Môi trường

Hành khách, nhà đầu tư, thích xe buýt sạch

Các chuyến xe buýt chạy bằng khí nén thiên nhiên (CNG) thường đông khách, trong khi cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh xem xét thêm ưu đãi cho nhà đầu tư.

 

Hành khách ưa chuộng

 

17 giờ chiều 9/2, chiếc xe buýt CNG biển số 51B 02550 thuộc Công ty Xe khách Sài Gòn chạy tuyến Bến Thành - Bến xe Chợ Lớn đông nghẹt. Không còn ghế trống, nhiều người phải đứng, song không thấy ai phàn nàn.

 

Ông Huỳnh Thanh Tuấn (40 tuổi, ngụ phường 1, quận 5, nhân viên Công ty TNHH Sản xuất thương mại Doanh Tín) cho biết, sau khi TP. Hồ Chí Minh đưa 21 xe buýt CNG vào hoạt động, anh quyết định bỏ xe gắn máy ở nhà và đến cơ quan bằng xe buýt sạch.

 

“Xe mới, nội thất cao cấp, đội ngũ lái xe và tiếp viên tận tình, lịch sự nên dù đông, khách vẫn có cảm giác thoải mái”, ông Tuấn nói.

 

Theo ông Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý Vận tải Công nghiệp - Sở Giao thông Vận tải, tuyến xe buýt CNG là một trong những tuyến có số lượng hành khách tăng cao nhất trong số hơn 100 tuyến xe buýt của TP. Hồ Chí Minh. Sản lượng bình quân của 21 xe buýt CNG đã vượt trên 11 nghìn lượt khách/ngày.

 

“Xe buýt CNG chạy êm, không thải khói độc nên hành khách rất thích. Vừa qua, lãnh đạo Trường Đại học Nông Lâm đề nghị Liên hiệp Hợp tác xã Vận tải TP. Hồ Chí Minh đầu tư xe buýt sạch phục vụ đưa đón sinh viên. Thậm chí, nhà trường cam kết dành một phần đất làm bến đỗ nếu Liên hiệp đầu tư xe buýt CNG”, ông Phùng Đăng Hải, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Vận tải TP. Hồ Chí Minh, nói.

 

Nhà đầu tư quan tâm

 

Đầu năm 2012, Liên hiệp Hợp tác xã Vận tải đưa năm xe buýt CNG vào hoạt động trên tuyến Bến xe An Sương - Đại học Nông Lâm (mã số 104), thay thế các xe buýt cũ chạy bằng dầu diesel.

 

Ông On Xương Huê, Việt kiều Uc, cho biết, đã đầu tư hơn bảy tỷ đồng nhập năm xe buýt CNG đã qua sử dụng từ Hàn Quốc. Xe có gắn thiết bị định vị vệ tinh GPS, camera, thùng vé tự động và đèn LED.

 

Theo Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Dương Hồng Thanh, vừa qua Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh giao Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) trong năm 2012 nghiên cứu dự án đầu tư đóng mới 300 xe buýt CNG trong nước, để thay thế những xe buýt đã xuống cấp.

 

TP. Hồ Chí Minh xác định sẽ tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống xe buýt, trong đó ưu tiên xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, vì 28 xe buýt CNG hiện nay chưa thể đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải công cộng của thành phố.

 

Để khuyến khích nhà đầu tư, Sở Giao thông Vận tải cam kết cố định luồng tuyến kinh doanh cho các đơn vị đầu tư xe buýt CNG. Đồng thời, Sở đã đề nghị đơn vị cung cấp khí CNG mở thêm trạm cung ứng khí.

 

Theo ông Phùng Đăng Hải, mới đây có một số xã viên xin đầu tư thêm xe buýt CNG. Tuy nhiên, Liên hiệp Hợp tác xã Vận tải đang cân nhắc bởi muốn hoạt động hiệu quả, nhà đầu tư cần phải có cơ chế hỗ trợ.

 

Cần sớm có cơ chế hỗ trợ

 

Theo ông Lê Trung Tính, kết quả hoạt động thử nghiệm cho thấy xe buýt CNG có nhiều ưu điểm nổi trội so với xe chạy dầu diezel như: Giảm 53-63% lượng khí thải độc hại, giảm 20% lượng khí CO2, tiết kiệm 30-40% chi phí nhiên liệu.

 

Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu đối với xe buýt CNG cao hơn 1,5 lần so với xe buýt thường khoảng 1,4 tỷ đồng/xe.

 

Để khuyến khích nhà đầu tư, Sở Giao thông Vận tải đã đề nghị cho các nhà đầu tư xe buýt CNG được hưởng tiền chênh lệch khi giảm 30-40% chi phí nhiên liệu, nghĩa là TP. Hồ Chí Minh vẫn tính trợ giá cho xe buýt CNG bằng mức tiền xe buýt chạy dầu để doanh nghiệp có một khoản lãi nhất định, nhằm tái đầu tư phương tiện, thiết bị, nâng cao chất lượng phục vụ. Đề xuất của Sở Giao thông Vận tải đã được Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh giao Sở Tài chính thẩm định.

 

Theo ông Hải, trước mắt, Liên hiệp Hợp tác xã Vận tải sẽ tự cân đối bằng cách dành nhiều ưu tiên như bố trí cho các xe CNG chạy ổn định trên một số tuyến nhất định để nhà đầu tư yên tâm. Tuy nhiên, về lâu dài, TP. Hồ Chí Minh cần có cơ chế hỗ trợ.

 

 

Điều chỉnh giá vé xe buýt

Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng TP. Hồ Chí Minh mới đây điều chỉnh giá vé trên các tuyến xe buýt trợ giá có cự ly từ 18km trở lên. Theo đó, khách đi các tuyến xe buýt trên với lộ trình từ 1/2 đến suốt tuyến, giá vé là 5.000 đồng/hành khách/lượt, vé tập tương ứng là loại vé 112.500 đồng/tập/30 vé.

Nhằm tạo thuận lợi cho khách đang sử dụng vé tập loại 90.000đồng/tập/30 vé đã mua, Trung tâm sẽ gia hạn sử dụng đến hết ngày 31/3/2012 (thay vì đến 31/12/2011). Vé tập trên có giá trị tương ứng với vé lượt mệnh giá 4.000 đồng và 5.000 đồng/hành khách/lượt.

Khách có thể sử dụng loại vé này để đi lại từ 1/2 lộ trình đến suốt tuyến trên các tuyến xe buýt có cự ly từ 18km trở lên (trừ tuyến Bến Thành-Bến xe Củ Chi, Bến xe Chợ Lớn-Bến xe Củ Chi và Bến Thành-Chợ Bình Điền). Riêng các tuyến xe buýt có cự ly từ 31 km trở lên, hành khách chỉ sử dụng loại vé này để đi dưới 1/2 lộ trình.

 

 

Theo TPO

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo