Phân tích

Giá vàng trước thách thức kinh tế thế giới

(DNVN) - Từ đầu năm 2016, giá vàng diễn biến theo chiều hướng tăng dần và đã tăng tổng cộng gần 28% so với đầu năm, riêng trong phiên giao dịch ngày 2/8, giá vàng giao tháng 12/2016 đã tăng lên 1.372,6 USD/oz, cao nhất kể từ ngày 06/7/2016 và cũng là mức giá cao nhất kể từ tháng 3/2014.

Nguyên nhân cơ bản khiến giá vàng hồi phục mạnh là do kinh tế toàn cầu tiếp tục xu hướng tăng chậm dần, các tổ chức kinh tế - tài chính quốc tế liên tục hạ triển vọng GDP toàn cầu năm 2016 và 2017, hoạt động đầu tư và thương mại giảm mạnh, giá cả các loại hàng hóa tiếp tục đứng ở mức thấp. Trong đó, sự thay đổi về kỳ vọng chính sách tiền tệ tại các nước phát triển có tác động rất lớn trong việc hỗ trợ vàng tăng giá. Đây là những yếu tố tác động trực tiếp đến diễn biến thị trường và chi phối quyết định của các nhà đầu tư theo hướng tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn hơn, trong đó có vàng.

Vào thời điểm lãi suất của các kênh đầu tư khác đang giảm mạnh, thậm chí xuống dưới mức 0%, đặc biệt là sau khi Vương quốc Anh quyết định rời Liên minh châu Âu, vàng được coi là nơi trú ẩn an toàn của các nhà đầu tư. Ngày 02/8/2016, lượng vàng nắm giữ của Quỹ Tín thác lớn nhất thế giới SPDR tăng 0,6% lên 969,97 tấn, mức tăng cao nhất kể từ cuối tháng 6/2016. Xu hướng vàng tăng giá cũng khiến các nhà đầu tư bán lẻ đẩy mạnh mua vàng để bảo vệ những khoản tiết kiệm khỏi lạm phát do lo ngại ngày càng tăng từ chương trình nới lỏng định lượng của các ngân hàng trung ương (NHTW).

Ảnh minh họa.

Từ đầu năm nay, giá vàng thế giới diễn biến theo chiều hướng tăng dần trong bối cảnh USD mất giá và hàng loạt các nước tiến hành nới lỏng tiền tệ, chủ yếu thông qua nghiệp vụ truyền thống là tiếp tục giảm lãi suất và bơm thêm vốn vào nền kinh tế.

Đầu tiên là động thái của NHTW châu Âu (ECB), được công bố vào ngày 10/3/2016. Cụ thể là ECB đã quyết định giảm lãi suất tái cấp vốn từ mức 0,05% xuống 0%, giảm lãi suất cho vay thanh khoản từ 0,3% xuống còn 0,25%, giảm lãi suất tiền gửi ngân hàng từ âm 0,3% xuống âm 0,4%. Đồng thời, điều chỉnh mở rộng chương trình mua trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp thêm 20 tỷ euro lên 80 tỷ euro/tháng nhằm kích thích nền kinh tế và đẩy lạm phát lên.

Tại biên bản cuộc họp diễn ra vào ngày 15-16/6/2016, bên cạnh việc từ bỏ chính sách thắt lưng buộc bụng, NHTW Nhật Bản quyết định nới lỏng chính sách tài khóa khi khởi động gói kich thích kinh tế mới trị giá 4.600 tỷ yên (tương đương 45 tỷ USD) trong năm tài khóa 2016 nhằm thúc đẩy nền kinh tế Nhật Bản đang gặp khó khăn.

Trong phiên họp ngày 04/8/2016, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) quyết định hạ lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục 0,25% từ mức lãi suất 0,5% vốn được duy trì từ tháng 3/2009. Đồng thời, mở rộng chương trình nới lỏng định lượng thêm 60 tỷ bảng lên 435 tỷ bảng nhằm khuyến khích đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thời kỳ hậu “Brexit.” BoE cũng hạ mức dự báo tăng trưởng GDP xuống 0,8%, giảm sâu từ mức 2,3% trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý.

Từ đầu năm nay, NHTW Trung Quốc (PBC) tiếp tục mở rộng các chương trình tín dụng nhằm chặn đà suy giảm tăng trưởng và đối phó với những khó khăn trước mắt, bất chấp những cảnh báo về rủi ro dài hạn khi nợ doanh nghiệp và quốc gia đang nằm trong ngưỡng nguy hiểm. Thậm chí, PBC có thể sẽ tiếp tục phá giá nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu do nỗ lực chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng cân bằng hơn đang vấp phải nhiều khó khăn.

 

Trong báo cáo cập nhật của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về triển vọng kinh tế toàn cầu, kinh tế Mỹ năm 2016 dự kiến chỉ tăng 2,2%, giảm 0,2% so với dự báo đưa ra hồi tháng 4/2016, phản ánh nhu cầu toàn cầu yếu ớt và hoạt động đầu tư trầm lắng.

Theo nhận định do nhóm nghiên cứu toàn cầu của Bank of America Merrill Lynch (BofA) đưa ra vào ngày 08/7/2016, giá vàng sẽ tăng thêm 10% kể từ nay cho tới cuối năm 2017 lên mức giá 1.500 USD/oz. Nhóm này cho biết, thế giới đi từ cuộc khủng hoảng này tới cuộc khủng hoảng khác và điều đó sẽ không thay đổi. Trong đó, sự kiện “Brexit” đang giúp giá vàng tăng thêm. Tại báo cáo này, BofA cũng đã nâng dự báo giá vàng trung bình trong năm 2017 từ 1.325 USD/oz lên 1.475 USD/oz.

Trả lời phóng viên Kênh Tiêu dùng và Kinh doanh (CNBC) vào ngày 08/7/2016, chuyên gia Barry Dawes của công ty Paradigm Securities còn đưa ra dự báo cao hơn. Cụ thể là, giá vàng sẽ đạt mức 1.500 USD/oz vào cuối năm 2016 và không loại trừ khả năng tăng lên mức giá kỷ lục 1.900 USD/oz từng đạt được vào năm 2011. Theo ông, nhu cầu mua vàng tại châu Á vài năm trở lại đây là rất cao và điều đó khiến vàng bị hút hết hỏi các nước phương Tây và thị trường ở đây thu hẹp khá nhiều.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác tỏ ra thận trọng và không quá lạc quan với giá vàng. Ngân hàng UBS cho rằng, giá vàng sẽ đạt trung bình 1.400 USD/oz trong năm tới, trong khi Goldman Sachs lại cho rằng giá vàng sẽ tăng nhưng không thể quá cao.

Nên đọc
Hoàng Thế Thỏa
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo