Khám phá

Giải mã thời Tam quốc: Thay một chữ, Tào Tháo 'gian hùng' cả đời

Chỉ với một chữ bị thay đổi từ chính sử sang tiểu thuyết, nhân vật lịch sử Tào Tháo đã đặt bước chân đầu tiên vào văn học với hình ảnh “gian hùng”.

Vườn lan 'huyền thoại' có một không hai ở Tuyên Quang / Dã Quỳ nhuộm vàng đất trời Tây Bắc

giai ma thoi tam quoc: thay mot chu, tao thao 'gian hung' ca doi hinh anh 1

Tạo hình nhân vật Tào Tháo trong phim.

Trong “tứ đại danh tác” của văn học cổ điển Trung Quốc, “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung có lẽ là tác phẩm được bàn luận nhiều nhất bởi sự xuất hiện của rất nhiều nhân vật ấn tượng, được khắc họa cực kỳ sống động như Lưu Bị, Tào Tháo, Quan Vũ, Gia Cát Lượng...

Tuy nhiên, dưới quan điểm sáng tác “ủng Lưu phản Tào”, hình tượng lịch sử của các nhân vật trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” đã phần nào bị cường điệu, nhiều chi tiết không có thật đã được thêm thắt, xáo trộn nhằm phục vụ cho quan điểm ấy. Các chi tiết văn học “bảy thực ba hư” của tác phẩm, vì thế không thể là cơ sở cho những phân tích và mổ xẻ triệt để về lịch sử của giai đoạn này.

Cùng với việc bộ sử Tam Quốc Chí (NXB Văn học 2016, Bùi Thông dịch, Phạm Thành Long hiệu đính) lần đầu tiên được dịch và phát hành tại Việt Nam, những người yêu thích giai đoạn lịch sử này có cơ hội tiếp cận với các sử liệu đáng tin cậy và từ đó phần nào “giải mã” được thời Tam Quốc.

“Trị thế năng thần, loạn thế gian hùng” Tào Tháo

Người đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa hẳn rất quen với tám chữ “trị thế năng thần, loạn thế gian hùng” (bề tôi giỏi đời trị, kẻ gian hùng thời loạn) mà Hứa Thiệu bình phẩm về Tào Tháo ngay từ hồi Một. Tám chữ này được mặc định như là mô tả chân xác nhất về vị bá chủ Bắc Ngụy hiếp bức thiên tử hiệu lệnh chư hầu.

 

Lời bình của Mao Tôn Cương thậm chí còn nói kỹ hơn: “Lúc ấy đâu có phải thời trị, vì thế câu nói của Hứa Thiệu chủ yếu nằm ở vế sau – Tháo là kẻ gian hùng! Nghe người ta bảo mình là gian hùng, mà Tháo mừng, thì cái mừng ấy thật là ác, thật là hiểm”.

Nhưng có thật là Tào Tháo “cả mừng” khi nghe lời bình phẩm ấy? Tam Quốc Chí kể lại một cố sự khá tương đồng. Chỉ khác đúng một chi tiết: Tháo không phải “cả mừng”, mà là “cả cười”. Đây là một khác biệt quan trọng.

Vì sao lại cười? Vì vui, vì đắc ý, vì…đơn giản là thấy tức cười. Suy nghĩ của chàng trai trẻ Tào Tháo (thời điểm đó Tháo chưa hai mươi) lúc ấy có thể là một loại xung động trong lòng được bộc phát lên thành tiếng cười, thứ xung động vui mừng hay đắc ý ấy dẫu sao vẫn mang màu sắc ngây thơ, như chính cái cách Tháo ép Hứa Thiệu bình phẩm về mình (người ta đã không đáp mà cứ “cố hỏi”, như con nít!), nhưng chắc chắn không phải là cái “ác”, cái “hiểm” như ấn tượng mà Tam Quốc Diễn Nghĩa đem lại.

Chỉ với một chữ bị thay đổi từ chính sử sang tiểu thuyết, nhân vật lịch sử Tào Tháo đã bước bước chân đầu tiên vào hình tượng văn học “gian hùng” như thế đó.

Đông Hán khi nào là “loạn thế”?

 

Mao Tôn Cương không cho rằng thời điểm Hứa Thiệu phẩm bình về Tào Tháo là “trị thế”. Vậy nhưng lúc đó đã đủ để gọi là “loạn thế” hay chưa?

Theo trình tự thuật sự của Tam Quốc Chí, khi ấy Tào Tháo chưa đầy hai mươi, tức là trước năm 175. Loạn Khăn Vàng phải 9 năm sau (năm 184) mới nổ ra, càng xa nữa mới đến những cuộc phản loạn của Trương Thuần, Vương Phân, Biện Chương, Hàn Toại hay cuộc xung đột ngoại thích – hoạn quan giữa Hà Tiến và Thập Thường Thị (năm 189). Tình trạng quân phiệt cát cứ lại còn xa vời hơn nữa. Vậy sao có thể gọi là “loạn”?

Năng thần Tào Tháo

Nếu có thể gọi tên, thì thời điểm Tào Tháo hai mươi tuổi có thể coi là không “loạn” cũng không “trị”, các mầm mống loạn lạc đang ở mức sơ khai, hoạn quan nắm quyền lớn nhưng chưa lộng hành ra mặt. Và Tào Mạnh Đức khi ấy, theo Tam Quốc Chí, thật bất ngờ lại mang dáng dấp của một năng thần.

Sau khi được đề cử Hiếu liêm, Tháo được phong làm Bắc Bộ úy ở Lạc Dương. Đây là chức vụ đứng đầu về trị an ở cửa Bắc kinh đô Lạc Dương. Tào Tháo khi đảm nhiệm chức vụ này đã “sửa sang trị sự”, trừng trị “cường hào”. Tam Quốc Chí mô tả là Tào Tháo “làm roi năm màu, dựng hai bên cổng tất cả mười cây. Ai phạm phải điều cấm, bất kể có là cường hào, đều bị nọc ra đánh đến chết”.

 

Để duy trì trị an và pháp luật, Tào Tháo không ngại đụng độ với các thế lực khác như hoạn quan, mà tiêu biểu là việc cương quyết chấp pháp, đánh chết chú của Tiểu hoàng môn Kiển Thạc (nhân vật được Hán Linh đế tin cậy hơn cả Thập Thường Thị, giao cho chỉ huy Tây Viên quân – quan chức là Thượng quân Giáo úy, cao hơn cả Viên Thiệu, Tào Tháo khi đó

Không chỉ chuyên cần chính vụ, Tào Tháo khi ấy còn là một thần tử năng nổ, đã không ít lần dâng thư can gián lên Hán đế. Khi Trần Phồn, Đậu Vũ mưu diệt hoạn quan thất bại, chính Tào Tháo đã dâng sớ để bảo vệ các quan lại chính trực, chỉ ra “gian tà đầy rẫy trong triều” (ý nói thế lực hoạn quan), lời lẽ trong sớ “hết sức thống thiết”. Chỉ có một năng thần, với lý tưởng phụng sự cao đẹp và sự dũng cảm không ngại khó khăn, không sợ nguy hiểm, mới có thể làm ra những chuyện như vậy.

Vì thế, khi nghe được lời bình phẩm từ Hứa Thiệu, giả như Tháo có “cả mừng” như La Quán Trung mô tả, thì cái “mừng” ấy hẳn là cái mừng vì được nhìn nhận tài năng và hoài bão của một năng thần, chứ chưa hẳn đã là cái mừng của kẻ gian hùng.

1
Theo Tiền phong
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm