Xã hội

GS Nguyễn Minh Thuyết: Cân nhắc khi miễn thi Ngoại ngữ

Bộ GD-ĐT cần đưa ra tiêu chí cụ thể về chứng chỉ Ngoại ngữ do đơn vị, tổ chức nào cấp và xem xét kỹ chất lượng của các loại chứng chỉ.

 Bộ GD-ĐT vừa công bố phương án tổ chức kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia từ năm 2015.

Theo đó, từ năm 2015 sẽ tổ chức một kỳ thi quốc gia (gọi là kỳ thi THPT quốc gia). Kết quả của kỳ thi này sẽ được dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ).
 
Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn tối thiểu) gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.
 
Điểm mới trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 là thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định do Bộ GD-ĐT công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ.
 
Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội băn khoăn là trong phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia được Bộ GD-ĐT công bố không nêu rõ chứng chỉ ngoại ngữ do tổ chức, đơn vị nào cấp và có đảm bảo chất lượng không.
 
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết
 
Hiện nay, có nhiều trung tâm ngoại ngữ cấp chứng chỉ ngoại ngữ cho người học sau khi kết thúc khóa học không đúng với thực chất trình độ, năng lực của người đó. Những chuyện thi hộ, “chạy” bằng cấp, chứng chỉ ngoại ngữ vẫn diễn ra là thực trạng để Bộ GD-ĐT cần cân nhắc đến việc lựa chọn chứng chỉ tin cậy để miễn thi môn Ngoại ngữ cho thí sinh.
 
Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, hiện chỉ có chứng chỉ ngoại ngữ của một số tổ chức quốc tế có uy tín là đáng tin cậy.
 
Tuy nhiên, nếu kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức với 2 mục đích xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ thực hiện công tác tuyển sinh thì việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ thay cho bài thi môn Ngoại ngữ không thể đáp ứng được yêu cầu tuyển thí sinh vào các trường ĐH, CĐ. Bởi vì các trường ĐH, CĐ xét tuyển thí sinh vào trường thông qua  kỳ thi THPT quốc gia là phải dựa vào số điểm cạnh tranh của các thí sinh khi làm cùng 1 đề thi. Vì vậy, việc miễn thi môn Ngoại ngữ cần được Bộ GD-ĐT cân nhắc kỹ.
 
Không giỏi ngoại ngữ, lao động Việt Nam có thể mất việc ngay tại quê hương
 
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm trước, môn Ngoại ngữ chỉ được Bộ GD-ĐT chọn là môn tự chọn nhưng bắt đầu từ kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, môn Ngoại ngữ được coi là môn thi bắt buộc.
 
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nhận định, đây là một quyết định đúng đắn vì trình độ ngoại ngữ của học sinh THPT Việt Nam không thể thua kém so với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Năm 2015, Cộng đồng ASEAN sẽ được hình thành. Lúc đó, thị trường các nước ASEAN là một và sẽ có sự dịch chuyển nguồn nhân lực trẻ tuổi ở nước ta với các nước trong khu vực. Ngoài các tiêu chí về năng lực chuyên môn nghề nghiệp, các doanh nghiệp ở trong và ngoài nước sẽ tuyển dụng lao động ở nước nào đạt yêu cầu về trình độ ngoại ngữ. Nếu lao động Việt Nam yếu kém về ngoại ngữ thì sẽ bị mất việc làm ngay chính tại quê hương.
 
Không chỉ có nguồn nhân lực là lao động phổ thông mà học sinh, sinh viên phải được trang bị tốt về ngoại ngữ thì mới có thể học tập, làm việc trong sự cạnh tranh về vị trí việc làm khi nguồn nhân lực ở các nước khác sang Việt Nam.
 
Để sẵn sàng cho việc hội nhập này, Chính phủ đã thông qua Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” (Đề án Ngoại ngữ 2020) với yêu cầu nâng cao việc dạy học ngoại ngữ ở các trường học.
 
Để thực hiện Đề án này, Chính  phủ đã giao cho Bộ GD-ĐT quản lý việc phân bổ kinh phí cho các địa phương đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo và nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên. Vì vậy, các tỉnh, thành phải cố gắng phấn đấu giảng dạy ngoại ngữ cho học sinh thật tốt nhằm giúp cho thí sinh THPT có đầy đủ trình độ, kỹ năng ngoại ngữ đạt yêu cầu để có thể gia nhập thị trường lao động khi Cộng đồng ASEAN hình thành vào năm 2015.
 
Để tránh cho học sinh không bị đột ngột, trong phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, Bộ GD-ĐT đã quy định thí sinh không học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ.
 
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, giải pháp tình thế trên cũng chỉ nên kéo dài từ 1 đến 2 năm, chứ không nên kéo dài lâu vì khi gia nhập Cộng đồng ASEAN, nguồn nhân lực Việt Nam không thể bị “thua” ngay trên sân nhà./.
 
Theo VOV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo