Xã hội

Huế: Rừng tiếp tục bị tàn phá

Từ khi công trình thủy điện Bình Điền hoạt động, nạn đánh bắt thủy sản, khai thác lâm sản gia tăng.

Từ lâu, một bộ phận không nhỏ người dân ở các xã: Bình Thành, Bình Điền, thị xã Hương Trà sống dựa vào rừng, canh tác nương rẫy, khai thác lâm sản phụ, săn bắt và đánh cá... trên nhánh Hữu Trạch ở thượng nguồn sông Hương.

Năm 2009, khi hồ thuỷ điện Bình Điền đi vào hoạt động, lượng ghe, thuyền máy ở đây tăng hơn 100 chiếc, thường xuyên hoạt động trong lòng hồ và vùng thượng nguồn.

Hoạt động khai thác vận chuyển lâm sản trái phép thường xuyên diễn ra với hình thức, buộc gỗ chìm dưới nước rồi dùng ghe máy kéo bè về xuôi…

Ông Nguyễn Đại Hóa - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bình Điền, cho biết: Thủy điện đi vào hoạt động, nhiều hộ dân thiếu đất sản xuất, họ bám vào rừng kiếm sống. Để hạn chế người dân khai thác lâm sản trái phép, địa phương đang tiến hành cấp đất cho người dân sản xuất để hạn chế phá rừng.

Những năm trước, do công tác quản lý chưa được tốt, nên người dân từ nơi khác đưa ghe, thuyền đến để khai thác lâm sản. Hiện ở lòng hồ có trạm kiểm lâm thường xuyên phối kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều đợt tuyên truyền vận động, rồi truy quét.

Hạt kiểm lâm thị xã Hương Trà đẩy mạnh triển khai tuần tra kiểm soát ngăn chặn ghe thuyền hoạt đông trái phép trong lòng hồ thủy điện Bình Điền, xử lý gần 150 vụ vi phạm tich thu hàng trăm mét khối gỗ. Tuy nhiên, không ít đối tượng lén lút hoạt động, hung dữ chống lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện.

Công an thị xã Hương Trà đã khởi tố vụ án và bắt tạm gian nhiều đối tượng là những đầu nậu tổ chức khai thác, vận chuyển gỗ trái phép và chống người thi hành công vụ trên tuyến Hữu Trạch.

Ông Đặng Văn Kiệm - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Việc ngăn chặn việc khai thác lâm sản trái phép trong lòng hồ thủy điện gặp nhiều khó khăn, do lòng hồ rộng, các đối tượng có thể đi nhiều ngõ ngách và lợi dụng đêm tối để vận chuyển gỗ, động vật hoang dã.

Hàng trăm ha rừng đã hy sinh nhường chỗ cho thủy điện Bình Điền. Nay khi có đường thủy mở rộng trong lòng hồ, rừng nguyên sinh lại tiếp tục bị tàn phá./.


Hồng Lĩnh (Theo VOV)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo