Tài chính - ngân hàng

Giải ngân hơn 5.000 tỷ đồng Ngân sách nhà nước trong tháng 1/2018

(DNVN) - Theo Bộ Tài chính, ước tính giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2018 của các bộ, ngành, địa phương đến hết 31/1/2018 là 5.050 tỷ đồng, đạt 1,26% tổng kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2018. Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện thủ tục xây dựng cơ bản, sớm khởi công các công trình và tăng tốc các dự án chuyển tiếp, phấn đấu hoàn thành kế hoạch được giao, để giải ngân kế hoạch năm 2018 theo đúng tiến độ, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án theo đúng tiến độ đưa ra.

Giải ngân vốn ngân sách trong tháng 1/2018 vẫn còn thấp.

Chưa đạt yêu cầu giải ngân trong tháng 1/2018

Theo Bộ Tài chính, tổng số kế hoạch chi đầu tư phát triển nguồn NSNN năm 2018 được Quốc hội giao là 399.700 tỷ đồng. Tổng kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN, bao gồm vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) đã được Thủ tướng Chính phủ giao là hơn 384.135 tỷ đồng, đạt hơn 96% so với tổng dự toán Quốc hội giao.
Số liệu về giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN, bao gồm cả vốn TPCP năm 2018 từ Bộ Tài chính cho thấy, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2018 của các bộ, ngành, địa phương đến hết 31/1/2018 là 5.050 tỷ đồng, đạt 1,26% tổng kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2018 theo nghị quyết của Quốc hội và đạt 1,31% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó vốn TPCP chưa giải ngân. 

Theo đánh giá của Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), số liệu giải ngân tháng 1/2018 thấp là do kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN mới được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao trong tháng 1 đến nay các bộ, ngành trung ương và địa phương vẫn đang thực hiện phân bổ chi tiết và nhập dự toán cho các dự án trên hệ thống Tabmis. 

Không những vậy, trên cơ sở kế hoạch đầu tư nguồn NSNN được cấp thẩm quyền phân bổ, các chủ đầu tư hiện mới bắt đầu triển khai các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu các gói thầu mới nên việc tạm ứng, thanh toán còn rất hạn chế và khá chậm.  

Các địa phương cần đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ nhanh hơn.

Thúc đẩy nhanh tiến độ theo đúng kế hoạch

Thực tế ghi nhận tại các bộ, ngành, địa phương trong cả nước, có thể thấy, nhiều vướng mắc, kiến nghị cần được giải quyết dứt điểm, tạo điều kiện thúc đẩy nhanh giải ngân trong những tháng tiếp theo. Tại một số địa phương, tiến độ giải ngân chậm do sự ách tắc trong xử lý thủ tục, có tình trạng chủ đầu tư chưa tích cực, chậm lập, hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục thanh toán các dự án đã được bố trí vốn trả nợ dự án công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, dự án hoàn thành quyết toán.

 

Đại diện Vụ Đầu tư cũng cho biết, tính đến ngày 24/1/2018, đã có 26/56 đơn vị là các bộ, cơ quan ngang bộ, các ngành và 44/63 địa phương gửi báo cáo phân bổ dự toán năm 2018 đến Bộ Tài chính, với tổng số vốn phân bổ là hơn 205.373 tỷ đồng, đạt 53,46% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Hiện nay, Vụ Đầu tư đang tích cực thực hiện việc nhận xét phân bổ kế hoạch vốn đầu tư của các đơn vị theo quy định, đồng thời đôn đốc các đơn vị còn lại khẩn trương triển khai phân bổ vốn đầu tư năm 2018 đúng thời gian quy định và kế hoạch đưa ra. 

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch năm 2018 của các dự án, theo Vụ Đầu tư, 30 đơn vị là các bộ, cơ quan ngang bộ, các ngành và 19 địa phương hiện còn chưa gửi Bộ Tài chính văn bản phân bổ kế hoạch năm 2018. Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án theo đúng thời hạn quy định và gửi Bộ Tài chính để triển khai thủ tục nhập dự toán trên hệ thống Tabmis và thanh toán vốn cho các dự án. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc quy định của Chính phủ tại Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 3/8/2017 nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2018.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường chỉ đạo, yêu cầu các chủ đầu tư rà soát, đẩy nhanh việc hoàn thành các thủ tục về phê duyệt thiết kế, dự toán, thủ tục đấu thầu và đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để có khối lượng giải ngân; đồng thời tập trung hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, thanh toán vốn ngay từ các tháng đầu năm. Song song đó, có biện pháp xử lý trách nhiệm cụ thể đối với các chủ đầu tư chậm hoàn thiện thủ tục nghiệm thu, thanh toán. 
Ngoài ra, các bộ, các ngành và địa phương cần đôn đốc các chủ đầu tư phối hợp với tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, quyết liệt xử lý kịp thời các vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng các dự án nhằm đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng để thi công xây dựng thường xuyên cập nhật tình hình giải ngân của từng dự án để kịp thời đôn đốc, xử lý vướng mắc cho các chủ đầu tư theo thẩm quyền.

Bên cạnh đó, để phát huy tính chủ động và tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh việc phân cấp trong lĩnh vực đầu tư công, đối với việc giao và điều chỉnh chi tiết kế hoạch đầu tư công hằng năm trong nội bộ ngành, lĩnh vực, chương trình chỉ đạo thực hiện giải quyết dứt điểm các dự án giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu triển khai vốn đầu tư cho đúng tiến độ.

Nên đọc
Tuyết Thùy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo