết.

 

Vẫn theo bà Vân, một điều vô lý là vào thời điểm Việt Nam chưa sản xuất đủ phân urê, với lý do giá thế giới tăng cao, các công ty trong nước (dù giá thành sản xuất rẻ hơn nhiều vì được trợ giá) cũng tăng giá bán “để bằng với thế giới”.

 

Thế nhưng khi giá thế giới giảm mạnh thì cũng chính các nhà sản xuất trong nước lại tìm nhiều cách để duy trì giá bán, thậm chí vận động chính sách để hạn chế phân bón nhập khẩu giá rẻ về nước.

 

Điển hình là hồi đầu năm 2014, Vinachem đã đề nghị Nhà nước nâng thuế với phân bón nhập khẩu vì lượng hàng nhập về nhiều, giá rẻ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh doanh của các đơn vị thành viên của họ.

 

Và đến ngày 10-9, Bộ Tài chính đã tăng thuế nhập khẩu phân urê từ 3% lên 6% sau khi tăng từ 0% lên 3% hồi đầu năm.

 

Ông Vũ Duy Hải, tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinacam(TP.HCM), cho biết bằng việc tăng thuế và mới đây là áp dụng giấy phép nhập khẩu tự động đối với mặt hàng phân bón, cơ quan quản lý Việt Nam đã đóng cửa với phân bón giá rẻ của thế giới để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước thay vì người dân.

 Lợi nhuận khủng!

 

Một chuyên gia về thị trường vật tư nông nghiệp cho hay công thức để sản xuất 1 tấn urê cần 27 MMBTU khí (1 MMBTU = 28,26m3 khí). Khi giá khí bán cho đạm Phú Mỹ và Cà Mau ở thời điểm cao nhất là 7,4 USD/MMBTU (hồi giữa năm 2014) thì giá thành sản xuất đạm ở mức khoảng 6.000 đồng/kg. Giả sử giá khí bán cho đạm Phú Mỹ chỉ cần giảm 30% (trong khi giá dầu giảm 45%) thì giá thành sản xuất đạm Phú Mỹ và Cà Mau sẽ ở mức 4.200 đồng/kg, trong khi giá bán ra của họ hiện là 7.500 đồng/kg.

Theo Tuổi trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo