Thị trường

Hốt bạc mà không nộp thuế

Có doanh thu và thị phần quảng cáo trực tuyến rất lớn tại Việt Nam nhưng cơ quan thuế hầu như không thu được đồng nào từ các mạng xã hội đa quốc gia như Google và Facebook…

Ồ ạt khai thác quảng cáo

 

“Bất kể ngân sách của bạn là bao nhiêu hoặc lượng thời gian ít ỏi mà bạn có, bạn có thể tiếp cận khách hàng mới và phát triển doanh nghiệp của mình bằng chương trình quảng cáo trực tuyến của Google. Với AdWords, bạn có thể chọn vị trí quảng cáo của mình xuất hiện, đặt ngân sách thoải mái cho bạn (không có cam kết chi tiêu tối thiểu nào) và dễ dàng đo lường tác động của quảng cáo của bạn”. Đó là những thông tin mời gọi quảng cáo liên tục của Google.



Trong khi các doanh nghiệp trong nước hoạt động cùng lĩnh vực phải đóng thuế đầy đủ, nội dung quảng cáo bị kiểm soát chặt chẽ thì các mạng nước ngoài lại vô tư kinh doanh tại Việt Nam mà không phải chịu thuế. Chính sự bất bình đẳng này đã khiến nhiều doanh nghiệp trong nước không cạnh tranh nổi và dần dần bị loại khỏi cuộc chơi

Ông Nguyễn Hoàng Tuấn Anh
Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn VNG

 

Từ nhiều năm nay, khi người sử dụng internet tại Việt Nam quen dần với mạng tìm kiếm Google thì cũng là lúc dịch vụ quảng cáo trên website này bắt đầu nở rộ. Các doanh nghiệp, cá nhân muốn quảng bá dịch vụ, sản phẩm hay website của mình phải trả tiền cho Google để được lên “top”. Bản chất của quảng cáo trên Google là tính phí theo số lần bấm chuột hoặc số lần website của khách hàng hiển thị trên các trang tìm kiếm. Google đang tận thu tất cả đối tượng vì cho dù ngân sách là bao nhiêu, khách hàng đều có thể quảng cáo trên Google và chỉ trả tiền khi có người bấm vào quảng cáo của họ.

 

Không chịu kém cạnh, mạng xã hội Facebook cũng cho ra đời dịch vụ Facebook Ads để cạnh tranh. Facebook giới thiệu: “Bạn chỉ cần có thẻ Visa thanh toán quốc tế của bất cứ ngân hàng nào tại Việt Nam, ví dụ như HSBC,

 

Vietcombank, Techcombank... và trong tài khoản cần có đủ chi phí để thanh toán cho quảng cáo vì hình thức thanh toán quảng cáo trên Facebook là trả trước. Ở mục trả tiền cho mỗi lượt xem hoặc lượt click, bạn có thể tự lựa chọn hình thức thanh toán hợp lý. Đấu giá càng cao thì tỷ lệ hiển thị ưu tiên càng nhiều”.

 

Không chỉ “click chuột, trả tiền”, các mạng nước ngoài còn có hệ thống đại lý không chính thức tại Việt Nam cung cấp các gói quảng cáo 1-3 tháng với các mức giá hết sức linh hoạt và nhiều hình thức quảng cáo như treo banner, đăng tin tiếp thị, chia sẻ sản phẩm yêu thích giữa những người dùng Facebook...

 

Theo số liệu của các hãng nghiên cứu thị trường AC Nielsen và TNS, Google đang chiếm tới 95% thị trường tìm kiếm trực tuyến và đem lại khoảng 70% lượng truy cập cho các website tại Việt Nam. Chính vì vậy dịch vụ quảng cáo Google AdWords của Google đang chiếm thị phần rất lớn. Theo nguồn tin của PV, 60% thị trường quảng cáo trực tuyến hiện đang thuộc về các mạng nước ngoài. Một con số tham khảo là doanh thu quảng cáo của Google tại Việt Nam có thể đã lên đến 40 triệu USD trong năm 2011. Các mạng Facebook, YouTube… cũng đang khai thác quảng cáo tại Việt Nam, doanh thu không được công bố nhưng con số cũng rất lớn dù các mạng này và cả Google hiện đều không có đại diện chính thức ở Việt Nam.

 

Cơ quan thuế chưa “nắm” được



Có thể truy thuế từ các đối tác trong nước

Một doanh nghiệp trong lĩnh vực nội dung số cho biết nếu cơ quan thuế quan tâm và có đủ trình độ về công nghệ sẽ thu thuế được từ hoạt động kinh doanh của các mạng xuyên biên giới. Ví dụ như khi Google hoạt động tại Việt Nam, họ phải thuê server, đăng ký tên miền và có các đối tác viễn thông tại Việt Nam, nếu không, chắc chắn server quốc tế của họ sẽ bị quá tải từ lượng truy cập ở Việt Nam. Từ mối quan hệ này, ngành thuế có thể tạo áp lực và buộc họ phải kê khai nộp thuế. Không thể để tình trạng lách thuế một cách ngang nhiên như vậy được.

 

Điều đáng nói là mặc dù đang thu lợi rất lớn từ thị trường Việt Nam nhưng các mạng quốc tế trên hầu như không phải chịu thuế. Phương thức thanh toán được các mạng này sử dụng chủ yếu là chuyển tiền qua thẻ tín dụng quốc tế khiến cơ quan thuế rất khó kiểm soát cũng như không thể xác định đối tượng nộp thuế. Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena, cho biết: “Các mạng quảng cáo xuyên biên giới không muốn bị ràng buộc bởi pháp luật Việt Nam nên họ không đặt văn phòng hay bất kỳ chi nhánh nào tại Việt Nam, chỉ có một vài cá nhân làm đại diện liên lạc hoặc cung cấp thông tin thôi, vì vậy không thể nào thu thuế được với họ. Các đại lý không chính thức bán quảng cáo cho họ tại Việt Nam cũng thanh toán qua thẻ tín dụng nên cũng không nộp thuế”.

 

Không chỉ thanh toán qua thẻ tín dụng, các mạng này còn tìm nhiều cách để thanh toán xuyên biên giới hợp pháp. Mới đây, mạng Facebook áp dụng hệ thống thanh toán qua PayPal, một hình thức trả tiền trước qua thẻ. Theo Facebook, hình thức thanh toán này sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến, các blogger sẽ dễ dàng hơn khi mua quảng cáo trên trang Facebook mà không gặp khó khăn về mặt thanh toán và chỉ phải trả phí cho nhà cung cấp, không hề phải nộp bất cứ khoản thuế nào.

 

Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Lê Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, thừa nhận: “Chúng tôi cũng chỉ mới nghe thông tin các mạng xã hội thu rất nhiều tiền từ thị trường quảng cáo trực tuyến của Việt Nam, nhưng họ không có chi nhánh hay văn phòng đại diện tại Việt Nam nên không thể thu thuế được. Trước nay, chúng tôi chỉ thu thuế doanh nghiệp nào có đăng ký hay kê khai thuế và thanh tra dựa trên sổ sách, hóa đơn, chứng từ… Các hình thức kinh doanh khác thông qua mạng internet và công nghệ số thì cơ quan thuế vẫn chưa theo kịp. Riêng các đại lý của các mạng xã hội tại Việt Nam, sắp tới chúng tôi có thể kiểm tra, nếu phát hiện có thu nhập phát sinh từ hợp đồng, thỏa thuận với đối tác nước ngoài thì sẽ áp dụng việc thu thuế nhà thầu”. 

 

Việc các mạng xã hội lách thuế, hốt bạc tại Việt Nam khiến nhiều doanh nghiệp lĩnh vực nội dung số trong nước gặp khó. Ông Nguyễn Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc đối ngoại của Tập đoàn VNG, bức xúc: “Trong khi các doanh nghiệp trong nước hoạt động cùng lĩnh vực phải đóng thuế đầy đủ, nội dung quảng cáo bị kiểm soát chặt chẽ thì các mạng nước ngoài lại vô tư kinh doanh tại Việt Nam mà không phải chịu thuế. Chính sự bất bình đẳng này đã khiến nhiều doanh nghiệp trong nước không cạnh tranh nổi và dần dần bị loại khỏi cuộc chơi”.

 

Theo TN

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo