Hiệp định CPTPP

Doanh nghiệp phải làm gì để tận dụng thời cơ của CPTPP?

Để tận dụng tốt cơ hội từ hiệp định CPTPP, doanh nghiệp cần chuẩn bị các điều kiện quy định về xuất xứ hàng hóa để được hưởng thuế xuất ưu đãi.

Ngân hàng nào có lãi suất cho vay mua nhà thấp nhất? / Clip: Doanh nghiệp cần áp dụng công cụ cải tiến nâng cao NSCL như thế nào?

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực vào tháng 12 tới. Khi hiệp định này có hiệu lực sẽ cắt giảm gần 100% dòng thuế, trong đó 66% mặt hàng thuế sẽ về 0%. Ngành dệt may và giày da túi xách được hưởng nhiều thuế ưu đãi nhất. Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xuất khẩu ngành dệt may và giày da túi xách tạiTP HCM - nơi chiếm 1/3 kim ngạch xuất của cả nước về lĩnh vực này.

Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may, giày da túi xách ở TP HCM đang tập trung hoàn thành những đơn hàng xuất khẩu cho cuối năm, đồng thời chuẩn bị các điều kiện để tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu của Hiệp định CPTPP. Trong đó, Canada, Peru và Mexico là 3 thị trường được các doanh nghiệp đánh giá có triển vọng.

Đây là những thị trường lớn mà trước đây Việt Nam chưa có hiệp định thương mại song phương, nên khi hiệp định CPTPP có hiệu lực, hàng dệt may giày và túi xách của doanh nghiệp thuế suất vào đây sẽ bằng 0%. Để tận dụng tốt cơ hội này, doanh nghiệp cũng chuẩn bị các điều kiện quy định về xuất xứ hàng hóa để được hưởng thuế xuất ưu đãi. Sắp tới, nhiều doanh nghiệp sẽ tìm nguồn nguyên liệu của Australia và một số nước khác trong khối tham gia hiệp định. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt, nhuộm vải cũng đang tăng tốc đầu tư để tăng nguồn nguyên liệu trong nước.

hiep dinh cptpp: doanh nghiep phai lam gi de tan dung thoi co hinh 1
Ngành dệt may và giày da túi xách được hưởng nhiều thuế ưu đãi nhất khi tham gia CPTPP. (Ảnh minh họa)

Ông Trần Hữu Phước, Giám đốc Tài Chính Công ty dệt Trần Hiệp Thành cho biết, ngoài nhà máy nhuộm, công ty đang đầu tư nhà máy dệt trị giá khoảng 1.000 tỷ đồng, mỗi năm sản xuất 77 triệu mét vuông vải để đón Hiệp định CPTPP.

“Công ty đã chuẩn bị về nguồn nhân lực bao gồm công nhân, cán bộ quản lý để tổ chức đào tạo từ tháng 4 năm nay. Doanh nghiệp cũng hợp tác với một số doanh nghiệp nước ngoài có kinh nghiệm về quản trị nhân lực, công nghệ và tài chính để đầu tư nhà máy dệt. Ngay nhà máy dệt, công ty cũng xây dựng lại quy trình công nghệ, quy trình quản lý để tiết kiệm chi phí”, ông Phước cho biết.

Hiện nay, nguồn nguyên liệu cho ngành may trong nước chỉ chiếm khoảng 20-30%, số còn lại doanh nghiệp phải nhập, trong đó phần lớn nguyên liệu nhập từ các nước và vùng lãnh thổ không thuộc khối CPTPP như Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Để đáp ứng về yêu cầu xuất xứ nguồn nguyên liệu trong nước, chỉ có sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp chưa đủ, cần có cơ chế chính sách đồng bộ từ phía bộ, ngành chức năng tạo điều kiện cho ngành dệt, nhuộm trong nước phát triển.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội may thêu đan TP HCM cho rằng, Hiệp hội đang chờ các chủ trương, chính sách của nhà nước trong khuyến khích đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu dệt may. “Có thể các nhà đầu tư này trong khối CPTPP sẽ tạo điều kiện đầu tư nhiều hơn về nguyên phụ liệu, từ đó tạo dần điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng may mặc trong nước”.

Đối với ngành giày da, túi xách, nguồn nguyên liệu đáp ứng khá tốt về yêu cầu xuất xứ và phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường châu Âu nên có khả năng đáp ứng tốt tiêu chuẩn chất lượng của khối CPTPP. Tuy nhiên, trong tiếp cận thị trường mới, doanh nghiệp rất cần cơ quan chức năng hỗ trợ xúc tiến thương mại. Vì mỗi thị trường có gu thẩm mỹ và xu hướng tiêu dùng khác nhau.

Công ty giày Vinh Thông, mỗi năm xuất khẩu 6 triệu đôi giày, dép sang Đức. Hiện công ty đang đào tạo nguồn nhân lực ở các khâu sản xuất, quản trị, thiết kế và nâng cao năng suất sản xuất thêm 30% để xuất khẩu vào thị trường CPTPP.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty giày Vinh Thông cho biết, sắp tới, doanh nghiệp sẽ đi xúc tiến thương mại ở các nước trong khối CPTPP, xem xét công nghệ và yêu cầu của thị trường này để tiếp cận. Doanh nghiệp cũng mong muốn nhà nước hỗ trợ xúc tiến thương mại để tham gia và nắm bắt thị trường của khối CPTPP.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, Hiệp định CPTPP không chỉ yêu cầu cao về chuẩn chất lượng, xuất xứ nguyên liệu hàng hóa mà còn yêu cầu về điều kiện lao động, môi trường làm việc…

Ông Phạm Đình An, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ hội nhập quốc tế TP HCM lưu ý, hiệp định quy định kể cả vấn đề vấn đề chống tham nhũng, minh bạch và cạnh tranh trong hoạt động của doanh nghiệp cũng như các điều kiện về phát triển bền vững của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.Các điều khoản bắt buộc phải làm là cải thiện điều kiện làm của lao động, công đoàn, doanh nghiệp phải thực thi đầy đủ công ước ILO mà Việt Nam đã tham gia.

Hiệp định CPTPP là hiệp định toàn diện có nhiều nội dung với những quy định chi tiết và chuyên sâu từng lĩnh vực. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần nắm chắc nội dung, đáp ứng tốt những quy định, tiêu chuẩn của hiệp định để được hưởng thuế suất ưu đãi.Hiệp hội từng ngành hàng cũng sẽ phải hỗ trợ và hướng dẫn cho doanh nghiệp.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày, túi xách Việt Nam cho biết, Hiệp hội sẽ phối hợp với Bộ Công Thương ra những hướng dẫn, tóm tắt để doanh nghiệp nghiện cứu, gạch dầu dòng những điều doanh nghiệp cần phải lưu ý và hay gặp phải như về lao động, xuất xứ, các quy định về tham nhũng liên quan đến doanh nghiệp.

Việt Nam có xuất phát thấp so với các nước khác trong khối CPTPP, nhưng khi tham gia hiệp định với những quốc gia thành viên có thị trường lớn và tiến bộ sẽ là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy, các doanh nghiệp phải thay đổi cách làm ăn chuyên nghiệp hơn, có chiến lược đầu tư dài hạn thì mới tiếp cận và tận dụng cơ hội này. Nếu không doanh nghiệp của các nước khác sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, bởi trong cơ hội bao giờ cũng kèm theo thách thức.

1

Theo vov.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm