Hiệp định CPTPP

Để FTA thực sự là 'đũa thần' trợ giúp xuất khẩu

Chỉ trong vòng một năm 2020, Việt Nam tham gia 3 Hiệp định FTA gồm EVFTA, RCEP, UKVFTA nâng tổng số FTA của Việt Nam lên con số 15. Các FTA đã mở thêm thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp, nhưng để thực sự tận dụng hết tiềm năng thì cần sự nỗ lực cả phía doanh nghiệp và Nhà nước.

Trung Quốc có thể gia nhập CPTPP? / Tận dụng EVFTA, thời trang Việt Nam-Hà Lan rộng cửa hợp tác

Ngày cuối cùng của năm 2020, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên Hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ai Len chính thức có hiệu lực. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, đây là FTA thứ 15 mà Việt Nam tham gia tính tới thời điểm hiện nay. Nhiều hàng hóa Việt Nam đã xuất hiện trên quầy kệ tại siêu thị ở Vương Quốc Anh.

Một năm dấu ấn của các FTA

Việt Nam với độ mở cửa nền kinh tế là 200% GDP, được coi là một trong những nền kinh tế “mở” nhất thế giới. Vì vậy, nền kinh tế toàn cầu bị suy giảm trước tác động của đại dịch COVID-19, đồng nghĩa với hoạt động xuất khẩu (XK) của Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là từ đầu quý II/2020.

hang-viet-len-ke-sieu-thi-anh-3268-16097

Hàng Việt được bán trên quầy siêu thị Vương Quốc Anh.

Tuy nhiên, theo đánh giá từ Bộ Công Thương, nhờ tham gia FTA với các nền kinh tế, XK của Việt Nam đạt được kết quả tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 có tác động tiêu cực lên hoạt động thương mại toàn cầu.

Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, cho biết trong 3 quý đầu năm 2020, chịu tác động COVID-19, kim ngạch XK bị sụt giảm 3,8%. Tuy nhiên, cùng với việc khai thác rất có hiệu quả thị trường EU ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và thực thi từ ngày 1/8, đã đưa tổng kim ngạch XK của Việt Nam cả năm 2020 đạt mức 281,47 tỷ USD, tăng 6,5% và là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng XK cao nhất trong khu vực và thế giới.

"Các FTA đã là nền tảng quan trọng để chúng ta vượt qua tác động tiêu cực của COVID-19, tác động của bảo hộ mậu dịch thương mại, chiến tranh thương mại", Bộ trưởng Bộ Công Thương đánh giá.

Thêm vào đó, yếu tố quan trọng là các FTA sẽ giúp Việt Nam có lợi thế, vị thế thuận lợi để đón dòng đầu tư, chủ động xây dựng lại chuỗi cung ứng khu vực toàn cầu mà Việt Nam có điều kiện tham gia một cách bền vững. Đây là sự thay đổi, chuyển mình rất kịp thời của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay dựa trên nền tảng hội nhập quốc tế.

Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T Group, hồ hởi cho biết trong ngày đầu tiên năm mới 2021, DN này đã xuất 8 container trái cây đi bằng đường hàng không sang các nước; cùng với đó về đường biển gồm có một container xoài xuất sang Úc, 1 container dừa xuất qua Hàn Quốc, 1 container dừa xuất sang Mỹ.

"Những Hiệp định FTA thế hệ mới đã giúp cho doanh nghiệp rất nhiều. Kể từ khi EVFTA có hiệu lực, trái cây Việt Nam đã được quan tâm nhiều hơn ở châu Âu", ông Tùng cho biết.

Theo đại diện Vina T&T, thay vì mua hàng của Thái Lan, khách hàng châu Âu đã chuyển sang mua trái cây của Việt Nam nhiều hơn. Do vậy, năm 2021, DN vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 7% so với 2020.

Để chinh phục các thị trường trong thời gian tới, Vina T&T đang đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu chất lượng cao, đội ngũ kỹ thuật để duy trì các vùng trồng đã đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và nâng cao công nghệ bảo quản trái cây.

"Bên cạnh thị trường truyền thống là Mỹ, Úc, Vina T&T sẽ đánh mạnh vào thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, EU", ông Tùng cho biết.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), chia sẻ 2020 là năm đầu tiên sau 25 năm, XK dệt may của Việt Nam tăng trưởng âm 10,5%, chỉ đạt 35 tỷ USD so với 39 tỷ USD năm 2019, tuy nhiên trong bối cảnh tổng cầu thế giới giảm trên 22%, từ 740 tỷ USD giảm xuống 600 tỷ USD, thì đây là kết quả chấp nhận được.

Đại diện Vinatex đánh giá: Các hiệp định thương mại, nhất là EVFTA tuy không thể bù đắp được sự sụt giảm về kim ngạch nhưng cũng đã có những tác dụng đáng kể trong việc giảm thiểu thiếu hụt đơn hàng trong một năm đầy khó khăn như 2020.

DN vẫn còn trăn trở

Vinatex đặt mục tiêu XK năm 2021 trở lại mức tăng trưởng 38 - 39 tỷ USD. Ông Trường kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ DN khai thác hiệu quả các FTA thông qua hướng dẫn sớm nhất các quy trình đáp ứng quy tắc xuất xứ.

Còn theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam, các FTA đang đem sản phẩm XK của Việt Nam tới nhiều thị trường trên thế giới. Đối với ngành XK đến 90% như da giày thì các FTA mở ra cơ hội rất lớn. Cơ hội đến từ các hàng rào thuế quan được gỡ bỏ nhưng DN Việt Nam phải đối diện với những ràng buộc từ hàng rào phi thuế quan cực kỳ khắt khe từ các FTA. Đó là phải thực hiện các tiêu chuẩn về lao động, môi trường.

Năm 2021, thị trường của ngành da giày, túi xách có nhiều tín hiệu tốt. Nếu thế giới có vắc xin ngừa COVID-19 và tận dụng tốt các cơ hội từ FTA thì xuất khẩu ngành da giày, túi xách sẽ tăng trưởng từ 15-20% trong năm 2021.

Ngoài sự nỗ lực, thay đổi của DN, bà Xuân kỳ vọng thể chế chính sách cũng phải liên tục được cải thiện. Nhà nước cần hỗ trợ ngành hình thành các khu công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ chuyên biệt cho ngành; có cơ chế, chính sách đồng bộ, kết nối DN trong nước tham gia chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu cho DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh mong muốn năm 2021 các Bộ ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung tháo gỡ về cơ chế chính sách, tạo điều kiện để mở rộng tối đa cơ hội phát triển cho DN, đặc biệt là trong bối cảnh chúng ta đang có những cơ hội tốt về thị trường.

Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh: Chúng ta đã có những đổi mới và kinh nghiệm tốt trong quá trình triển khai các FTA đã ký kết, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA. Việc này Chính phủ đã có các Chương trình hành động để thực thi các FTA. Các Bộ ngành và địa phương cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt để tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa để trong thời gian tới, hàng hóa XK của Việt Nam chiếm lĩnh tốt hơn ở các thị trường quốc tế.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm