Khám phá

Kỳ dị đàn lợn khất thực kiếm ăn và người đàn bà nhận lợn là… mẹ đẻ

Đoạn đường đàn lợn khất thực dài hơn 3km, qua chợ Sóc Trăng, vào tận thành phố, rồi trở về chùa đúng lúc nhà chùa sắp tụng kinh.

Kỳ 2 (kỳ cuối): Chuyện khó tin về đàn lợn quái thai chùa Dơi đi khất thực kiếm ăn

“Thí chủ lợn quy y”

Theo sư Tú Linh (chùa Mã Tộc, tức chùa Dơi, TP. Sóc Trăng), thì người Khmer rất sợ lợn 5 móng, 3 giò. Lợn 5 móng, tức là lợn dị tật, có tới 5 móng chân thay vì 4 móng. Còn lợn 3 giò thực ra không phải dị tật, chỉ là một chân có màu đen, một chân có màu trắng.

Không rõ truyền thuyết này có từ khi nào, nhưng người Khmer tin rằng, những con lợn đó là cốt tinh của con người, nó là linh hồn của con người đầu thai vào con lợn. Những con người đó vốn gây nhiều tội ác, nên bị đày làm kiếp lợn. Chính vì con lợn mang linh hồn của kẻ ác, nên những gia đình nuôi phải nó sẽ gặp họa.

Người Khmer tin rằng, gia đình nào nuôi phải con lợn này thì sẽ gặp bất hạnh, gia đình lục đục, vì bị cốt tinh của con lợn quấy phá. Tuy nhiên, nếu giết lợn thì cả nhà sẽ bị đền mạng. Chính vì thế, gia đình nào nuôi phải lợn 5 móng, 3 giò, thì chỉ có nước cung phụng nó đến già. Khi lợn chết, phải mang táng cẩn thận như người, mới mong thoát kiếp nạn.

Lợn 5 móng 3 giò nuôi trong chùa Dơi.

Không biết nguyên do từ đâu, nhưng cách nay 30 năm, những gia đình đen đủi nuôi phải lợn 5 móng, 3 giò, đã nghĩ ra trò giải thoát cho mình bằng cách đẩy “lợn quái thai” cho nhà chùa nuôi. Họ tin rằng, nhà chùa là nơi thích hợp, có thể nâng đỡ linh hồn tội lỗi, bị đày làm kiếp lợn. Khi con lợn quái thai được nuôi dưỡng, được nghe kinh Phật sám hối thì không phá phách con người nữa, và cũng vì thế mà hóa giải được tai họa. Vậy là nhà chùa biến thành “trang trại lợn quái thai”, nơi nuôi những con lợn bị tạo hóa “tặng” thêm một móng chân và một cái chân khác màu.

Sư Tú Linh chi biết, con lợn đầu tiên mà chùa nuôi là vào năm 1989, cách nay đã 30 năm. Khi đó, chùa Dơi còn khá hoang vu, cây cối rậm rạp, dơi bay rợp trời, đậu ken đặc trong vườn cây cổ thụ. Trong chùa có bà cụ Khiên, là người trông nom, quét dọn chùa. Đêm ấy, sau một ngày mệt nhọc vì quét dọn chùa, dẫy cỏ ngoài vườn, thì bà Khiên nằm ngủ mê mệt. Trong giấc mơ, bà thấy Bồ Tát hiển linh báo với bà rằng, ngày mai, sẽ có một nữ thí chủ đến chùa quy y. Bà Khiên giật mình tỉnh giấc, toàn thân toát mồ hôi. Bà trở dậy, thắp hương trên chính điện. Bà Khiên tin rằng, Bồ Tát đã thông báo với bà một tin gì đó.

Chùa Dơi là ngôi chùa lớn, linh thiêng của người Khmer của Sóc Trăng.

Sáng hôm sau, bà Khiên dậy sớm hơn thường lệ. Vừa quét chùa bà vừa ngó chừng ra cổng xem có ai đến không. Ngày đó, chùa Dơi rất vắng, lại chỉ có một cổng nhỏ, nên ai ra vào bà đều kiểm soát được. Gác cửa đến tận trưa nhưng chẳng thấy nữ thí chủ nào như lời Bồ Tát báo mộng. Nghĩ rằng giấc mộng không hiển linh, nên bà Khiên tiếp tục công việc quét dọn của mình.

Bà Khiên ngỡ ngàng khi phát hiện phía sau chùa, trong vườn dơi, có một con lợn cái rất lớn đang ngủ ngon lành. Không biết lợn nhà ai xông vào chùa, làm ô uế không gian thanh tịnh, nên tức mình, bà Khiên cầm chổi đập nhẹ vào mông, đánh thức nó dậy. Tuy nhiên, bà Khiên làm đủ trò mà con lợn không chịu dậy, cứ ủn ỉn, rồi rên la. Bà phải nhờ mấy du khách dùng que ngoáy vào tay, cô lợn cái mới chịu dậy. Nhưng nó cứ đứng ì một chỗ, không chịu nhúc nhích.

Nghĩa địa lợn ở chùa Dơi.

Một du khách bỗng hét lên: “Lợn 5 móng bà ơi! Lợn này thiêng lắm, là cốt tinh của người đấy! Nó vào chùa là có duyên với nhà chùa rồi bà ạ”. Lúc này, bà Khiên mới nhìn xuống chân nàng lợn cái, hóa ra là lợn 5 móng. Bà Khiên toát mồ hôi, nhớ lại giấc mộng đêm qua. Thì ra, nữ thí chủ đến chùa quy y chính là nàng lợn cái này.

Bà Khiên không đuổi lợn đi nữa, mà dùng nước lá tắm cho lợn, như rửa bụi trần. Nhà chùa nghe chuyện bà Khiên kể, rồi chứng kiến cô lợn, cũng tin giấc mộng của bà Khiên là điềm báo của Phật. Vì thế, nhà chùa đã làm các thủ tục cần thiết để nhận cô lợn vào chùa. Bà Khiên chuẩn bị chỗ cho lợn ở. Với nhà Phật, con lợn cũng là một kiếp sống, nên nhà chùa đối xử như mọi thành viên trong chùa. Ngày nó chạy rong trong khuôn viên, tối chui vào ổ ngủ và đến bữa thì được các nhà sư mang đồ ăn cho.

Đàn lợn khất thực

Chuyện cô lợn 5 móng quy y cửa phật đồn đại ầm ĩ khắp vùng, khiến nhiều người tò mò tìm đến. Thời điểm đó, mỗi ngày có cả ngàn người kéo đến xem lợn 5 móng trong chùa Dơi. Người dân thêu dệt đủ chuyện kỳ quái quanh con lợn này. Nghĩ rằng nhà chùa có khả năng hóa giải nghiệp chướng lợn 5 móng, 3 giò, nên người dân quanh vùng dắt những con lợn này đến chùa gửi nuôi. Thế là trên trời có đàn dơi, dưới đất có đàn lợn ủn à ủn ỉn suốt ngày.

Cũng từ bấy “cô lợn” Năm Hợi trở thành “đại ca” của đàn lợn quái thai tới hơn chục con. Điều đặc biệt là đàn lợn này không nghịch ngợm, không ủi đất, không phá hoại lung tung và rất lịch sự ở chỗ không ị bậy bạ ra chùa.

Ngày nào cũng thế, bất kể nắng mưa, sáng sớm Năm Hợi dẫn đầu, đàn em theo sau, xếp hàng thứ tự từ lớn đến nhỏ, lục tục ra khỏi sân chùa đi… khất thực. Chúng cứ lặng lẽ đi dọc đường, qua các khu dân cư, các khu chợ. Đoạn đường đàn lợn đi khất thực dài hơn 3km, qua chợ Sóc Trăng, vào tận thành phố, rồi trở về chùa đúng lúc nhà chùa sắp tụng kinh.

Lợn 5 móng ở chùa Dơi.

Người dân hai bên đường thấy đàn lợn đi qua thì bố thí cho đồ ăn. Có lẽ, đã “quy y cửa Phật” nên chúng rất hiền, tuyệt nhiên không càn quấy, phá phách gì ngoài đường, ngoài chợ. Người dân cũng rất… kính trọng đàn lợn. Nhiều bà lão khi thấy đàn lợn đi qua nhà mình liền mời dừng lại chơi rồi… dâng trầu. Điều lạ lùng là đàn lợn cũng biết nhai trầu bỏm bẻm, miệng đỏ tươi nhìn rất ngộ.

Ở chùa, đàn lợn cũng ăn theo chế độ ăn ngọ như các nhà sư, tức là chỉ ăn uống trước 12h mỗi ngày, sau 12 giờ là không ăn gì nữa. Khẩu phần ăn cũng đơn giản như các nhà sư, khất thực được thứ gì thì ăn thứ đó. Đồ ăn chủ yếu là đồ chay. Thế nhưng, chúng lại lớn rất nhanh. “Cô” Năm Hợi đạt kích cỡ khổng lồ nhất, nặng đến 400kg, trông lừng lững như chú voi còi. Năm Hợi ở chùa được 7 năm thì chết vì tuổi già.

Sư phó Tú Linh cho biết, cuối năm 1996, Năm Hợi chọn một nơi yên tĩnh ở góc vườn chùa nằm nghỉ rồi “hóa” một cách thanh thản, nhằm tránh cho du khách viếng chùa trông thấy hình ảnh buồn. Chính những biểu hiện kỳ lạ này mà khi Năm Hợi chết, nhiều người đã đến hương khói, cúng vái, và họ đều xưng hô là “cô Năm Hợi”. Đêm đêm có nhiều tay chơi đề đóm vào khu mộ lợn khấn xin trúng số. Trúng trật thế nào chẳng rõ. Sau khi Năm Hợi cũng như những anh, chị lợn khác ở chùa chết, các sư chôn cất trong nghĩa địa sau chùa. Lễ mai táng cũng đầy đủ thủ tục, như mai táng người đã khuất.

Mộ "cô lợn" được đặt tên là Năm Hợi.

Sau khi Năm Hợi “hóa”, một ngày, có người đàn bà từ TP. Hồ Chí Minh tìm đến chùa, nước mắt nước mũi sụt sùi bảo với các nhà sư: “Nhiều lần người mẹ quá cố của con báo mộng rằng, mẹ con hóa kiếp thành heo, tên là Năm Hợi, sống ở chùa Mahatup (chùa Mã Tộc, chùa Dơi). Con mong các nhà sư cho con được làm lễ cầu hồn để linh hồn mẹ con được siêu thoát”.

Nhà chùa đã đồng ý để người phụ nữ này đạt được ước nguyện. Lễ cầu siêu hoành tráng xong xuôi, thì người phụ nữ này chỉ đạo thợ xây ngôi mộ, vẽ hình con lợn béo tốt lên bia, ghi tên Năm Hợi, với cả ngày “hóa”.

Sau lần đó, các chủ gửi lợn 5 móng, 3 giò đến chùa cũng học theo. Khi nào lợn chết, được nhà chùa thông báo, họ đến làm lễ mai táng, rồi xây mồ yên mả đẹp cho lợn. Vì thế, sau ngôi chùa Dơi huyền bí, xuất hiện một nghĩa địa lợn rất kỳ lạ. Số lượng mộ lợn mỗi ngày một nhiều.

Ngoài nghĩa địa lợn thì trong chùa Dơi lúc nào cũng có vài con lợn 5 móng, 3 giò. Tuy nhiên, bọn lợn này không có sự chỉ đạo của “cô” Năm Hợi, nên sinh hoạt không có quy củ gì cả. Chúng ủi đất, phá hoại lung tung. Vì thế, nhà chùa phải xây chuồng nhốt chúng lại.

Những con lợn trong chuồng đều rất to, chỉ nằm dài chờ ăn. Hàng ngày, các nhà sư phải chia sẻ khẩu phần ăn vốn đã ít ỏi của mình cho chúng. Nhà sư có thể nhịn đói, nhưng bọn lợn mà đói thì chúng kêu inh ỏi. Buổi trưa, chúng nằm phưỡn mình ngủ, thở phì phò, hai răng nanh thò ra sắc nhọn như nanh hổ, trông phát ớn. Ngày nào nhà chùa cũng phải dọn chuồng, tắm rửa cho bọn lợn 5 móng, 3 giò. Nếu không dọn chuồng sạch sẽ, mùi phân lợn bốc lên ngộp thở, làm mất đi sự thanh tịnh của ngôi chùa linh thiêng bậc nhất miền Tây.

Theo Phạm Dương Ngọc/VTC News
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo