Văn hóa

Giải mã những lời đồn rùng rợn ở ngôi đền 'nuốt người' tại Hải Dương

Người ta đồn rằng, chốn hậu cung của ngôi đền ấy như một cái máy "nuốt người". Khi con người bước vào hoặc chỉ cần đi ngang qua ghé mắt nhìn vào là có thể phải trả giá bằng cái chết.

Nhiều năm qua, tại địa phương này có nhiều cái chết bí hiểm mà người dân đồn thổi có liên quan đến ngôi đền. Có lẽ vì thế mà ngôi đền Cao (xã An Lạc, huyện Chí Linh, Hải Dương) trở nên bí hiểm hơn. Một đồn mười, mười đồn trăm, ai đến lễ đền cũng dặn mình "chừa chốn hậu cung ấy ra". Tuy nhiên, theo một đại diện của Ban quan lý đền, đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Những lời đồn rợn người chưa được kiểm chứng

Nhiều năm qua, người dân thôn An Lạc luôn truyền tai nhau những câu chuyện rùng rợn về một số người vì phạm phải điều cấm kỵ của ngôi đền mà gặp phải những rủi ro. Từ khi tin đồn trên xuất hiện, người trong làng không ai dám bén mảng đến khu vực hậu cung.

Họ cho rằng, đó là nơi linh thiêng không dành cho người phàm tục. Khi có lữ khách thập phương tới, các cụ cao niên lại dặn dò rất cẩn thận rằng: "Mọi người nên chừa cái chốn hậu cung ấy ra và chỉ lễ tạ phần bên ngoài thôi. Hơn nữa, khi làm lễ phải thắp nhang đen và mang lễ chay vào đền, không thì thánh sẽ quở phạt".

Được biết, có nhà nhiếp ảnh tò mò chuyện lạ khi ngang qua mảnh đất địa linh nhân kiệt này đã hướng máy ảnh nhằm chốn hậu cung kỳ bí chụp. Nghe nói ông này muốn chứng tỏ rằng không có những điều hoang đường như lời đồn thổi của người dân. Đến lúc về nhà, ảnh đâu không thấy, chỉ thấy một màu đen sì sau mỗi thước phim. Người dân nơi đây kháo nhau rằng, không lâu sau khi chụp ảnh hậu cung, ông nhiếp ảnh và người thân trong gia đình đều mắc phải những cái chết tức tưởi như cảm gió, xe đâm...

Bỏ qua những lời đồn thổi chết chóc, người đến lễ đền Cao mong bình an vẫn rất đông.

Lại có chuyện về đám thanh niên làng bên hò nhau ăn thịt chó trước khi lên đền cúng lễ để chứng tỏ không có chuyện kiêng kỵ khi lên đền. Khi ăn uống no say xong, họ chưa kịp lên đến cửa đền thì có người trượt chân ngã ngay trước cầu thang rồi thành bại liệt cả đời. Nhiều người còn nhớ cả chuyện cách đây hơn mười năm, có người khách đến đền cúng lễ, bỏ qua mọi lời nhắc nhở của người dân bản địa mà tò mò nhìn ngang ngó dọc hậu cung.

Thậm chí, người này còn đưa ra những lời bình luận này nọ về các vị tượng. Một thời gian ngắn sau đó, người hương nhang ở đền thấy cô cháu gái họ xa với người khách lạ đến để tạ lễ. Cô này cho hay bác mình đã mất sau một tai nạn. Không những vậy, ông bác có hai người con thì cả hai đều gặp tai ương, người làm ăn thua lỗ phải ở tù, người bị lừa phải bán cả gia sản. Cô cháu một lần vô tình được người mách nước là nhà bác phạm với thánh nên theo lời hướng dẫn tìm đến đền này để lễ tạ.

Sống để dạ, chết mang theo

Những câu chuyện rùng rợn cứ thế tồn tại quanh khu đền thiêng khiến nhiều người mới nghe đến đền Cao đã phải giật mình. Theo chân anh Phan Minh Đức (SN 1980), Ban quản lý di tích thị xã Chí Linh, cũng là người trực tiếp phụ trách quản lý khu đền Cao, chúng tôi được mục sở thị ngôi đền thiêng với phong tục đặc biệt tồn tại cả nghìn năm ở làng quê yên bình này.

Theo quan sát của PV, ngôi đền nằm uy nghi giữa một đồi lim um tùm. Chỉ nhìn qua các tán lá cũng đủ biết rừng cây này đã nghìn năm tuổi. Anh Đức cho biết: "Tôi làm quản lý ở đây chưa lâu nhưng cũng nghe khá nhiều chuyện được thêu dệt về chốn hậu cung. Sự linh thiêng thì tôi phải khẳng định là có tuy nhiên chuyện chết chóc tang ma có chăng chỉ là những sự trùng hợp".

 

Qua anh Đức, chúng tôi được tiếp chuyện với ông Nguyễn Công Văn, Trưởng ban Khánh tiết ở khu đền. Nói chuyện với ông, những câu chuyện mang giá trị văn hóa của chốn hậu cung được hé mở. Ông Văn cho biết: "Đền đã có từ cách đây hơn 1000 năm.

Từ khi xuất hiện đến nay, một lời nguyền đã được truyền từ đời này qua đời khác mà bất cứ ai đã là dân ở An Lạc đều thuộc lòng: "Biết không được nói, không biết không được hỏi". Người trong làng cả nghìn năm nay cứ nhớ lời nguyền đó mà theo, không ai dám làm trái. Dù rất tò mò nhưng cũng không ai dám hỏi. Chính vì thế mà ngôi đền càng trở nên bí hiểm trong mắt khách thập phương. Sự uy nghiêm của đền cũng có được từ những quy định hết sức nghiêm ngặt".

Lệ làng nơi đây quy định, những người vào trong cung cấm chỉ có sáu ông bao gồm 5 ông quan đám và một ông Trùm. Năm vị quan đám đại diện cho năm giáp: Giáp Đông, Giáp Lài, Giáp Trung, Giáp Nam, và Giáp Bắc. Những người được chọn làm quan đám phải khỏe mạnh có tâm có đức, không có trục trặc chuyện vợ chồng con cái. Đặc biệt, họ phải được dân làng tín nhiệm bầu chọn.

Cao nhất trong việc quản lý đền là một người đàn ông được gọi với cái tên ông Trùm. Ông này làm nhiệm vụ hướng dẫn các quan đám thực hiện những việc lễ nghi vào cung cấm. Ngày vào cung cấm được quy định là 14, 15, và ngày 30, mùng 1 (Âm lịch) hàng tháng.

Việc lựa chọn quan đám, ông Trùm làm những việc trong cung cấm rất nghiêm ngặt. Chính vì thế, trong làng, ông Trùm và quan đám là những người có vai trò hết sức quan trọng, nhất là đối với những việc liên quan đến đền. Cứ hàng năm vào ngày mùng 2 Tết, ban Khánh tiết đền và ông Trùm phải tìm đủ 5 vị quan đám mới thay cho 5 ông đám cũ. Tức là nhiệm kỳ của một quan đám chỉ có một năm.

 

Nếu trong một năm đó, vị quan đám không có tang bụi trắc trở gì, không có việc gì phạm đến những điều kiêng kỵ thì gọi là lội sông đến bờ và hoàn thành nhiệm vụ hương nhang cung cấm của một năm đó. Người ta gọi đó là lên Lềnh. Nếu trong năm đó ông quan đám có tang thì phải ra để tìm người khác thay. Tuy nhiên vào ngày 6/3 (Âm lịch) là ngày ngày giỗ thánh, nếu quan đám có tang thì được "gửi trầu" ba tháng và giao việc cho quan đám khác làm thay.

Đến khi hết tang, ông quan đám này sẽ được "phục chức" và làm hết năm. Nhưng riêng với ông Trùm thì quy định chặt chẽ hơn. Ông Trùm sẽ được chọn từ những ông đã lên Lềnh. Nếu có tang hoặc phạm điều kiêng kỵ dù chỉ một ngày ông Trùm cũng phải ra để nhường cho người khác vào làm thay. Ông Trùm đóng vai trò như người quán xuyến các ông quan đám.

Trước khi vào cung cấm đưa nước dâng thánh và dọn dẹp, hương nhang, đặt lễ cho các ngài, những người được ấn định sẽ phải ăn chay ba ngày. Bên trong cung cấm có gì và biến thể ra sao thì chỉ có sáu người bao gồm năm quan đám và một ông Trùm biết. Ngoài ra, nếu những người được ấn định mà tiết lộ thiên cơ mật thì sẽ không tránh khỏi những rắc rối. Kể cả khi đã hoàn thành nhiệm vụ lên Lềnh thì cũng không được nói cho ai biết. Vì đó là lời nguyền từ xa xưa.

Vì những quy định nghiêm ngặt như vậy nên có những cụ già sống ở làng đến 100 tuổi cũng chưa một lần được vào cung cấm. "Tôi nghĩ rằng phép vua thua lệ làng. Những chuyện cấm kỵ khi vào cung cấm ở An Lạc cũng là một nét văn hóa từ thời xưa để lại", ông Văn tự hào chia sẻ.
Anh Đức cũng cho biết thêm: "Từ năm 1988 trở về trước, đền đã có lệ như vậy nên những người đã được vào cung cấm cũng không bao giờ nói bất cứ điều gì. Khoảng năm 1985, khi giáo sư Trần Quốc Vượng, giáo sư Vũ Khiêu, nhà sử học Dương Trung Quốc và một số nhà nghiên cứu của viện Hán Nôm từng về đây dịch Ngọc Phả mới cho biết đền thờ ngài đại tướng quân Vương Đức Minh. Cả khu này có năm anh em họ Vương, hai gái, ba trai là những người con thành danh của vị đại tướng quân có nhiều công giúp vua Lê Đại Hành dẹp giặc cứu nước".

Không có chuyện cung cấm hại người

 

Anh Nguyễn Minh Đức, Trưởng ban quản lý đền Cao cho biết: "Những người đã biết lệ làng ở đây thì đều tuân thủ rất nghiêm ngặt. Theo quan điểm tâm linh, không biết không có tội, đức thánh rất bao dung độ lượng. Nếu chẳng may có khách thập phương nào đến mà giẫm chân lên cung cấm hay nhìn vào đó thì cũng không có chuyện gặp xui xẻo hay những điều tai ương. Tôi cho rằng, bất cứ ai đến đây thành tâm cầu lễ bái sẽ có thể gặp nhiều may mắn. Còn việc bước qua cung cấm mà bị làm sao là điều không có thật. Bên cạnh đó, không có những chuyện chết chóc hay hộc máu mồm như một số lời đồn thổi".

Nên đọc



Theo Người đưa tin
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo