Văn hóa

Khám phá Tết Độc lập của người Mông

Hàng năm, đến hẹn lại lên, đúng dịp 2/9, tất cả người Mông không phân biệt già trẻ, gái trai, giàu nghèo từ các bản gần xa trong huyện lại nô nức rủ nhau xuống thị trấn để tỏ lòng biết ơn Đảng, Bác Hồ, Chính phủ đã đem lại độc lập tự do cho đồng bào cả nước nói chung và người Mông nói riêng.

Theo lời kể của những người Mông cao tuổi, kể từ ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (2/9/1945), người Mông đã rất trân trọng và coi đó là Tết Độc lập của dân tộc. Từ khoảng cuối những năm 50 thế kỷ trước, vào những ngày này, thị trấn Mộc Châu treo nhiều cờ đỏ mừng Quốc khánh. Thanh niên ở các núi xuống thị trấn chơi, thổi khèn, múa hát với nhau, nhận nhau là anh em, rủ nhau đi tâm tình thâu đêm. Đến sáng thì chia tay, hẹn nhau ngày này năm sau gặp lại. Chính vì vậy, Tết Độc lập còn có tên gọi là Tết Cờ đỏ sao vàng.

Tết Độc lập của người Mông kéo dài từ 29/8 đến ngày 2/9 nhưng đông vui nhất là ngày 1/9. Để tới lễ hội, bà con người Mông phải chuẩn bị từ nhiều ngày trước đó. Họ chọn cho mình những bộ trang phục đẹp nhất, rực rỡ nhất. Trai thì đầu quấn khăn, cổ đeo vòng, vai vác khèn. Gái thì rực rỡ áo váy, tay cầm đàn môi, leng keng nhạc ngựa xuống thị trấn. Sắc cờ đỏ thắm kỷ niệm ngày Tết độc lập 2-9 hoà cùng sắc màu rực rỡ từ trang phục của bà con người Mông đã dệt nên bức tranh nhiều màu.

Tết Độc Lập cũng như Tết năm mới, người Mông cũng làm lễ cúng mời ông bà tổ tiên. Trẻ con thì háo hức trên lưng mẹ xuống chợ. Nhưng chờ đợi ngày Tết Độc lập có lẽ là những chàng trai cô gái Mông. Chàng trai thổi điệu khèn hay nhất, cô gái mặc chiếc váy hoa đẹp nhất, vòng bạc, đôi dép để dành đã lâu cũng mang ra dùng.

Ảnh: TL.

Sáng sớm 1/9, khi mây mù vẫn còn bao phủ trên những dãy núi cao, dù trời mưa hay nắng,  không khí ngày Tết Độc lập đã bao trùm khắp các bản làng rẻo cao của đồng bào dân tộc Mông ở huyện Than Uyên, lan tỏa sang cả các bản của đồng bào dân tộc Thái, Dao, Khơ Mú... Từng đoàn người Mông với váy áo truyền thống tưng bừng vui chơi, ăn uống, mua bán làm huyên náo các con đường trong trung tâm thị trấn. Hình ảnh những chiếc xe khách kín chỗ liên tiếp chở khách đến Mộc Châu; du khách nước ngoài, các nhà nhiếp ảnh chuyên và không chuyên liên tục nháy máy ghi lại hình ảnh các thiếu nữ Mông e ấp với khăn áo xúng xính... khiến cho không khí của ngày Tết thêm tưng bừng... Khắp nơi trong thị trấn hôm đó đều đỏ rực màu cờ. Ngồi dưới cái cờ đó cũng như ngồi dưới bàn thờ ngày Tết nhà mình có dán giấy đỏ. Không bảo nhưng ai cũng biết là phải tuyệt đối không được làm điều gì xấu, dễ mất bạn.

Ngày 1/9 Dương lịch hằng năm cũng là phiên chợ tình duy nhất trong năm của người Mông tại Mộc Châu. Chợ đẹp lắm vì trang phục của người Mông chia thành nhiều dòng: Mông Đơ (trắng), Mông Đu (đen), Mông Si (đỏ), Mông Lềnh (hoa), Mông Súa (Mông Mán)... Các sắc áo váy sặc sỡ hòa trộn vào nhau như một rừng hoa. Còn những đôi trai gái người Mông ở tuổi cặp kê cũng được một dịp lý tưởng để hò hẹn, tìm kiếm bạn đời. Các chàng trai thi nhau thổi khèn bên những cô gái trẻ đẹp, váy áo sặc sỡ. Hai chữ “chợ tình” đã đi vào cách hiểu của người dưới xuôi như một phạm trù xã hội về tình yêu, hôn nhân. Trong chợ, trên đường đều thấp thoáng những đôi trai gái tìm hiểu, tán tỉnh nhau. Trải qua hơn 40 năm, nhiều thế hệ thanh niên gặp nhau ở phiên chợ Tết Độc lập đã nên vợ nên chồng. Cũng có mối tình không dẫn đến hôn nhân nhưng vẫn giữ mối quan hệ bạn bè, họ gặp lại nhau trong đêm Tết, thăm hỏi động viên nhau trên bước đường đời. Vì vậy, đêm về khuya, bố đi đường bố, mẹ đi đường mẹ, con trai, con gái lớn đi lối riêng của mình. Họ hẹn nhau đến sáng thì đợi ở một điểm nào đó để cùng về bản, tuyệt nhiên không hỏi đêm qua gặp ai, ở đâu, làm gì...

Ảnh: TL.

Cũng bởi trong phong tục kết bạn của người Mông, khi đã gặp nhau bên mâm cơm, dù bản làng xa cách bao nhiêu vẫn kết bạn, kết nghĩa anh em, kết duyên trai gái. Chính vì vậy mà theo thời gian, tết mỗi năm lại đông hơn năm trước. Những năm 90 của thế kỷ XX, Tết Độc lập ngày một đông vui, hàng nghìn người Mông ở khắp các tỉnh vùng Tây Bắc đến dự. Sang những năm 2000, lại thêm người Mông ở Việt Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An và cả người Mông bên nước bạn Lào cũng về vui Tết với người Mông Mộc Châu. Các dân tộc anh em như Thái, Mường, Kinh, Dao, Khơ Mú ở các bản lân cận cũng kéo về thị trấn Mộc Châu vui Tết cùng bà con người Mông. Dần dần, Tết Độc lập ở Mộc Châu trở thành tết chung của đồng bào các dân tộc vùng cao, các dân tộc anh em như Thái, Mường, Kinh, Dao, Khơ Mú...

Đi chơi Tết, thưởng thức ẩm thực người Mông, mua những chiếc váy thổ cẩm, xem cướp vợ… là những trải nghiệm không thể quên đối với những ai đã đến với cao nguyên này. Mộc Châu luôn là địa chỉ vẫy gọi những người thích du lịch và khám phá. Trong ngày Tết Độc lập, Mộc Châu không chỉ là nơi đón người Mông về ăn Tết mà các dân tộc anh em cũng về chơi. Đặc biệt, đây là cung đường yêu thích của nhiều dân phượt Hà Nội và nhiều tỉnh khác.

Có lẽ không ở đâu có sự tụ hội để mừng ngày Tết Độc lập như ở cao nguyên Mộc Châu. Mộc Châu giờ không chỉ là điểm để đồng bào các dân tộc trong tỉnh Sơn La cũng như các tỉnh kề cận mà thậm chí còn là nơi để đồng bào dân tộc bên nước bạn Lào tìm đến. Uống rượu, vui vẻ hát ca, tìm bạn cũ, làm quen bạn mới, những tình bạn vượt tỉnh, vượt biên giới là những cái không mấy nơi có được trong những ngày Tết Độc lập ở nơi này.

 

Nên đọc
Theo Thế giới di sản
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo