Pháp luật

Khách tố "bốc hơi" 9 tỷ đồng: Ngân hàng NCB nói gì?

“Việc giao dịch số tiền 8,993 tỷ đồng của bà Mai nêu trên là giao dịch cá nhân giữa bà Hà và bà Mai trong quan hệ vay mượn, không liên quan đến NCB và các cán bộ nhân viên NCB” - báo cáo gửi cơ quan thanh tra giám sát, NHNN của Ngân hàng Quốc dân (NCB) khẳng định.

Theo trình báo của bà Nguyễn Bạch Mai (khách hàng), thời kỳ đầu số tiền này được gửi tiết kiệm nhưng sau đó bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng giao dịch số 14 của chi nhánh trên tư vấn, ngân hàng đang có sản phẩm ưu đãi chuyển từ tiết kiệm sang bảo lãnh ngân hàng với lãi suất 13%/năm dành cho các khách “VIP”, theo tin tức trên báo Kinh tế & Đô thị.

Ảnh minh họa. 

Sau đó, bà Nguyễn Bạch Mai đồng ý và ký các thủ tục tất toán sổ tiết kiệm và chuyển sang dạng chứng từ của ngân hàng. Đầu tháng 1/2017, sau khi không liên lạc được với bà Hà trưởng phòng giao dịch, bà Mai đến phòng giao dịch 14 thì một nhân viên thông báo toàn bộ số tiền đã bị rút hết, không còn trong tài khoản.

Bà Mai khẳng định chứng từ của NCB bà vẫn giữ, có chữ ký của Trưởng phòng giao dịch, đóng dấu của ngân hàng, bà cho biết nếu bà không rút tiền thì tại sao người khác có thể lấy tiền của bà. Về vấn đề này, phía NCB đã văn bản trả lời khiếu nại bà Mai với 4 điểm chính.

Thứ nhất, bà Hà – nguyên Trưởng Phòng giao dịch số 14 đã nghỉ việc tại NCB từ tháng 9/2016 vì lý do cá nhân. Sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại, NCB đã 3 lần gửi giấy mời bà Hà đến làm việc, nhưng vì lý do cá nhân, bà Hà đều không có mặt.

Thứ hai, trong khoảng thời gian từ 2012 – 2015, bà Mai đã có tổng cộng 17 lần thực hiện các hoạt động gửi tiền tiết kiệm và rút tiền tại NCB (có bảng kê đính kèm). Qua xác minh ban đầu của NCB thì trên tất cả các chứng từ đều có đầy đủ chữ ký của bà Mai và được thực hiện theo đúng quy trình của NCB.

Thứ ba, đối với các Bảng kê tiền gửi do bà Mai cung cấp cho NCB, có chữ ký của bà Hà, NCB xác nhận đây hoàn toàn không phải là sản phẩm và mẫu biểu của NCB vì 3 lý do.

 

Đầu tiên, bảng kê tiền gửi chỉ nêu Tên Khách hàng mà không có đủ các nội dung: Mã số khách hàng, Số CMND, Địa chỉ, không có người thu tiền và người nộp tiền, người lập biểu. Tiếp đến, tại thời điểm bà Hà lập bảng kê tiền gửi, NCB không có bất cứ sản phẩm huy động nào có mức lãi suất như trên bảng kê. Cuối cùng, NCB khẳng định không có biểu mẫu này.

Thứ tư, NCB nhận định vụ việc trên có những dấu hiệu sai phạm cá nhân liên quan đến bà Nguyễn Thị Thu Hà – nguyên Trưởng phòng giao dịch số 14 của NCB nên NCB đã có Đơn tố cáo gửi Công an Thành phố Hà Nội để xác minh làm rõ.

Trước tình hình đó, bà Mai đã làm đơn lên Thanh tra Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng NCB đề nghị ngân hàng kiểm tra giải quyết. Được biết, từ tháng 9/2016, bà Nguyễn Thị Thu Hà đã xin nghỉ việc tại NCB với lý do cá nhân, báo Người tiêu dùng đưa tin.

Tính từ ngày 2/2 tới nay, phía NCB đã 3 lần gửi giấy mời bà Hà đến trụ sở ngân hàng để làm rõ nội dung nhưng bà Hà không có mặt mà chỉ trao đổi qua điện thoại với lý do cá nhân.

Sau khi xét toàn bộ các tài liệu chứng từ lưu giữ và các quy định của ngân hàng, NCB khẳng định đây là vụ việc có dấu hiệu sai phạm cá nhân diễn biến khá phức tạp do vậy đã chuyển toàn bộ vụ việc tới công an TP.Hà Nội (Phòng PA 84) để xác minh làm rõ.

 

Nên đọc
Dã Qùy (Tổng hợp theo báo Kinh tế & Đô thị, Người tiêu dùng)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo