Khám phá

Hai chiếc lông trâu trắng và huyền bí quanh đền thờ 'đứa con thần nước' Yết Kiêu

Trong ngôi đền này, người dân thờ cả cáo, cá kình và một “người vợ” chưa từng được hỏi cưới cùng 9 cô hầu gái của người anh hùng dân tộc - 'đứa con thần nước' Yết Kiêu.

Lời nguyền chết chóc ám ảnh kho báu khổng lồ của Mỹ / Giật mình thuyết âm mưu con người đặt chân lên Mặt Trăng

Hai chiếc lông trâu và sự tích con của “thần nước”

Theo sự chỉ dẫn của dân làng, tôi tìm đến Đền Quát thuộc thôn Hạ Bì, tỉnh Hải Dương. Tương truyền, người dân nơi đây vì mến mộ tài năng và con người của Yết Kiêu - một vị tướng tài thời Trần với chiến công hiển hách đánh đuổi giặc Nguyên Mông nên đã góp sức xây dựng “Yết Kiêu thần từ” thờ Yết Kiêu.

Trải qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử, Đền Quát vẫn uy nghiêm và trầm mặc tựa mình bên cạnh con sông Đĩnh Đào của miền quê Gia Lộc.

Từ lời giới thiệu vị của Chủ tịch xã Yết Kiêu, tôi được gặp ông Phạm Hữu Lương – hậu thế đời sau của dòng họ Phạm Hữu - gia tộc sinh ra người con Yết Kiêu. Ông Lương đã ngoài 80 tuổi nhưng mắt vẫn sáng quắc, đôi tay nhanh nhẹn và giọng nói sang sảng, khỏe khoắn.

Gặp tôi, ông Lương tay bắt, mặt mừng, bởi ở cái độ tuổi xưa nay hiếm, ông nghĩ sẽ chẳng có ai đến đây để tìm hiểu về ngôi đền cổ. Và cũng từ rất lâu rồi, ông không có dịp nhắc lại những câu chuyện đầy bí hiểm được tổ tiên truyền lại xung quanh vị tướng tài ba của dân tộc năm xưa.

Ông Lương dẫn tôi vào phía trong đền, bước qua cánh cửa gỗ, tôi được đắm chìm trong không gian huyền ảo với hương khói, nhang, đèn nghi ngút,… Từng nét chạm trổ điêu khắc trong lối kiến trúc nhà gỗ chữ Đinh khiến những câu chuyện tôi được nghe về vị gia tướng của Trần Hưng Đạo Đại Vương hiện về như một thước phim quay chậm, cũ kĩ nhưng rất sống động.

Ông Lương nhẹ nhàng ngồi xuống, đưa mắt nhìn ra cửa - phía dòng sông Đĩnh Đào đang êm ả chảy trôi. Đó cũng chính là lúc tấm rèm bí mật về chàng thanh niên Phạm Hữu Thế dần dần hiện ra trước mắt tôi, bí hiểm và hùng tráng.

Hai chiec long trau trang va huyen bi quanh den tho 'dua con than nuoc' Yet Kieu hinh anh 1

Cung thờ vị anh hùng dân tộc Yết Kiêu - Phạm Hữu Thế.

Yết Kiêu - tên thật là Phạm Hữu Thế, sinh 13/2 năm Bính Ngọ (1242) tại làng Hạ Bì xưa, cha là cụ Phạm Hữu Hiệu và mẹ là bà Vũ Thị Duyên. Do hoàn cảnh gia đình có bố mất sớm, cậu bé Phạm Hữu Thế sớm phải theo mẹ bán nước cạnh bờ sông.

Truyện kể lại rằng, vào đúng năm 15 tuổi, như thường lệ, cậu bé Hữu Thế đang trên đường ra sông gánh nước về cho mẹ thì bỗng xuất hiện hai con trâu trắng xông vào húc nhau thừa sống thiếu chết. Thấy cảnh tượng đó, Hữu Thế không khỏi ngạc nhiên, chàng trai đang tuổi sung mãn, tay lăm lăm đòn ống, sừng sững lao vào can ngăn hai “kẻ điên”.

Tuy vậy, như không màng tới có sự có mặt của cậu, hai con vật vẫn lao lên, giơ cặp sừng sắc nhọn, húc thật lực quyết một phen sống mái để phân chia cho được thắng bại. Trong tình thế khó khăn, Hữu Thế vẫn bình thản tiến lại gần, kề vai mình vào cổ hai con trâu, dùng sức hất mạnh lên cao, khiến chúng tách ra, sợ hãi rồi bỏ chạy mỗi con một nơi.

Xong việc, Yết Kiêu tiếp tục xách thùng đi gánh nước cho mẹ. Nhưng kỳ lạ thay, khi ông bước chân tới đâu thì nước sông lại khô đến đấy, như rẽ đôi làn nước. Thấy có sự lạ, Yết Kiêu hạ thùng, kiểm tra chiếc đòn ống thì phát hiện đòn ống đã bị dập, bên trong còn vướng lại hai chiếc lông trâu trắng dính vào.

Nghĩ đây là điềm báo thần linh, trời ban cho hưởng điều quý, Yết Kiêu đem hai chiếc lông trâu kia nuốt ngay vào bụng. Từ đó trở đi, cơ thể ông trở nên cường tráng lạ kỳ, gánh nước phăm phăm không thấy mệt, lặn xa cả cây số và sức khỏe ngày một đi lên trông thấy.

 

Kể tới đây, ông Lương nói: “Nghĩ lại, ngày đó, cụ Yết Kiêu như người được thần linh chọn vậy. Từ sau sự lạ, cụ ngày một vạm vỡ, rắn chắc, lặn xa chừng 3 – 4 cây số vẫn như không, có hôm lặn nửa tiếng một mới ngoi lên, ai cũng kinh ngạc. Có lẽ cũng vì vậy mà cụ được lọt vào mắt xanh của Đại Vương Trần Hưng Đạo”.

Rồi tiếp câu chuyện, ông Lương kể rằng, thời đó, giặc Nguyên Mông hành hoành, nhà Trần đi khắp nơi đánh trống để tìm nhân tài. Khi đi đến địa phận của làng Hạ Bì, nghe thấy tiếng loa, chàng trai Hữu Thế xin tình nguyện tham gia đánh giặc.

Thấy chàng trai khôi ngô có thân hình vạm vỡ, cường tráng, lại có tài lặn hơn người, tuyển quân đồng ý ngay và đưa ông tới nơi đóng quân của Hưng Đạo Đại Vương – Trần Quốc Tuấn tại làng Kiếp Bạc (nay thuộc thôn Sơn Dương và Vạn Kiếp, xã Hưng Đạo, Chí Linh, tỉnh Hải Dương).

Trên đường đi, để thử lòng Yết Kiêu, tuyển quân cho ông đi dạo cảnh cùng 100 binh lính. Đến địa phận Đồ Sơn, trông xa xa có một ngôi đình làng đang tổ chức hội xuân và đấu vật đông đúc, thấy vậy, Hữu Thế ngỏ ý muốn tham gia. Nhưng ông không muốn vật qua vòng loại mà muốn vật thẳng với “Đô Nhất” hay còn gọi là “Đô Châu”, người Samba, rất to béo, dữ tướng. Tuy nhiên, yêu cầu của ông không được chấp nhận.

Không nề hà, ông đồng ý vật với Đô Nhì. Lúc bắt đầu, mặc cho đối phương múa võ giương oai, thể hiện trình độ, xuống tấn hét lớn, ông vẫn bình thản đứng nghiêm trang. Rồi bất ngờ, Đô Nhì lao vào hòng chiếm thế thượng phong, ông né sang một bên, dùng một tay nhấc bổng đô vật hung hãn lên, giành chiến thắng một cách nhẹ nhàng.

 

Đô Châu lúc bấy giờ theo dõi toàn bộ hành động của Hữu Thế, giờ ông thắng, hắn như sôi máu, hoằm mặt, dữ tợn, muốn lao thẳng đến ăn tươi nuốt sống, nên khi bước vào keo vật quyết định, Đô Châu gầm lên một tiếng vang cả một vùng như long trời lở đất. Hắn xuống tấn đầy uy lực khiến cho sân đấu vốn được làm bằng đá vỡ vụn, thụt xuống ngang gối.

Hai chiec long trau trang va huyen bi quanh den tho 'dua con than nuoc' Yet Kieu hinh anh 2

Bức tượng người Samba quỳ lạy tượng trưng cho ước nguyện một đời hầu hạ Yết Kiêu của Đô Châu năm xưa.

Tín hiệu đấu bắt đầu, Đô Châu “cày đất” xông lên, đâm thẳng vào Hữu Thế trong tâm thế của một kẻ cửa trên như muốn xé nát đối thủ. Hữu Thế vẫn vậy, đứng sừng sững và không hề nao núng, khi thấy Đô Châu lao đến, ông bất thình lình né sang một bên, nhấc bổng Đô Châu qua đầu mình, tạo thành thế xốc ngược, đầu Đô Châu cắm xuống đất, chân chổng lên trời, buộc hắn trước mặt toàn bộ dân làng phải thốt lên 2 chữ: “Xin thua”.

Sau trận đấu, Đô Châu chịu bái phục, nguyện cả một đời sau đi hậu tạ Yết Kiêu, câu chuyện này được ghi dấu lại bằng hai bức tượng người Samba đang quỳ gối bên ban thờ cụ Yết Kiêu hiện vẫn còn đặt tại đền.

Những câu chuyện kỳ lạ

 

Sau khi kể lại sự tích về “đứa con của thần nước” năm xưa, ông Lương dẫn tôi dạo quanh ngôi đền.

Đền được thiết kế chia làm 5 gian chính, hậu cung và có cửa quay ra sông. Theo ông Lương, đền có hai ngôi chùa là chùa Xích và chùa Con phân chia hai hướng Bắc Nam tượng trưng cho Nam Tào và Bắc Đẩu.

Sở dĩ đền có thiết kế khá giống với đền ở Kiếp Bạc là vì Yết Kiêu là gia thần của Đại Vương Trần Hưng Đạo xưa, để tỏ lòng tôn kính, đền Quát cũng được làm theo lối thiết kế của đền Kiếp Bạc.

Hai chiec long trau trang va huyen bi quanh den tho 'dua con than nuoc' Yet Kieu hinh anh 3

Đền Quát thờ Yết Kiêu với lối kiến trúc hình chữ Đinh, uy nghi nằm cạnh con sông Đĩnh Đào êm đềm.

Trở lại câu chuyện đánh giặc, ông Lương chỉ cho tôi xem những kỷ vật gắn liền với vị tướng tài Yết Kiêu năm đó vẫn còn lưu lại tại Đền Quát. Ông nói hết chuyện dưới sông, lại chuyện trên bờ, rồi bỗng, ông chợt dừng lại khi nhắc tới tấm lòng ái quốc của cụ Yết Kiêu.

 

Theo các cụ xưa truyền lại, năm đó, khi loạn đến, được sự ủy quyền của Hưng Đạo Đại Vương, Yết Kiêu mang theo 100 quân cùng nhau đưa thân mẫu của Đại Vương đi sơ tán tại nơi khác để tạm trú. Trên đường đi, tới đoạn Hưng Yên thời nay, có một con sông, để đi qua phải dùng đò. Nhưng lạ thay, cứ hễ ngựa đặt chân lên đến thuyền là sóng to gió lớn, gầm gào như muốn chồm lên, nuốt sống quan quân.

Thời gian gấp rút, không thể chậm trễ, Yết Kiêu xin tâu cho phép lặn xuống sông tìm hiểu sự tình. Tuy nhiên, sau khi lặn xuống, quân lính chờ mãi không thấy cụ lên, tưởng có chuyện chẳng lành thì đột nhiên cụ ngoi lên khỏi mặt nước, tay kéo cổ hai con Giảo Long, đây cũng là hai con vật thường xuyên “gây sự” mỗi lần dân chúng qua sông.

Sau khi bắt được hai con Giảo Long, sông bỗng nhiên lặng, gió cũng dừng theo, đoàn đưa rước của cụ Yết Kiêu lại tiếp tục di chuyển.

Đưa được mẫu thân của Hưng Đạo Đại Vương về nơi an toàn, Yết Kiêu chiếm trọn được thiện cảm của Trần Hưng Đạo, ông được vua Trần ban danh hiệu “Trần triều đệ nhất đô soái thuỷ quân”, được nhân dân và vua thân mật gọi dưới cái tên Yết Kiêu – đây cũng là cái tên người dân vẫn gọi ông từ đó tới nay như để miêu tả về tài bơi lặn hơn người.

Bí ẩn việc thờ cáo và cá

 

Kể từ đó trở đi, hễ Yết Kiêu đánh đến đâu thì lại thắng đến đó, điều này theo như ông Lương kể lại, cụ Yết Kiêu lúc nào cũng như được thần linh che chở. Và để nhấn nhá thêm vào câu chuyện ngôi đền cổ và những câu chuyện kỳ lạ xung quanh nó, đoạn, ông Lương trầm ngâm nói:

“Nhiều người vẫn hỏi, tại sao đền lại thờ cả cáo. Đây là lý giải cho việc vào một trận đánh, khi cụ Yết Kiêu bị địch lùa tới tận hang nhỏ, trong hang chỉ có cụ và một con cáo. Để kiểm tra, quân lính cho đâm giáo sâu vào trong hang tìm kiếm sự sống, trong lúc ngàn cân treo sợi tóc, mũi giáo như đâm thẳng vào ngực Yết Kiêu thì bất ngờ con cáo nhảy ra khỏi hang, đỡ hộ mũi giáo.

Vì nghĩ trong hang chỉ có con vật này, nên quân địch mới bỏ đi mà không hề nghi ngờ. Sau này, để nhớ ơn, nhân dân cho thờ cả cáo trong đền nhằm ghi dấu ơn cứu mạng cụ Yết Kiêu năm xưa”.

Trong một câu chuyện khác, trên sông Đĩnh Đào, sông nguyên thủy từ rất lâu đời, hàng ngày, Yết Kiêu vẫn ra đây bơi lội. Tương truyền rằng, Yết Kiêu xưa có thể lặn từ bờ sông Đĩnh Đào tới Đền Bì khoảng 1,5km rồi ngoi lên nghỉ. Tiếp theo cụ lại lặn tiếp tới làng Hống mới nghỉ chân. Cuối cùng Yết Kiêu lặn thẳng một mạch xuống Đò Đáy, một địa danh cách Đền Quát chừng 3km.

Và cũng chính nhờ vào tài nghệ thiên bẩm và tài trí hơn người của mình, Yết Kiêu đã khoan được thuyền giặc. Khoan tới đâu cụ lại lấy nút gỗ tròn có buộc dây, nhét lại vào lỗ khoan. Mỗi thuyền đục khoảng 5 – 7 lỗ. Đến khi bơi vào bờ, Yết Kiêu giật dây, tất cả nước ùa vào những lỗ vừa khoan làm đắm thuyền địch, khiến quân địch trở tay không kịp.

 

Hai chiec long trau trang va huyen bi quanh den tho 'dua con than nuoc' Yet Kieu hinh anh 4

Để ghi nhớ công ơn cứu mạng "công thần", người dân thôn Hạ Bì cho tạc gỗ cá để thờ tại Đền Quát.

Sau bao nhiêu trận thắng nhờ tài nghệ bơi lặn của mình, cụ Yết Kiêu bị quân địch phát hiện khi đang đục thuyền giặc. Để bắt cụ, chúng lấy sắt, uốn thành móc câu, thả xuống hai bên mạn thuyền.

“Các cụ kể lại năm đó là vào một ngày cuối năm đầu đông tháng giá, cụ Yết Kiêu bị móc câu mắc phải, địch bắt được, trói cụ vào thân tàu. Bị địch tra tấn, cụ Yết Kiêu nhanh trí dẫn đường và cho rằng quân lính, anh em của ông đang tập kết ở Sáu Kho (Hải Phòng).

Địch vui mừng cởi trói đưa ông tới địa điểm trên với hy vọng bắt được cả ổ. Tuy nhiên, ra tới khu Sáu Kho, Yết Kiêu bỗng nhiên lao vút ra cửa tàu, nhảy phốc xuống nước, lặn thoát đi. Thấy thế, quân địch vội vàng tìm kiếm nhưng không thể nào phát hiện ra Yết Kiêu vì nước nơi đây chảy như thác.

Tức giận, địch bủa vây đi khắp các cửa sông để tìm kiếm. Lúc này, thuyền bè không có, Yết Kiêu không biết thoát đi đâu thì đột nhiên, như có sự dẫn lối của đấng Thiên Tôn, dòng sông bất ngờ xuất hiện một con cá kình to lớn, nổi lên như muốn trợ giúp.

 

Không một phút suy nghĩ, Yết Kiêu nhảy lên lưng con cá lao qua sông trốn thoát. Chính vì vậy mà ở Đền Quát đến nay vẫn cho thờ cá kình, đây cũng là vật cứu mạng cụ Yết Kiêu năm xưa”, ông Lương giải thích.

Như được thừa hưởng tinh hoa của vị anh hùng Yết Kiêu năm xưa, làng Hạ Bì nay vẫn sinh ra nhiều người con có tài nghệ bơi lội giỏi, thậm chí có nhiều người có thể lặn tới vài phút.

Tuy nhiên, khi được hỏi có ai có thể lặn được lâu tới nửa tiếng như cụ Yết Kiêu năm xưa, ông Lương lắc đầu đáp: “Không thể cậu ạ, vì cụ Yết Kiêu năm xưa như được trời ban cho tài nghệ bơi lặn giỏi hơn người”.

Theo bước chân ông Lương, tôi vào gian hậu cung, nơi được cho là kỷ niệm đau buồn đối với cụ Yết Kiêu. Ông Lương vừa nói, vừa chỉ vào ban thờ cụ bà và 9 bức tượng hầu nữ sau cùng, vừa kể, giọng vừa chùng xuống, đầy tiếc nuối:

“Cụ Yết Kiêu nhà chúng tôi dù tài giỏi hơn người tới đâu nhưng cuối đời vẫn không thể có được người nối dõi cậu ạ. Vì có duyên, nhưng phận chẳng tới, hai cụ ngày xưa vốn chẳng thể đến được với nhau trong hoan hỉ”.

 

Năm đó, sau khi đánh thắng quân Nguyên Mông, thấy Yết Kiêu có tài nghệ, phẩm chất, đạo đức hơn người, vua Nguyên đặt vấn đề gả con gái là công chúa Ngọc Hoa cho ông. Tuy nhiên, do đức tính trung quân lại hiếu thuận, còn mẹ già nơi quê nhà đang mong tin, cụ Yết Kiêu xin về để xin phép ý kiến của mẹ và vua. Nếu được đồng ý, ông sẽ quay lại rước công chúa.

Thực tình lúc đó để từ chối, Yết Kiêu xin phép thoái thác đi về. Trên đường, cụ cho dựng một quán bán nước ven sông để như báo hiệu lại cho ai muốn hỏi thông tin về mình thì sẽ báo lại là cụ Yết Kiêu đã tạ thế đi rồi.

Sau đó, do lâu ngày không thấy Yết Kiêu quay lại, công chúa xin vua cho được xuống nước Nam để thăm hỏi tung tích cụ Yết Kiêu. Nhưng khi tìm đến quán nước, được tin cụ Yết Kiêu đã qua đời, quá đau buồn, công chúa cùng 9 nàng hầu gieo mình xuống sông để giữ gìn phẩm hạnh.

Chính vì vậy, Đền Quát đến nay vẫn đang thờ cụ bà và 9 nàng hầu theo cụ bà ngày xưa như để tưởng nhớ về một “người vợ” danh chính ngôn thuận nguyện theo chồng mà thác xuống dòng sông.

Hai chiec long trau trang va huyen bi quanh den tho 'dua con than nuoc' Yet Kieu hinh anh 5

Sông Đĩnh Đào, nơi sinh ra người anh hùng dân tộc Phạm Hữu Thế - Yết Kiêu.

 

Ngày nay, cứ đến ngày 28 tháng Chạp hàng năm, để kỷ niệm ngày cụ Yết Kiêu mất, cả làng, nhất là dòng họ Phạm Hữu tổ chức lễ đền ơn đáp nghĩa với cụ vì những công lao cho dòng họ và dân làng .

Và như để miêu tả thêm về “cái lạ”, “cái độc” của Đền Quát, ông Lương đứng phắt dậy, tay chỉ ra sông, sang sảng nói: “Không ở đâu có như ở đây, cứ đến ngày này hàng năm sẽ có 14 hà bá dưới sông kéo tất cả thuyền bè từ khắp nơi, buộc phải đổ về Đền Quát, đỗ kín sông để về đây ăn Tết, suy tôn Yết Kiêu là anh cả của nghề sông nước”.

Dòng tộc Phạm Hữu – cội nguồn của người anh hùng dân tộc Phạm Hữu Thế năm xưa trước nay vẫn thuộc họ đông nhất của thôn Hạ Bì khi có tới trên dưới 50 hộ gia đình.

Hằng năm, con cháu trong dòng họ đều sắm lễ dâng lên cụ như một sự tri ân. Lễ vật cúng cũng khá đặc biệt, ngày rằm, thường sẽ cúng mâm xôi, con gà, nhưng khi tới hội đền chính thì các mâm cỗ thi cúng thường bắt buộc phải có: Bánh chưng, bánh trôi, bánh dày, thịt gà, mía tiễn, chè và không thể thiếu cá chép rán.

Đến nay, mỗi người dòng họ Phạm Hữu vẫn luôn tự khuyên bảo nhau về ăn nói, đi lại noi gương cụ Yết Kiêu và xứng đáng là hậu sinh của cụ.

 

“Yết Kiêu cùng với Dã Tượng là hai gia nô trung thành của Hưng Đạo Vương. Khi quân Nguyên tới, Yết Kiêu giữ thuyền ở Bãi Tân (trên sông Lục Nam), Dã Tượng đi theo Hưng Đạo Vương. Khi quân Việt thua, thủy quân bị tan cả. Hưng Đạo Vương định rút theo lối chân núi. Dã Tượng nói:
- Yết Kiêu chưa thấy Đại Vương thì nhất định không dời thuyền.
Hưng Đạo Vương đến Bãi Tân, chỉ có thuyền Yết Kiêu vẫn còn ở đó, vui mừng nói:
- Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng là chim thường thôi.
Nói xong chèo thuyền đi, kỵ binh Nguyên đuổi theo không kịp. Hưng Đạo Vương rút về Vạn Kiếp, chia quân đón giữ ở Bắc Giang” – Theo "Đại Việt sử ký toàn thư".



Theo vtc.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm