Pháp luật

Hàng loạt trẻ mắc sùi mào gà: Do kiểm soát phòng khám chưa chặt?

(DNVN) - Liên quan đến việc hàng loạt trẻ nhỏ ở Hưng Yên mắc sùi mào gà sau khi khám bệnh ở phòng khám không phép, luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp nhận định từ vụ việc cho thấy việc kiểm soát phòng khám, chữa bệnh chưa chặt chẽ.

Trước thông tin hàng chục trẻ bị nhiễm bệnh sùi mào gà bộ phận sinh dục sau khi điều trị chít hẹp bao quy đầu tại một phòng khám tư ở Khoái Châu, ngày 17/7 Sở Y tế Hưng Yên đã thành lập đoàn thanh tra đến kiếm tra.

Theo thanh tra Sở, khi đoàn thanh tra đến thì phòng khám đóng cửa. Qua kiểm tra ban đầu, phòng khám này hoạt động không phép. Đoàn thanh tra đã lập biên bản và giao trạm y tế mời người phụ trách phòng khám chiều lên Sở Y tế làm việc

Cháu Tr. là trường hợp nhỏ tuổi nhất mắc sùi mào gà đang điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương. Ảnh Khám phá

Trong thông báo của Sở Y tế gửi các cơ quan báo chí, phía Trạm Y tế và phòng Y tế huyện Khoái Châu đã xác nhận bà Hoàng Thị Hiền có tổ chức khám, chữa bệnh cho trẻ em ở một số địa phương trong và ngoài huyện.

Chưa hết, theo thông tin Thanh tra Sở Y tế Hưng Yên cung cấp, bà Hoàng Thị Hiền chỉ là một y sĩ, làm việc tại trạm y tế xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, được tăng cường làm việc tại Trung tâm y tế huyện Văn Giang. Vậy mà lâu nay, bà nhận mình là bác sĩ, lấy mác "bác sĩ chuyên khoa nhi” để lừa người dân hành nghề.

Chiều 19/7, phóng viên Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi  luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp về vấn đề này. 

PV: Luật sư đánh giá thế nào về hành vi của y sĩ thực hiện thủ thuật cắt bao quy đầu sùi mào gà gây hậu quả hàng chục trẻ mắc bệnh ở Hưng Yên?

Luật sư Hồng Thái: Theo quan điểm cá nhân, thiết nghĩ tình trạng trên xảy ra rất có thể nguyên nhân là do phòng khám và các thiết bị, dụng cụ y tế sử dụng trong quá trình làm thủ thuật không đảm bảo vệ sinh. 

 

Các virus từ người đến khám trước có thể lây sang những người đến khám sau thông qua việc tiếp xúc với các dụng cụ có nguồn lây bệnh. Hành vi của y sĩ đã vi phạm quy định của pháp luật về khám chữa bệnh cũng như vi phạm các quy chuẩn đạo đức. 

Là một người hành nghề y cứu giúp người khác, nhưng y sĩ này lại thiếu trách nhiệm, tự nhận mình là bác sĩ thực hiện các công việc không được phép lại không đảm bảo vệ sinh, an toàn cho người bệnh, vậy mà bà y sĩ này lại để tình trạng lây nhiễm bệnh xảy đến với nhiều cháu bé như vậy.

PV:  Thưa luật sư, theo kết luận từ Sở Y tế Hưng Yên, phòng khám của y sĩ đã không có giấy phép hoạt động, y sĩ Hiền là người không có chuyên môn nhưng đã tự mở phòng khám chữa bệnh khiến hàng chục trẻ mắc bệnh sùi mào gà, y sĩ này sẽ chịu trách nhiệm thế nào trước phát luật?

Luật sư Hồng Thái:  Đối với hành vi kinh doanh không có giấy phép hoạt động, phòng khám sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, được sửa đổi bởi Nghị định 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015. Cụ thể quy định như sau: 

Điều 6. Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

 

1. ………….2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định.

4. ……..

5. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 4 Điều này trong trường hợp kinh doanh ngành, nghề thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.”

Đối với hành vi hành nghề không có chứng chỉ hành nghề của Y sĩ Hiền sẽ bị xử phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 28 Nghị định 176/2013/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

 

PV: Dưới góc nhìn của luật sư, ông có ý kiến thế nào về vụ việc?

Luật sư Hồng Thái:  Vụ việc xảy ra có nguyên nhân là từ sự thiếu trách nhiệm, vô tâm của một số cá nhân hoạt động trong nghề y, lợi dụng sự kém hiểu biết của người dân để hành nghề kiếm lợi mà không quan tâm tới sức khỏe người bệnh. 

Nguyên nhân thứ hai là sự kiểm soát đối với các phòng khám tư chưa chặt chẽ, hoạt động kém hiệu quả của các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động kinh doanh của các cơ sở y tế. 

Thực tế cho thấy rất nhiều phòng khám tư không đăng ký kinh doanh, hoạt động “chui” tương tự như trường hợp phòng khám của y sĩ Hiền. Thế nhưng vẫn rất ít cơ sở bị xử phạt hoặc dừng kinh doanh. Vì thế các phòng khám vẫn mọc lên, hoạt động hàng ngày,tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dân đến khám chữa bệnh.

Người dân khi có nhu cầu khám chữa bệnh cũng cần lưu tâm hơn trong việc lựa chọn nơi khám chữa bệnh, nên đến các bệnh viện hoặc các cơ sở có uy tín để đảm bảo các vấn đề về sức khỏe, tránh trường hợp bệnh cũ không khỏi lại mắc thêm bệnh mới.

 

Nên đọc
Trân Châu
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo