Hiệp định CPTPP

Quảng Bình đẩy mạnh tuyên truyền CPTPP, xây dựng chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

DNVN - Xây dựng chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nông dân, phù hợp với cam kết quốc tế; đẩy mạnh việc dạy nghề và gắn kết đào tạo với doanh nghiệp, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất kinh doanh...

Hàng xuất khẩu chủ lực trong CPTPP gặp nhiều thách thức / Mexico đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng trong CPTPP

Đây là một trong những nội dung được UBND tỉnh Quảng Bình nêu trong Kế hoạch số 253/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Theo đó, mục đích của kế hoạch nhằm tuyên truyền, phổ biến nội dung của Hiệp định CPTPP và các văn bản quy định chi tiết thi hành đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị; cộng đồng doanh nghiệp; các tổ chức, cá nhân có liên quan và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành chức năng, địa phương và đơn vị liên quan tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện tốt Hiệp định CPTPP theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Kế hoạch nêu rõ: Các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tập trung phổ biến Hiệp định CPTPP nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về nội dung cam kết cũng như các công việc cần triển khai để thực thi hiệu quả; chú trọng tập huấn cho các cán bộ thuộc cơ quan quản lý Nhà nước trong một số lĩnh vực như đầu tư, dịch vụ, hải quan, sở hữu trí tuệ, nông, lâm, ngư nghiệp, lao động, môi trường...; củng cố mạng lưới, tăng cường năng lực và đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin, dự báo về thị trường xuất nhập khẩu, thị trường trong nước giúp doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh kịp thời nắm bắt thông tin, yêu cầu về kỹ thuật, quy định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa của các đối tác nói chung, đối tác CPTPP nói riêng cũng như dự báo được nhu cầu của thị trường trong nước, ứng phó với sự cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu.
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị nghiên cứu tham mưu thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả cam kết và nghĩa vụ khác của Việt Nam khi tham gia Hiệp định CPTPP; rà soát, chủ động thực hiện, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với Hiệp định CPTPP.
Đặc biệt, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan trên phải xây dựng chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nông dân, phù hợp với cam kết quốc tế; đẩy mạnh việc dạy nghề và gắn kết đào tạo với doanh nghiệp, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất kinh doanh; tăng cường triển khai biện pháp, cơ chế khuyến khích, định hướng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kết nối với doanh nghiệp của tỉnh, góp phần vào việc hình thành và phát triển chuỗi cung ứng.
Các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh quản lý có hiệu quả sự ra đời và hoạt động các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh ổn định, thành công; xây dựng và ban hành đồng bộ chính sách xã hội; chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học…
Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ trước ngày 30 tháng 10 hàng năm, gửi báo cáo cho Sở Công Thương để tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện và kiến nghị các biện pháp cần thiết, bảo đảm Kế hoạch được thực hiện hiệu quả và đồng bộ.
Nguyệt Minh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm