Xã hội

Hà Nội: Nhiều bất cập trong việc điều chuyển các tuyến xe khách

Sau 3 tháng triển khai phân luồng tuyến xe khách khiến nhiều nhà xe phản ứng, mới đây, Sở GTVT Hà Nội lại lên phương án dự kiến điều chuyển luồng tuyến một số tuyến xe khách từ bến Giáp Bát sang Nước Ngầm và ngược lại.

Vừa qua, Sở GTVT Hà Nội đã có báo cáo về hiện trạng các tuyến tại bến xe Nước Ngầm, Giáp Bát đối với các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình và Thanh Hóa sau khi điều chuyển luồng tuyến.

Báo cáo cho thấy, tại bến xe Giáp Bát có tổng số 833 chuyến/ngày; trong đó: Nam Định có 281 chuyến/ngày, Thái Bình có 137 chuyến/ngày, Ninh Bình có 181 chuyến/ngày và Thanh Hóa có 234 chuyến/ngày.

Bến xe Nước Ngầm có tổng số 444 chuyến/ngày; trong đó: Nam Định có 170 chuyến/ngày, Thái Bình có 167 chuyến/ngày, Ninh Bình có 51 chuyến/ngày và Thanh Hóa có 66 chuyến/ngày.

Như vậy, tổng cộng các tuyến đi Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa là 1287 chuyến/ngày, trong đó Nam Định 451 chuyến/ngày, Thái Bình 304 chuyến/ngày, Ninh Bình 232 chuyến/ngày, Thanh Hóa 300 chuyến /ngày.

Việc điều chuyển các tuyến xe không hợp lý sẽ gây ùn tắc giao thông trong nội thành, ảnh hưởng đến các DN vận tải đang hoạt động và bất lợi cho người dân

Theo dự kiến cơ cấu lại các tuyến tại bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm của Sở GTVT Hà Nội thì sẽ chuyển toàn bộ các tuyến đi Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình từ bến xe Nước Ngầm về bến xe Giáp Bát với tổng số chuyến phải chuyển là 388 chuyến/ngày của 67 DN vận tải.

Chuyển toàn bộ các tuyến đi Thanh Hóa từ bến xe Giáp Bát ra bến xe Nước Ngầm với tổng số 234 chuyến/ngày của 40 DN vận tải.

Như vậy, bến xe Giáp Bát sẽ tiếp nhận tăng so với trước khi sắp xếp lại 154 chuyến/ngày. Việc luân chuyển này sẽ gây ùn tắc giao thông khu vực đường Giải Phóng, nút giao Kim Đồng. Ngoài ra, một số tuyến sẽ rất khó khăn cho công tác bố trí biểu đồ, nhất là các tuyến đi Trung tâm các tỉnh (Thành phố) như TP Thái Bình (163 chuyến/ngày), Ninh Bình, TP Thanh Hóa (106 chuyến/ngày).  Điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến các đơn vị vận tải đang hoạt động trên tuyến.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng cần thực hiện 4 nhóm giải pháp để hài hòa lợi ích các doanh nghiệp sau điều chuyển luồng tuyến.

Cụ thể, 4 nhóm giải pháp gồm: Dẹp xe dù; thiết kế tuyến buýt đặc thù từ Mỹ Đình về Nước Ngầm; xắp xếp luồng tuyến của hai bến Giáp Bát và Nước Ngầm, mỗi tỉnh chỉ xuất phát từ một bến; tổ chức giao thông nút giao Pháp Vân.

 

Từ khi thực hiện việc điều chuyển luồng tuyền (2/1) đến nay, một số nhà xe thuộc diện rời bến Mỹ Đình đã nhiều lần "đình công" phản đối.

Ngay sau khi nhận được thông tin về việc điều chuyển luồng tuyến, rất nhiều Doanh nghiệp vận tải của 4 tỉnh nêu trên đã phản ứng quyết liệt về vấn đề này.

Ngày 20/3/2017, Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh Nam Định đã có công văn gửi Sở Giao thông vận tải Hà Nội và Sở GTVT Nam Định kiến  nghị: “Xin giữ nguyên khai thác tuyến vận tải tại bến xe Mỹ Đình cho đến khi Sở GTVT Hà Nội xây dựng xong bến xe Yên Sở, Cổ Bi lúc đó điều chuyển toàn tuyến về bến xe mới khai thác lâu dài và ổn định. Tất cả các DN không có nhu cầu về khai thác tại bến xe Giáp Bát”.

Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh Nam Định cho biết: “Tất cả các DN vận tải không có nhu cầu về khai thác tại bến xe Giáp Bát”.

Ngày 23/3/2017, Gần 40 doanh nghiệp xe khách Thanh Hóa hiện đang hoạt động tại bến xe Giáp Bát đã đồng loạt lên tiếng, gửi đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng nhằm đề nghị xem xét việc điều chuyển luồng tuyến.
Đầu tháng 3, sau cuộc đối thoại với doanh nghiệp, ngành Giao thông đã có văn bản gửi Thủ tướng về điều chuyển luồng tuyến. Tuy nhiên, hiện Thủ tướng chưa có ý kiến chỉ đạo.
Báo Kinh doanh & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Nên đọc

 

Theo Kinh Doanh pháp luật
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo