Khám phá

Chuyện về một cao thủ Võ lâm Phật gia Việt Nam

Trước ngôi nhà số 311 (ngõ 281 Trần Khát Chân, phường Thanh Nhàn, Hà Nội) là một hồ nước rộng và tĩnh lặng. Khi cánh cửa sắt mở ra, bước vào ngôi nhà này, tôi chìm đắm vào không gian của võ thuật, võ học, võ lý, võ đạo.

Bí mật kinh hoàng việc Càn Long chọn Gia Khánh kế vị / 20 bức ảnh đẹp nhất Cuộc thi ảnh Thiên nhiên hoang dã 2018

5ab0c8807a76dfb36f0044b9
Võ sư Lý Băng Sơn với những pho sách về võ thuật mới xuất bản. Ảnh: Văn Chương

Kho tàng võ

Tôi dừng lại trước ngôi nhà số 311 và kiên nhẫn chờ đợi theo lời hẹn. Sương sớm vẫn tản mát trên mặt hồ Thanh Nhàn phía trước ngôi nhà. Buổi sáng có thể là lúc võ sư Lý Băng Sơn đang ngồi thiền hoặc quay mặt vào tường để xuất chiêu, luyện võ. Đối với người đã luyện võ 40 năm như võ sư thì chỉ có luyện võ trong tâm mới có thể thi triển hết những đòn thế từng được học.

Tôi nhớ câu “khổ hằng xuất cao thủ” mà võ sư viết trong cuốn “Bí mật võ lâm chân truyền”. Ý nghĩa của câu nói là nếu chịu khó, chịu khổ thì sẽ trở thành cao thủ. Đứng trước ngôi nhà và nhìn ra mặt nước hồ phẳng lặng, tôi mượn câu này để nhắc mình phải chịu khó đợi. Xong cuộc hẹn thì sẽ ra ga để xuôi về miền Trung vì ngày Tết đã cận kề.

Cánh cửa võ quán được mở. Đồ đạc trong ngôi nhà không có gì ngoài những dụng cụ tập võ. Phía bên trái cửa là một hàng mộc nhân (dụng cụ luyện võ) đã nhẵn thín vì cùi chỏ và cánh tay mài dũa hằng ngày. Phía bên phải là một hàng bao xốc bằng da dày treo lên trần nhà bằng những sợi dây xích. Bên trong cùng là một chiếc giá đặt thanh long yến nguyệt, phương thiên họa kích...

Nhìn lướt qua ngôi nhà và quay về phía võ sư, tôi thoáng thất vọng khi ánh mắt của Lý Băng Sơn khá nguội lạnh, nét mặt không “căng” như những võ sĩ trên sàn đấu MMA. Sau này tôi hiểu rằng, Lý Băng Sơn luôn quan niệm “Ninh khả ái nhân đã/ Tuyệt bất đả tiện nhân”. Câu này nói về võ đức của người luyện võ, vì người mà mình chịu thiệt chứ không giành giật phần thắng về mình rồi lại đả thương họ.

 

Võ sư Lý Băng Sơn trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 60 của mình (ông sinh năm 1958). Thỉnh thoảng cắt ngang câu chuyện, võ sư rút một thẻ bài trong túi ra để trả lời điện thoại, hoặc trao đổi với các võ sư ở Quảng Ngãi, Bình Định. Nghề tay trái của Lý Băng Sơn là phong thủy, lương y. Nghề võ là nghiệp, hoàn toàn không đủ trang trải cho cuộc sống hiện tại. Lật giở những cuốn sổ võ sư viết bằng tay cách đây 10 đến 20 năm, trong đó có nhấn mạnh đặc điểm quyền thuật của võ lâm “nhất chiêu, nhất thức, thế thế liên...”, tôi hiểu, niềm đam mê của võ sư là tột cùng.

Triết lý võ

Nếu tầng 1 của võ quán là không gian để luyện võ, thì tầng 2 là nơi để viết ra những pho triết lý về võ thuật. Sư phụ đầu tiên của võ sư Lý Băng Sơn là đại sư Lý Chấn Hòa, người Việt gốc Hoa; đại sư thứ 2 là Đoàn Tâm Ảnh ở Sài Gòn và người thứ 3 là Huyền Công Đạo, “vua ám khí” đất Bắc. Suốt 40 năm sưu tầm học võ, Lý Băng Sơn đã nghiền ngẫm để lưu truyền kiến thức của sư phụ và lập ra môn phái Võ lâm Phật gia Việt Nam, một môn võ có hệ thống triết lý mang bản sắc Việt.

Nhìn mặt nước hồ Thanh Nhàn đang bình lặng qua ô cửa sổ nhỏ, Lý Băng Sơn chậm rãi triết lý: “Vạn vật có âm, có dương thì quyền thuật có nội có ngoại, tức vô hình và hữu hình. Hiện ra bên ngoài có thể nhìn thấy thuộc ngoại, có Nhân, Thủ, Thân, Yêu, Bộ. Tàng ẩn bên trong mà không thấy được thì có Thức, Tâm, Kinh, Khí, Thần. Đó là những điều căn bản mà các quyền thuật gia ai cũng biết. Võ thuật cổ truyền gọi đó là “Thập đại yếu pháp”, tức là 10 pháp chính mà người luyện võ cần phải biết”.

Nếu kết hợp được giữa Nhãn, Thủ, Thân, Yêu, Bộ thì toàn thân biến thành một khối vững chắc tựa núi Thái Sơn, quyền cước phóng ra liên miên, bất tận, thân pháp thoắt ẩn thoắt hiện. Giải nghĩa về phần âm, võ sư cho biết, phần ngũ nội pháp như: Tâm tịnh thì khí sẽ thông suốt, tạo ra nội ngoại kết hợp và đỉnh cao đạt đến thần là giác quan thứ 6, những đòn thế cực nhanh sẽ vượt ra khỏi sự kiểm soát của ý thức. Nếu luyện được “Thập đại yếu pháp” thì võ công sẽ liệt vào hàng cao thủ, muốn bại cũng khó, không cầu vẫn thắng.

 

Tôi từng nghe võ sư Bùi Tá Ngọc từ Quảng Ngãi ghé ra thăm Lý Băng Sơn và ca ngợi về hệ thống lý luận Võ lâm Phật gia Việt Nam. Và quả thực, đây là những cuốn sách công phu. Võ sư Lê Ngọc Quang, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội võ thuật Hà Nội từng viết về Lý Băng Sơn và ca ngợi sự đóng góp của ông cho võ thuật. Hòa thượng Thích Thanh Duệ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam đánh giá về pho sách của Lý Băng Sơn là “cuốn sách bao quát về hệ thống kiến thức võ học, phương pháp phù hợp để rèn luyện tân - thân - trí. Tất cả thấm đẫm tinh thần thượng võ dân tộc”.

Ở Việt Nam, võ sư Lý Băng Sơn là một trong những người viết sách nhiều nhất về võ thuật. Võ sư đã xuất bản 9 cuốn sách về Võ lâm Việt Nam tùng thư và đã viết thêm 3 cuốn sách về Tam bộ La hán quyền phân thế chiến đấu, Ưng trảo quyền - Ngũ hình bát pháp quyền, Võ lâm chân truyền Nhị bách thế Huyền Công.

Viết sách từ làn khói hương

Từng là người lính có thâm niên ở Đoàn Thanh Xuyên, vì vậy, võ sư thành lập môn phái đã rất chú trọng đến việc rèn luyện các võ sĩ có tính kỷ luật cao, ý thức võ thuật gắn với phụng sự xã hội. Trong phần châm ngôn sống của Võ lâm Phật gia Việt Nam, võ sư đã đặt ra 5 điều huấn thị của võ lâm; 20 điều cần nhớ của võ lâm; ngũ đức võ lâm; giới ước võ lâm.

Cầm trên tay cuốn sổ nhỏ được ghi chép bằng nét bút mực cách đây mấy chục năm của cố Đại võ sư Đoàn Tâm Ảnh từ Sài Gòn gửi ra cho học trò Lý Băng Sơn, tôi lần giở trang cuối và đọc được dòng chữ: “Ở đâu cũng phải nghĩ về quê hương truyền thống dựng nước 4.000 năm văn hiến”. Những lời dạy ngắn gọn của đại sư trước khi qua đời đã giúp Lý Băng Sơn triển khai thành một hệ thống võ đức để đưa vào phần lý luận của môn phái.

 

Mải mê với những pho sách lý luận về võ học, tôi cùng võ sư đã đi qua 13 bậc thang gỗ của tầng 2 và 11 bậc thang gỗ lên tầng 3. Binh khí và cờ xí ở tầng này đều phủ một làn khói mỏng. Vì trên bàn thờ tổ đặt cùng một lúc 3 tấm di ảnh của các sư phụ cùng 3 bát hương. Hằng ngày, võ sư Lý Băng Sơn nhìn làn khói, tưởng nhớ ân sư, thầm nguyện lòng “con xin làm đuốc rọi đường mờ, tiếp nối...!”. Tâm nguyện đó giúp võ sư tiếp tục nghiền ngẫm, viết sách, truyền dạy Võ lâm Phật gia Việt Nam, dù nghề võ chỉ làm cuộc sống của võ sư mỗi ngày thêm nghèo.


Theo bienphong.com.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm