Khám phá

Cột mốc lớn về nghiên cứu vũ trụ

Kính viễn vọng không gian James Webb đã hoàn thành giai đoạn triển khai phức tạp kéo dài 2 tuần vào ngày 8-1, qua đó sẵn sàng nghiên cứu mọi giai đoạn của lịch sử vũ trụ.

Kính viễn vọng của NASA chụp được ảnh UFO lớn nhất bay ra từ phía Mặt trời? / Trung Quốc ‘săn’ người ngoài hành tinh bằng kính viễn vọng lớn nhất thế giới

James Webb là dự án trị giá 10 tỉ USD do Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) dẫn đầu với sự đóng góp của các cơ quan vũ trụ châu Âu và Canada.

Thông báo của NASA trên mạng xã hội Twitter ngày 8-1 viết rằng James Webb đã mở cánh thứ hai của mặt gương đường kính 6,5 m.

Nó sẽ quét vũ trụ để tìm luồng ánh sáng từ các ngôi sao và thiên hà hình thành cách đây 13,8 tỉ năm. Kỹ sư NASA Thomas Zurbuchen mô tả đây là một "cột mốc đáng kinh ngạc".

Cột mốc lớn về nghiên cứu vũ trụ - Ảnh 1.

Kính viễn vọng không gian James Webb tách khỏi tên lửa Ariane 5 sau khi được phóng từ bãi phóng ở Guiana thuộc Pháp. Ảnh: NASA

James Webb mạnh hơn nhiều so với kính viễn vọng không gian Hubble. NASA đã trang bị cho James Webb tấm gương lớn và nhạy nhất từng được con người phóng lên vũ trụ. Các nhà khoa học gọi tấm gương này là "con mắt vàng".

Do kích thước quá lớn nên James Webb được gập lại theo phong cách xếp giấy origami khi lắp vào tên lửa. Một tấm chắn nắng - lớn bằng sân tennis - đặt cố định giữa kính viễn vọng này và mặt trời, trái đất, mặt trăng, trong đó mặt quay về phía mặt trời chịu được 110 độ C.

Theo NASA, James Webb vẫn còn khoảng 5 tháng rưỡi nữa để thiết lập. Các bước kế tiếp bao gồm căn chỉnh quang học và hiệu chỉnh các thiết bị khoa học của kính viễn vọng.

Nếu mọi việc suôn sẻ, James Webb sẽ bắt đầu quan sát vào mùa hè này. Nhiệm vụ của James Webb cũng bao gồm nghiên cứu các hành tinh xa xôi để xác định nguồn gốc, sự tiến hóa và khả năng tồn tại sự sống của chúng.

Nhà khoa học Amy Lynn Thompson nói với đài Al Jazeera: "Các ngôi sao và thiên hà khi hình thành đều rất nóng. Vì vậy, kính viễn vọng này sẽ tìm kiếm dấu hiệu nhiệt cách 100 triệu năm sau vụ nổ Big Bang. Điều đó thật khó tin".

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm