Tin tức - Sự kiện

Hãy để doanh nghiệp nói thật

Thuế suất là nội dung thường được quan tâm nhất trong các luật về thuế. Tại Hội thảo góp ý hoàn thiện pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp vừa qua, mức thuế thu nhập doanh nghiệp nên để ở mức 23% hay 20% tiếp tục nhận được nhiều ý kiến.
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành quy định mức thuế suất phổ thông là 25%. Hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và tài nguyên quý hiếm khác áp dụng mức từ 35 đến 50% tùy thuộc vị trí, điều kiện khai thác và trữ lượng mỏ. Để định hướng thu hút vào một số lĩnh vực cần khuyến khích, nhất là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, luật hiện hành quy định mức thuế suất ưu đãi có thời hạn tương ứng là 20% và 10%.
 
Trong năm 2008, mức thuế suất này tương ứng với mức trung bình của các quốc gia trong khu vực, song xu hướng hiện nay trên thế giới là giảm thuế trực thu, tăng thuế gián thu. Giảm thuế trực thu, ở đây là thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông để tạo sức hấp dẫn, tăng tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Để phù hợp với Chiến lược cải cách thuế và xu hướng của các quốc gia trong khu vực, tại Tờ trình dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Chính phủ đề xuất giảm thuế suất phổ thông từ mức 25% xuống mức 23%.
 
Đối với doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ (sử dụng dưới 200 lao động và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng) sẽ được áp dụng mức thuế 20%. Đề xuất này được cho là vừa bảo đảm tính cạnh tranh, hấp dẫn thu hút đầu tư và không gây tác động giảm thu đột ngột tạo sức ép về cân đối ngân sách trong năm áp dụng, không gây xáo trộn nhiều tới hệ thống chính sách ưu đãi.
 
Song có thể thấy, các quốc gia và vùng lãnh thổ gần nước ta đều để thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức thấp để nuôi dưỡng nền kinh tế như Singapore và Đài Loan cùng có mức thuế là 17%, Hong Kong là 16,5% hay Thái Lan đã giảm thuế suất phổ thông từ mức 23% xuống 20% từ năm 2013. Do đó, có ý kiến đề xuất đưa thuế suất phổ thông xuống mức 20% hoặc chí ít cũng giảm xuống mức 22% để doanh nghiệp thực sự có động lực để tái cơ cấu đầu tư, xử lý hàng tồn kho.
 
Tuy nhiên, Phó vụ trưởng Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính Nguyễn Văn Phụng cho rằng, đề xuất này có ưu điểm là tăng sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, do mức thuế suất phổ thông 20% có tính cạnh tranh cao so với các quốc gia trong khu vực. Nhưng phương án này có tác động quá lớn đến cân đối ngân sách Nhà nước, vì cộng với số giảm thu về thuế thu nhập cá nhân và thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp thì tổng thu ngân sách trong năm 2014 sẽ giảm thu 45.951 tỷ đồng. Số giảm thu do giảm thuế suất phổ thông xuống 20% có thể được bù lại trong các năm sau khi kinh tế phát triển.
 
Nhưng con số này mới là kỳ vọng, ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, số giảm thu ngân sách là tiền thật. Ngân sách Nhà nước cũng sẽ khó cân đối cho các mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh khi thực hiện các cam kết gia nhập WTO và nguồn dầu thô khai thác giảm dần. Để cân đối giữa nhu cầu ngắn hạn và mục tiêu trung, dài hạn, nhiều chuyên gia đưa ra phương án là quy định rõ lộ trình áp dụng mức thuế suất phổ thông 20%. Đây cũng là phương án đã được áp dụng thành công tại Luật Thuế giá trị gia tăng.
 
Bên cạnh nguyên tắc phải cân đối giữa nhu cầu ngắn hạn và mục tiêu trung và dài hạn, thì xác định mức thuế suất cũng phải bảo đảm nguyên tắc công bằng theo cả chiều dọc và chiều ngang. Trong đó, công bằng theo chiều ngang là nếu cùng hoàn cảnh thì các đối tượng nộp thuế phải nộp ngang bằng nhau. Công bằng theo chiều dọc là chủ thể nào có thu nhập nhiều hơn thì phải nộp thuế nhiều hơn.
 
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) đã đáp ứng được nguyên tắc này khi đưa ra mức thuế suất cao hơn với các hoạt động có thu nhập nhiều và đưa mức thuế thấp hơn thuế suất phổ thông với những đối tượng có thu nhập thấp hơn so với mặt bằng chung của xã hội. Ngoài những nguyên tắc này, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng, cần quan tâm đến nguyên tắc khuyến khích doanh nghiệp nói thật bằng mức thuế suất thấp hơn so với quy định tại dự thảo Luật này. Trong điều kiện sức mua giảm mạnh, kinh tế khó khăn hiện nay, thì một mức thuế suất cao sẽ không khuyến khích doanh nghiệp khai đúng, khai đủ, khiến ngân sách Nhà nước thất thu.
 
Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của cơ quan quản lý ngành trong quá trình  phòng, chống gian lận thuế, nhưng tại sao không nghĩ đến một cách làm khác để doanh nghiệp có thể nói thật. Bởi có thể thấy rõ, khi doanh nghiệp có điều kiện để yên tâm khai đúng, khai đủ, cộng với nỗ lực của cơ quan chức năng thì sẽ giúp hạn chế hiệu quả tình trạng gian lận thuế.
 
 
 
 
Quyết Thắng
Theo ĐBND
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo